Hướng dẫn vệ sinh và chăm sóc các nốt tay chân miệng đúng cách

Hướng dẫn vệ sinh và chăm sóc các nốt tay chân miệng đúng cách
Tay chân miệng là một căn bệnh khá lành tính và có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế. Nhưng việc vệ sinh và chăm sóc các nốt tay chân miệng khá quan trọng và đóng vai trò thiết yếu trong việc phục hồi.

Tay chân miệng là một căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi và dễ bị nhầm lẫn với bệnh lở mồm long móng ở động vật chăn nuôi. Mụn nước xuất hiện tại bàn tay, bàn chân và niêm mạc miệng là những triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng.

Mặc dù tay chân miệng khá khó chịu nhưng bệnh có xu hướng tự khỏi sau khoảng 10 ngày và việc chăm sóc các nốt tay chân miệng đóng vai trò quan trọng trong tốc độ phục hồi của người bệnh.

1. Các triệu chứng của bệnh tay chân miệng là gì?

Người mắc bệnh tay chân miệng có thể gặp các triệu chứng điển hình như:

- Phát ban không ngứa trên bàn tay và bàn chân, trong niêm mạc miệng. Đôi khi có thể xuất hiện ở đầu gối, mông và xung quanh vùng hậu môn.

Các nốt mụn nước, lở loét gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Các nốt mụn nước, lở loét gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh tay chân miệng (Ảnh: Internet)

- Những nốt phát ban có thể biến thành mụn nước gây đau đớn.

- Người bệnh có thể sốt vừa từ 38 đến39 độ C. Trẻ em có thể gặp các triệu chứng như cảm lạnh, ho và chán ăn.

2. Vệ sinh và chăm sóc các nốt tay chân miệng như thế nào?

Nguyên tắc đầu tiên khi mắc bệnh tay chân miệng là cần cách ly người bệnh một cách cẩn thận để tránh bệnh lây lan ra cộng đồng. Trẻ em khi mắc bệnh cần nghỉ học cho đến khi các triệu chứng hết hoàn toàn.

Các mụn nước có thể tồn tại trên cơ thể người bệnh hơn một tuần, gây khó chịu và làm giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Do đó mọi người cần hiểu rõ cách chăm sóc các nốt tay chân miệng để người bệnh dễ chịu hơn như:

- Đối với các vết thương hở ngoài da do mụn nước vỡ ra để lại, cần vệ sinh sạch sẽ và dùng các loại dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

- Tắm rửa hằng ngày sau đó dùng xanh - methylen để chấm lên các nốt phỏng nước.

Có thể bôi xanh methylen lên các nốt mụn nước khi bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)

Có thể bôi xanh methylen lên các nốt mụn nước khi bị tay chân miệng (Ảnh: Internet)

- Bệnh nhân có thể sử dụng các loại gel làm dịu để giúp giảm đau do vết loét từ mụn nước gây ra.

- Người bệnh tay chân miệng nên súc miệng bằng nước muối ấm để làm sạch các vết mụn nước trong niêm mạc miệng và giảm bớt đau đớn do các vết loét gây ra.

Ngoài ra, bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng cũng có thể thực hiện các biện pháp sau đây để làm dịu cảm giác khó chịu từ các nốt mụn:

- Sử dụng đá cục, đá bào để chườm làm dịu vết loét. Tuy nhiên cần bọc đá bằng một miếng vải sạch để ngăn nhiễm trùng.

- Tắm với muối Epsom để làm giảm sưng viêm.

- Có thể sử dụng dầu dừa để thoa trực tiếp lên các vết phát ban nhằm làm dịu da. Tuy nhiên cần lưu ý không bôi lên các nốt đã vỡ, lở loét.

=>> Các mẹ có thể đọc thêm bài viết: Chăm sóc trẻ bị tay chân miệng đúng cách tại nhà.

3. Lưu ý khi chăm sóc bệnh nhân tay chân miệng

Tuy rằng bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị y tế, người nhà vẫn nên lưu ý một số điều khi chăm sóc người bệnh tay chân miệng như:

- Tắm rửa sạch sẽ hằng ngày bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn.

- Không kiêng gió, kiêng tắm, hay chích cho mụn nước vỡ ra. Những việc làm này sẽ khiến bệnh nặng hơn và dễ bội nhiễm gây biến chứng nguy hiểm.

- Khi tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang, rửa tay và sát khuẩn khi chăm sóc.

- Đảm bảo chế độ ăn hàng ngày khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Bên cạnh đó, người nhà cần lưu ý đến tình trạng của bệnh nhân. Nếu các triệu chứng của người bệnh không có xu hướng cải thiện sau 7 đến 10 ngày hoặc sốt cao không giảm dù đã uống thuốc hạ sốt. Hay nếu người bệnh đang mang thai, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh các biến chứng của bệnh tay chân miệng xảy ra, gây nguy hiểm đến tính mạng.

Nguồn tham khảo: https://www.goodtoknow.co.uk/family/hand-foot-and-mouth-disease-116197


Tác giả: Anh Dũng