Huyết áp tâm trương là gì? Những điều cần biết về huyết áp tâm trương

Huyết áp tâm trương là gì? Những điều cần biết về huyết áp tâm trương
Huyết áp được các chuyên gia chia thành hai phần là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Vậy huyết áp tâm trương là gì? Chỉ số huyết áp tâm trương bình thường là bao nhiêu? Cùng tìm hiểu các vấn đề này qua bài viết dưới đây.

Theo kết quả thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cao huyết áp là một trong những nguyên nhân gây tử vong thường gặp nhất ở người. Vì vậy, hiểu biết về các chỉ số huyết áp là cực kì cần thiết để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm do các căn bệnh về huyết áp gây ra.

1. Huyết áp tâm trương là gì?

Như đã nói, huyết áp được xác định bằng hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Chỉ số thứ nhất là huyết áp 'tâm thu' – là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu, xảy ra khi tim co bóp. Chỉ số thứ hai là huyết áp tâm trương – là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu và xảy ra giữa các lần tim co bóp, khi cơ tim được thả lỏng.

Hay nói một cách khác, huyết áp tâm trương là lực tác động của máu lên thành động mạch ở thì tâm trương.

2. Huyết áp tâm trương có chỉ số bao nhiêu là tốt cho sức khỏe?

Để đưa ra kết quả chẩn đoán huyết áp của một người là bình thường hay không, cao hay thấp, các bác sĩ ăn cứ vào cả 2 trị số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Cụ thể:

- Đối với người trưởng thành, huyết áp bình thường được xác định có huyết áp tâm thu là 120 mmHg và huyết áp tâm trương là 80 mmHg.

- Cao huyết áp được chẩn đoán xác định là khi có huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên.

- Sự chênh lệch giữa hai chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương giữ một hiệu số nhất định để tạo nên áp lực tưới máu cho các cơ quan. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng sự chênh lệch này không bao giờ được bằng hay dưới 20 mmHg. Nếu mức chênh lệch giữa huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương dưới con số này, bác sĩ sẽ nhận định đây là trường hợp huyết áp kẹp và sẽ tiến hành xử lý cấp cứu.

- GIữ các chỉ số huyết áp tâm thu và tâm trương bình thường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với chức năng, hiệu quả làm việc của các cơ quan sinh tồn như tim, não và thận.

Huyết áp tâm trương là gì? Những điều cần biết về huyết áp tâm trương - Ảnh 1.

huyết áp bình thường được xác định có huyết áp tâm thu là 120 mmHg và huyết áp tâm trương là 80 mmHg - Ảnh Internet.

3. Sự nguy hiểm của tăng huyết áp tâm trương

Các bác sĩ cho biết tăng huyết áp tâm trương là khi chỉ số huyết áp tâm trương lớn hơn hoặc bằng 90 mmHg. Theo nghiên cứu của các chuyên gia, nguyên nhân của tăng huyết áp tâm trương là do các động mạch nhỏ trong cơ thể hẹp hơn bình thường. Điều này khiến máu chảy qua các tiểu động mạch bị nén lại, vì thế làm tăng huyết áp tâm trương.

Ngoài ra, một người có thể bị huyết áp tâm trương cao là do các bệnh về tuyến giáp, tuyến giáp hoạt động kém hay suy giáp hoặc các bệnh lý về thận cũng có thể gây ra tăng huyết áp tâm trương.

Huyết áp tâm trương tăng cao sẽ khiến mạch máu đàn hồi kém hơn, xơ cứng, xuất hiện các mảng xơ vữa, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.

Chúng ta sẽ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm đến hệ tim mạch nếu bị tăng huyết áp trong thời gian dài. Trong khi đó thời kỳ tâm trương chính là vào thời kỳ nghỉ của tim. Tuy nhiên, lúc này lượng máu co bóp vẫn lớn hơn mức bình thường, khiến tim phải làm việc nhiều hơn. Điều này dễ dẫn tới các hiện tượng nguy hiểm tới sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ.…

Đối với não bộ, huyết áp tâm trương tăng có thể gây thiếu máu não cục bộ, lượng oxy lên não thấp hơn, từ đó dễ dẫn đến tình trạng tai biến mạch máu não.

Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra những người bị huyết áp tâm trương cao còn có thể bị suy thận.

Để điều trị huyết áp tăng trương cao, bác sĩ sẽ cân nhắc tùy trường hợp dựa trên nền bệnh cảnh khác nhau để sử dụng các loại thuốc như: lợi tiểu, ức chế men chuyển, chẹn beta,… nhằm điều hòa lại huyết áp.

Hơn nữa, để điều trị tăng huyết áp tâm trương cần kết hợp với các biện pháp về dinh dưỡng như: hạn chế ăn muối, tăng cường rau xanh, hạn chế thức ăn nhanh, đồ nhiều dầu mỡ, chất bảo quản, giảm chất béo, giảm cân,… Tăng cường vận động và hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích.


Tác giả: Ngọc Điệp