Huyệt Khúc Trì: Tìm hiểu vị trí, công dụng và các phương pháp trị liệu thường gặp

Huyệt Khúc Trì: Tìm hiểu vị trí, công dụng và các phương pháp trị liệu thường gặp
Khúc Trì là huyệt vị có vai trò quan trọng trong điều trị cao huyết áp, các bệnh về da, đau nhức ở tay và bệnh về mắt. Xác định đúng vị trí huyệt Khúc Trì giúp quá trình trị liệu an toàn và hiệu quả hơn. Dưới đây là một số thông tin quan trọng về huyệt vị.

Vị trí huyệt Khúc Trì nằm ở đâu? Nó có công dụng gì đối với sức khỏe của con người? Và làm thế nào để trị liệu an toàn và mang lại hiệu quả tối ưu khi tác động đến huyệt Khúc Trì? Tất cả câu trả lời và mọi kiến thức liên quan đến huyệt Khúc Trì sẽ được giải đáp trong bài viết này. Dưới đây khái niệm, ý nghĩa tên gọi và vị trí cũng như công dụng và cách tác động an toàn và hiệu quả nhất khi trị liệu.

1. Tìm hiểu chung về huyệt Khúc Trì và ý nghĩa tên gọi

Theo Y học Cổ Truyền, huyệt Khúc Trì còn có một số tên gọi khác như: Dương Trạch, Quỷ Cự. Huyệt có vai trò quan trọng mang lại hiệu quả trong điều trị chứng đau nhức ở tay. Đồng thời hỗ trợ điều trị huyết áp, cảm, sốt, dị ứng và các bệnh về mắt,...

Về đặc tính, Khúc Trì là huyệt thứ 11 của Kinh Đại Trường. Đây là hợp huyệt và thuộc hành Thổ. Đồng thời nó là huyệt Bổ của Đại Trường Kinh. Về ý nghĩa tên gọi, "Trì" có nghĩa là cái ao, "Khúc" có nghĩa là cái khuỷu tay gấp cong. Vì huyệt vị xuất hiện ở chỗ lõm của của tay khi gập cong lại nên có tên là Khúc Trì.

Huyệt Khúc Trì có tính chất toàn thể. Do đó, nó có khả năng phối hợp linh hoạt với các huyệt đạo khác để trị liệu các bệnh lý trên toàn cơ thể. Huyệt Khúc Trì mang lại hiệu quả tốt nhất khi điều trị các bệnh ngoài da, bệnh về mắt và đau nhức ở tay. Tuy nhiên để quá trình trị liệu an toàn và hiệu quả chúng ta bắt buộc phải xác định đúng vị trí huyệt.

Vị trí huyệt Khúc Trì, công dụng và các phương pháp trị liệu thường gặp - Ảnh 1.

Vị trí huyệt Khúc Trì - Ảnh: Internet

Đọc thêm:

Vị trí huyệt Đại Lăng ở đâu? Tác dụng của huyệt Đại Lăng trong trị liệu

Huyệt Thần Môn nằm ở đâu? Lưu ý gì khi tác động đến huyệt thần môn?

2. Vị trí huyệt Khúc Trì trên cơ thể và cách xác định

Huyệt Khúc Trì nằm ở chỗ lõm bờ ngoài mặt sau của khuỷu tay. Đó là nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1 và cơ ngửa ngắn ở khớp khuỷu tay. Trong Y học hiện đại vị trí huyệt Khúc Trì được xác định bằng cách giải phẫu dưới da.

Vai trò các nhánh của dây thần kinh khu vực huyệt Khúc Trì là dây thần kinh vận động cơ. Tiết đoạn thần kinh C6 có tác dụng chi phối da vùng huyệt.

Theo Y học Cổ Truyền cách xác định vị trí huyệt Khúc Trì vô cùng đơn giản. Bạn hoàn toàn có thể xác định chính xác vị trí huyệt ngay cả khi không có chuyên môn. Để xác định vị trí huyệt Khúc Trì bạn chỉ cần co cẳng tay vào cánh tay. Bàn tay để ở trước ngực sao cho nếp gấp khuỷu tay hiện rõ. Huyệt Khúc Trì nằm tại chính điểm lõm ở đầu ngoài của nếp gấp khuỷu tay. Khi ấn vào vị trí huyệt sẽ có cảm giác hơi đau, nhức.

3. Công dụng của huyệt Khúc Trì đối với sức khoẻ

Huyệt Khúc Trì có nhiều công dụng trong điều trị các chứng bệnh toàn thân khi kết hợp với huyệt khác. Một số tác dụng thường gặp của huyệt là khu phong, trừ thấp, giải biểu, thanh nhiệt, giải độc, dưỡng huyết,...

Công năng trị bệnh của huyệt Khúc Trì rất đa dạng. Nó mang lại hiệu quả trong việc điều trị chứng đau khớp khuỷu tay, cánh tay, bả vai. Khắc phục các triệu chứng mỏi ở khuỷu tay và khắp cánh tay. Bên cạnh đó, thực hiện day bấm huyệt thường xuyên giúp thúc đẩy lưu thông máu.

Đồng thời, nó hỗ trợ giải phóng các dây thần kinh bị chèn ép, nhờ đó chữa lành các tổn thương và giảm đau nhanh chóng. Ngoài ra, tác động vào huyệt Khúc Trì còn có tác dụng cải thiện vận động, hỗ trợ phục hồi chức năng khi tay bị liệt.

Đối với các bệnh ngoài da do phong, thấp, nhiệt, huyết gây nên, tác động vào huyệt Khúc Trì kết hợp Tam Âm Giao có tác dụng giảm ngứa hiệu quả. Đồng thời nó hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da thường gặp như mẩn ngứa, viêm da, dị ứng,...

Đối với chứng cảm cúm, khi day ấn huyệt Khúc Trì kết hợp chườm lạnh và uống nhiều nước giúp giảm sốt nhanh, cải thiện tình trạng đau họng.

Vị trí huyệt Khúc Trì, công dụng và các phương pháp trị liệu thường gặp - Ảnh 2.

Day ấn huyệt Khúc Trì có tác dụng điều trị cao huyết áp hiệu quả - Ảnh: Internet

Đối với người bị cao huyết áp, bấm huyệt Khúc Trì giúp hạ và ổn định huyết áp hiệu quả. Thực hiện day ấn huyệt thường xuyên sẽ thúc đẩy khí huyết lưu thông. Từ đó giảm áp lực máu tác động lên thành động mạch.

Khi phối hợp huyệt Khúc Trì với một số huyệt vị khác giúp tăng hiệu quả chữa bệnh lên gấp nhiều lần. Tiêu biểu như phối hợp với huyệt Dương Lăng Tuyền có tác dụng trị bán thân bất toại. Kết hợp với Hợp Cốc trị sưng họng. Phối hợp với huyệt Thần Môn, Ngư Tế trị nôn ra máu. Phối hợp với Phục Lưu và Túc Tam Lý trị sốt cao, thương hàn,...

Có thể nói huyệt Khúc Trì có khả năng chữa bệnh khá rộng khi có thể kết hợp với nhiều huyệt vị khác trong hệ thống kinh mạch. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ các bác sĩ Đông Y để hiểu rõ ràng hơn.

4. Tác động lên huyệt Khúc Trì đúng cách để an toàn và hiệu quả khi trị liệu

Giống như các huyệt vị khác, huyệt Khúc Trì cũng có hai phương pháp tác động cơ bản trong trị liệu, đó là châm cứu và bấm huyệt.

4.1. Trị liệu bằng châm cứu

Châm cứu là phương pháp trị liệu được áp dụng cho các trường hợp nặng. Đây là biện pháp mang lại hiệu quả cải thiện tối ưu khi điều trị bệnh.

Kỹ thuật châm cứu rất phức tạp nên cần được thực hiện bởi các bác sĩ Đông Y có chuyên môn để đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả tối ưu nhất. Phương pháp châm cứu huyệt Khúc Trì được thực hiện như sau:

Châm thẳng và sâu từ 1 - 1,5 thốn hoặc xuyên tới huyệt Thiếu Hải sâu 2 - 2,5 thốn. Cưu 3 - 5 tráng, ôn cứu từ 5 - 10 phút. Với trường hợp trị liệu liệt chi cần châm mũi kim hơi hướng xuống mặt cong của khuỷu tay. Khi châm đúng, người bệnh có cảm giác như bị điện giật ở ngón tay.

Vị trí huyệt Khúc Trì, công dụng và các phương pháp trị liệu thường gặp - Ảnh 3.

Châm cứu huyệt Khúc Trì hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả - Ảnh: Internet

4.2. Trị liệu bằng cách day bấm huyệt

Phương pháp xoa bóp, day bấm huyệt thường được áp dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ. Nó mang lại hiệu quả cao trong điều trị cảm sốt, đau nhức mỏi ở tay.

Cách thực hiện phương pháp day, ấn huyệt khá đơn giản. Sau khi xác định rõ vị trí huyệt Khúc Trì, bạn cần dùng ngón tay cái day ấn với lực vừa phải. Thực hiện liên tục khoảng 15 lần mỗi lần từ 1 - 2 giây.

Duy trì bấm huyệt từ 1 - 2 lần/ngày để đạt hiệu quả điều trị nhanh chóng nhất. Trong quá trình bấm huyệt bạn nên cử động linh hoạt để các khuỷu tay được vận động.

5. Một số lưu ý khi tác động lên huyệt Khúc Trì

Xác định đúng vị trí huyệt và tác động đúng cách là yếu tố quan trọng nhất mang đến sự đảm bảo về tính an toàn và hiệu quả khi trị liệu. Đồng thời ngăn ngừa tốt nhất các nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Ngoài hai yếu tố trên bạn cần lưu ý đến các vấn đề sau:

- Chỉ tác động lên huyệt sau khi sát khuẩn tay, da vùng huyệt và y cụ nếu có. Đây là nguyên tắc an toàn để phòng tránh nguy cơ bội nhiễm có thể xảy ra.

- Không trị liệu cho phụ nữ mang thai, người bị chấn thương xương khớp, bị bệnh nhiễm trùng hoặc các bệnh ngoại khoa như viêm vòi trứng, chảy máu dạ dày,...

- Không tác động lên huyệt khi vừa uống rượu, bia hoặc sử dụng chất kích thích.

- Không bấm huyệt hoặc châm cứu khi quá đói, quá no hoặc da vùng huyệt có vết thương, bị viêm nhiễm, mụn nhọt.

- Tiến hành châm cứu, bấm huyệt ở các phòng khám Đông Y đáng tin cậy. Quá trình tác động lên huyệt phải được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn.

- Đây là phương pháp điều trị có tác dụng chậm. Do đó, người bệnh cần kiên trì trị liệu trong thời gian dài mới mang lại hiệu quả. Ngoài ra, bên cạnh việc tuân thủ liệu trình điều trị, người bệnh cần có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để rút ngắn thời gian trị liệu.

Trên đây là một số kiến thức liên quan đến huyệt Khúc Trì đối với sức khỏe con người. Bạn có thể tham khảo và áp dụng để chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho cả gia đình.


Tác giả: HT