Đi bộ là hoạt động thể chất đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe tổng thể, bao gồm tăng cường hệ miễn dịch, thúc đẩy sức khỏe tim mạch, hỗ trợ giảm cân, điều hòa huyết áp, tăng cường sức mạnh và sức bền cơ xương khớp,... Tuy nhiên, một số người lại bị hụt hơi, khó thở khi đi bộ, điều này là do đâu?
Cảm giác khó thở được mô tả là khi một người cần phải gắng sức hơn để có thể thở như bình thường theo mức độ từ nhẹ tới nghiêm trọng. Cơn khó thở khiến bạn cảm thấy ngột ngạt, tức ngực, nhịp thở nhanh hơn, thở nông, tim đập nhanh và có thể kèm theo ho hay tiếng khò khè.
Một cơn khó thở cấp tính có thể kéo dài từ vài giờ tới vài ngày còn khó thở mãn tính kéo dài từ 4 - 8 tuần. Nếu cảm thấy không thể hít thở không khí, cần nhanh chóng nhờ sự trợ giúp để được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến khiến bạn bị hụt hơi, khó thở khi đi bộ và lời khuyên tùy theo từng tình trạng bệnh, theo Medical News Today:
Hen suyễn là một tình trạng hô hấp mãn tính. Khi cơn hen bùng phát sẽ khiến lớp niêm mạc của ống phế quản bị sưng lên và dễ bị kích ứng hơn dẫn tới các cơn co thắt làm cho đường dẫn khi thu hẹp lại, từ đó gây ra khó thở và thở khò khè vô cùng khó chịu.
Đọc thêm:
- Viêm xoang ảnh hưởng tới bệnh hen suyễn như thế nào?
- Trào ngược dạ dày gây khó thở và những điều cần biết
Tập thể dục có thể là một trong những tác nhân gây bùng phát cơn hen, nghĩa là một người có thể gặp các triệu chứng hen khi đi bộ. Hen suyễn do tập thể dục đặc biệt dễ bị kích hoạt khi tập thể dục gắng sức. Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể gây bùng phát cơn hen khi tập thể dục đóng vai trò quan trọng giúp giảm nguy cơ bị thở hụt hơi, khó thở khi đi bộ.
Các triệu chứng này bao gồm: Thở khò khè, ho, thở hụt hơi, khó thở khi đi bộ, đau ngực nhẹ, ho vào ban đêm.
Vậy bị hen có nên tập thể dục không?
Trên thực tế thì các hoạt động thể chất vẫn được khuyến khích ngay cả khi mắc bệnh hen suyễn nếu người tập kiểm soát được cường độ tập và thời gian tập hợp lý. Các bộ môn nên tập khi bị bệnh hen suyễn đòi hỏi không cần gắng sức liên tục, chẳng hạn như cầu lông, bóng bàn, tennis, bóng rổ.
Lưu ý, trước khi tập người bệnh cần khởi động từ 5 - 10 phút và luôn mang theo thuốc xịt dự phòng khi ra ngoài vận động.
Béo phì chỉ tình trạng một người có trọng lượng hoặc mỡ cơ thể dư thừa và ảnh hưởng tới sức khỏe. Người béo phì có nguy cơ cao gặp các tình trạng sức khỏe mãn tính như bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch và huyết áp cao.
Người bị béo phì có thể bị thở hụt hơi, khó thở khi đi bộ do sự gia tăng áp lực lên phổi và các cơ quan hộ hấp khi vận động. Để đối phó với tình trạng béo phì, bạn cần liên hệ với bác sĩ để được lên phác đồ giảm cân khoa học bao gồm: Cân bằng lại chế độ ăn uống và tập luyện; phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hoặc thuốc giảm cân chỉ áp dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Điều này không có nghĩa là người bị béo phì không nên đi bộ. Đi bộ là một bài tập có cường độ thấp có hiệu quả trong việc giảm cân và giảm mỡ bụng bền vững; bên cạnh đó đi bộ cũng giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, tăng cường sức khỏe xương và cơ bắp. Người béo phì nên đi bộ tùy theo thể trạng của bản thân và quan sát các triệu chứng, nếu bất thường thì nên dừng lại.
Bệnh động mạch vành là tình trạng động mạch vành tải máu tới tim bị hẹp hay bị cản trở bởi các mảng bám (gồm chất béo, cholesterol) tích tụ dẫn tới động mạch bị cứng và hẹp dần theo thời gian, từ đó ảnh hưởng tới việc cung cấp máu cho tim, hạn chế lưu lượng máu cũng như oxy.
Trong đó, thở hụt hơi, khó thở là một trong những triệu chứng phổ biến thường gặp kèm theo đó là đau ngực hoặc khó chịu toàn thân.
Khi thực hiện các hoạt động thể chất chẳng hạn như đi bộ, người mắc bệnh tim mạch vành có thể cảm thấy thở hụt hơi, khó thở khi đi bộ do phổi cần phải làm việc tích cực hơn để đưa nhiều oxy vào cơ thể hơn.
Điều trị bệnh động mạch vành có thể bao gồm thay đổi lối sống lành mạnh hơn; sử dụng thuốc như statin để kiểm soát cholesterol và làm chậm sự tích tụ các mảng bám; phẫu thuật đặt stent hoặc bắc cầu động mạch vành để cải thiện lưu lượng máu.
Bị bệnh động mạch vành có đi bộ được không?
Tuy nhiên, người bị bệnh tim mạch vành không nên bỏ qua một bộ môn thể chất tốt như đi bộ. Đi bộ, bao gồm cả đi bộ nhanh đã được chứng minh là phương pháp tập luyện phù hợp với hầu hết người mắc bệnh tim mạch vành nhờ tác dụng thúc đẩy cơ tim hình thành vòng tuần hoàn nhánh đồng thời tăng cường cung cấp dưỡng khí cho tim cũng như tăng lưu lượng máu lưu thông và khả năng phản ứng của hệ thống tuần hoàn máu, từ đó cải thiện quá trình thay thế chất béo, giảm thấp nồng độ cholesterol trong máu. Tất cả những điều này đều góp phần giúp giảm bớt nguy cơ xảy ra các biến cố tim mạch.
Bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành có sức khỏe kém hơn có thể thực hiện các hoạt động như đi bộ nhanh, chạy bộ nhẹ nhàng, đạp xe hoặc bơi lội theo một cách tiếp cận nhất định: Bắt đầu bằng việc tập từ 30 giây đến vài phút, sau đó nghỉ ngơi trong khoảng thời gian tương đương hoặc gấp đôi so với thời gian đã luyện tập. Điều này được lặp lại liên tục cho đến khi tổng thời gian tập đạt khoảng 40 phút. Quá trình này sẽ được tiếp tục cho đến khi sức khỏe của họ cải thiện đáng kể và họ có thể tập luyện trong thời gian dài hơn mà không cần nghỉ ngơi.
Rối loạn nhịp tim đặc trưng bởi tình trạng nhịp tim thay đổi nhanh hoặc chậm bất thường. Cụ thể, nhịp tim quá nhanh (tần số >100 lần/phút) hoặc quá chậm (tần số < 60 lần/phút), đập không đều hoặc lúc nhanh lúc chậm.
Rối loạn nhịp tim làm cho trái tim không thể bơm máu hiệu quả đến các bộ phận của cơ thể, bao gồm cơ hô hấp, gây ra tình trạng thiếu oxy và khó thở khi vận động gắng sức, chẳng hạn như đi bộ.
Các triệu chứng phổ biến của rối loạn nhịp tim bao gồm: Nhịp tim đập không đều, lúc nhanh, lúc chậm; hụt hơi, khó thở; huyết áp thấp; tức ngực; đánh trống ngực; chóng mặt và ngất xỉu. Điều trị rối loạn nhịp tim sẽ phụ thuộc vào loại rối loạn mà một người mắc phải. Biện pháp điều trị có thể là thuốc kiểm soát nhịp tim, thuốc chống đông máu hoặc phẫu thuật cắt đốt qua ống thông, đặt máy tạo nhịp tim, đặt máy khử rung tim,...
Rối loạn nhịp tim đi bộ được không?
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người bị rối loạn nhịp tim duy trì lối sống vận động thể chất thường xuyên có tỷ lệ tử vong do rối loạn nhịp tim thấp hơn hẳn so với người mắc bệnh nhưng không vận động. Trong đó, các bài tập như đi bộ, đạp xe, tập yoga có tác dụng điều hòa nhịp tim, tăng cường máu tới tim và các cơ quan khác trong cơ thể cũng như giảm nguy cơ gặp các biến cố tim mạch.
Lưu ý khi đi bộ, người bị rối loạn nhịp tim cần theo dõi sát sao sự biến đổi của nhịp tim, nếu các triệu chứng bất thường như khó thở, đau tức ngực xuất hiện thì cần giảm tốc độ và nghỉ ngơi ngay lập tức. Trong quá trình tập, cần bắt đầu với cường độ tập nhẹ nhàng rồi mới tăng dần thời gian đi bộ cũng như tốc độ đi bộ nhanh hơn.
Các tình trạng liên quan tới phổi như viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thuyên tắc phổi, bệnh phổi kẽ có thể khiến chức năng phổi suy giảm và ảnh hưởng tới khả năng trao đổi khí từ đó dẫn tới hụt hơi, khó thở khi đi bộ hay vận động gắng sức.
Tùy từng bệnh lý mà triệu chứng có thể có những đặc trưng khác nhau nhưng nhìn chung các bệnh tại phổi có thể gây khó thở, đau tức ngực, có thể kèm theo ho hoặc ho ra máu; nhiễm trùng phổi có thể gây sốt, ớn lạnh.
Nếu tình trạng hụt hơi, khó thở khi đi bộ xảy ra thường xuyên, bạn cần thăm khám bác sĩ sớm để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra bệnh là gì và có biện pháp điều trị phù hợp với từng tình trạng bệnh cũng như nhận lời khuyên về biện pháp đi bộ nói riêng hay vận động nói chung như thế nào để tăng cường sức khỏe và dự phòng tái phát.
Ngoài ra, có một số cách để một người có thể kiểm soát tình trạng hụt hơi, khó thở như:
- Hít vào từ từ bằng mũi và thở ra bằng cách mím môi (giống như đang thổi nến).
- Hãy thử thở theo nhịp điệu chẳng hạn như hít vào một bước khi đi bộ rồi đi một hoặc hai bước sau đó mới thở ra.
- Cải thiện dung tích phổi bằng cách tập theo các kỹ thuật thở bao gồm thở mím môi và thở bằng bụng.
Nhìn chung, tình trạng thở hụt hơi, khó thở khi đi bộ là bình thường nếu bạn bị mất ngủ vào đêm hôm trước, môi trường đi bộ có sự thay đổi áp suất và nhiệt độ. Tuy nhiên nếu bạn bị khó thở kèm theo các triệu chứng nguy hiểm khác như đau tức ngực, đánh trống ngực, ho khan liên tục, thở khò khè, ngủ ngáy, sưng phù chân tay, mệt mỏi mãn tính,... hoặc nó xảy ra liên tục trong thời gian dài, hãy nhanh chóng tới cơ sở y tế để được thăm khám bởi điều này có thể cảnh báo một bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp tiềm ẩn.
Nguồn dịch tham khảo:
1. What causes shortness of breath when walking?
2. Feel breathless while walking? Know what’s normal and what’s not