Có thể nói với trẻ nhò hay trẻ sơ sinh thì sức khỏe là một trong những yếu tố rất quan trọng và là một yếu tố quyết định rất lớn tới sự phát triển của cả thể lực và trí lực sau này. Dưới đây sẽ là những câu hỏi của mẹ về bệnh viêm phổi ở trẻ em mà con đang mắc phải, cũng như là lời giải đáp của chuyên gia.
Con bị viêm phổi nặng nhưng gia đình không biết
Bé gái Nguyễn Bảo Anh 34 ngày tuổi sống tại Hà Nam, vào Bệnh viện Nhi Trung ương cách đây hơn một tuần. Mẹ cháu cho biết, trước khi vào viện cháu có các biểu hiện như ho, cánh mũi phập phồng, khó thở, bụng chướng… Sau khi khám tại phòng khám tư nhân thì gia đình được chỉ định cho cháu dùng thuốc ho và men tiêu hóa. Hai ngày sau đó, con không đỡ mà còn bú kém nữa, thở nhanh hơn, mệt mỏi, quấy khóc nhiều hơn, gia đình vội đưa đến bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi khám và chụp phim để kiểm tra, các bác sĩ kết luận cháu đã viêm phổi nặng, có dấu hiệu suy hô hấp.
Trường hợp khác là cháu Bảo Long 10 tháng tuổi, con chị Ngọc ở phố Huế, Hà Nội. Con chị có các dấu hiệu của viêm đường hô hấp như ho húng hắng, chảy nước mũi, khó thở nhẹ, không sốt và ăn uống bình thường, do nghĩ trẻ ốm do thay đổi thời tiết như mọi lần, gia đình đã tự mua thuốc kháng sinh để điều trị tại nhà cho con. Chỉ hơn một ngày sau, bệnh tiến triển nhanh, gia đình đưa con vào viện thì trẻ đã suy hô hấp nặng, viêm phổi.
Theo tiến sĩ Lê Hồng Hanh, phó trưởng khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng cha mẹ không đủ khả năng phát hiện sớm bệnh viêm phổi khiến trẻ nhập viện khi bệnh đã quá nặng không phải là hiếm có. Tại khoa Hô hấp của bệnh viện, số lượng bệnh nhi nhập viện vì viêm phổi luôn chiếm tỷ lệ cao, phần lớn là trẻ dưới 5 tuổi.
Cũng theo tiến sĩ Hanh, viêm phổi (hay còn gọi viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ) là bệnh viêm các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức quanh phế nang. Ở Việt Nam, trẻ bị viêm phế quản phổi chiếm từ 30-34% các trường hợp đến khám và điều trị tại bệnh viện. Tử vong do viêm phổi chiếm tới 75% trong các bệnh lý hô hấp.
- Do nhiễm virus: Chiếm từ 60-70% các trường hợp thường gặp là các dạng Virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm và adenovirus.
- Vi khuẩn: Có các dạng như Phế cầu, liên cầu, haemophilus, tụ cầu và các vi khuẩn không điển hình.
- Các trường hợp khác: Hay xảy ra ở trẻ dưới một tuổi, đẻ non, thiếu cân, suy dinh dưỡng, còi xương, bị bệnh hô hấp mạn tính, sống trong môi trường ô nhiễm.
Thứ nhất, khi bị sốt thì trẻ sơ sinh xuất hiện hạ thân nhiệt, mệt mỏi, ăn kém, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, ho, ho khan hoặc có đờm xanh, khó thở.
Thứ hai, nhịp thở nhanh hơn so với lứa tuổi. Đây được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi:
- Trẻ dưới 2 tháng: ≥ 60 lần/phút
- Trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng: ≥ 50lần/phút
- Trẻ từ 1-5 tuổi: ≥ 40lần/phút
- Trẻ từ 5 tuổi trở lên: > 30 lần/phút
Thứ ba, trẻ bị co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng, bác sĩ khám thấy ran bệnh lý ở phổi.
Thứ tư khi chụp phim thấy có hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang.
Cuối cùng đó là khi xét nghiệm thì thấy bạch cầu trong máu tăng, CRP tăng (CRP là một glycoprotein được gan sản xuất, bình thường không thấy protein này trong máu).
Mỗi lần trẻ gặp phải vấn đề gì thì gia đình không nên xem thường. Do đó, khi các bà mẹ thấy con mình có các biểu hiện như trên nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, chụp X-quang, xét nghiệm máu và điều trị kháng sinh kịp thời.
Tuyệt đối không tự ý điều trị kháng sinh ở nhà vì như vậy sẽ rất nguy hiểm với trẻ khi cơ thể còn đang yếu.
- Mỗi bà mẹ cần đảm bảo sức khỏe khi đang mang thai bằng cách ăn đủ chất, khám thai định kỳ, tiêm phòng…
- Luôn giữ môi trường sống của trẻ được sạch sẽ.
- Tiêm chủng theo lịch, định kì theo quy định.
- Đặc biệt cần phát hiện đúng lúc các dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp cũng như viêm phổi để được điều trị kịp thời.
Lưu ý * Tên bệnh nhi đã được thay đổi