Hướng dẫn vệ sinh mụn thủy đậu đúng cách để phòng tránh nhiễm trùng da

Hướng dẫn vệ sinh mụn thủy đậu đúng cách để phòng tránh nhiễm trùng da
Việc chăm sóc và vệ sinh mụn thủy đậu là vô cùng quan trọng trong quá trình trị bệnh. Nếu xử lý không đúng cách có thể khiến da bị nhiễm trùng nặng nề hoặc để lại sẹo thâm trên da. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và thẩm mỹ. Cùng theo dõi bài viết sau để tham khảo cách vệ sinh mụn thủy đậu đúng đắn.

1. Quá trình phát triển của mụn thủy đậu

Các nốt mụn nước phồng rộp trên da như hạt đậu chính là triệu chứng điển hình nhất của bệnh thủy đậu. Hiểu rõ về quá trình phát triển của mụn thủy đậu sẽ giúp chúng ta có biện pháp chăm sóc sức khỏe và vệ sinh mụn thủy đậu đúng đắn theo từng giai đoạn.

Thủy đậu là bệnh do virus Varicella Zoster gây ra. Khi vào cơ thể, chúng thường không phát bệnh ngay mà có thời gian ủ bệnh khoảng 10 - 15 ngày. Khi phát bệnh, trong 1 - 2 ngày đầu tiên, bệnh nhân có thể bị sốt, nhức đầu, chán ăn, đau bụng, mệt mỏi. Bước sang ngày thứ 3, các nốt mụn bắt đầu hình thành. 

>> Tìm hiểu về Varicella Zoster Virus nguyên nhân chính gây ra bệnh thuỷ đậu

Ban đầu các mụn nước này có màu trắng trong, sau đó dần chuyển sang màu vàng đục. Mụn thủy đậu thường bắt đầu trên mặt, ngực và lưng. Sau đó chúng lan rộng và bao phủ toàn bộ cơ thể.

Thông thường, các mụn thủy đậu sẽ tự xẹp sau khoảng 4 - 5 ngày. Lúc này chúng ta có thể thấy có 1 lớp vảy trên da tại nơi mọc mụn. Mụn bắt đầu khô dần và biến mất. Trong nhiều trường hợp, sau khi mụn nước xẹp có thể để lại các vết thâm. Nhưng điều này không đáng lo ngại, các vết thâm sẽ biến mất sau một vài tuần. 

Nếu mụn to, bị vỡ do tác động bên ngoài, mụn bị nhiễm trùng thì rất có thể sẽ để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ. Do đó cần đặc biệt chú ý chăm sóc và vệ sinh mụn thủy đậu để tránh mụn bị vỡ và nhiễm trùng.

vệ sinh mụn thủy đậu

Các nốt mụn thủy đậu có thể tự xẹp sau vài ngày. (Ảnh Internet).

2. Hướng dẫn xử lý và vệ sinh mụn thủy đậu đúng cách

2.1. Vệ sinh mụn thủy đậu hàng ngày

Việc vệ sinh mụn thủy đậu cũng không quá phức tạp. Bệnh nhân chỉ cần tắm rửa sạch sẽ hàng ngày bằng nước sạch. Sau đó lau khô cơ thể, mặc quần áo mềm và thoáng. Khi tắm và vệ sinh mụn thủy đậu cần chú ý những điều sau:

- Tắm bằng nước sạch, nước ấm hoặc mát để làm dịu da, giảm ngứa. Không nên tắm bằng nước nóng . Tránh tắm bằng vòi hoa sen, lực nước mạnh có thể làm mụn thủy đậu bị vỡ.

- Không sử dụng xà phòng, sữa tắm để tránh kích ứng các mụn nước. Có thể hỏi ý kiến bác sĩ về những loại sữa tắm dịu nhẹ, sữa tắm dành riêng cho các bệnh về da.

- Tắm và vệ sinh mụn thủy đậu một cách nhẹ nhàng. Tránh chà xát mạnh làm vỡ các mụn nước.

- Không tự ý uống, bôi thuốc hoặc đắp các loại lá mà chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

vệ sinh mụn thủy đậu bị vỡ

Vệ sinh mụn thủy đậu đúng cách sẽ giúp bạn tránh được nhiễm trùng và sẹo da. (Ảnh Internet).

2.2. Vệ sinh và xử lý các nốt mụn thủy đậu bị vỡ

Khi mụn thủy đậu đã lan ra toàn thân, sẽ không tránh khỏi các va chạm và cọ xát khiến cho các nốt mụn bị vỡ. Lúc này chúng cần được xử lý một cách cẩn thận để tránh bội nhiễm và để lại sẹo.

Khi nhận thấy các nốt mụn bị vỡ, cần dùng bông y tế thấm nước muối sinh lý để vệ sinh mụn thủy đậu, lau sạch dịch mụn. Sau đó tiếp tục dùng bông gòn khô để làm khô mụn. Dùng các dung dịch sát khuẩn như xanh methylen để chấm lên nốt mụn vỡ ngăn ngừa nhiễm trùng. 

Với các nốt mụn chưa vỡ thì không cần thiết phải bôi thuốc sát khuẩn như xanh methylen. Nó không có nhiều tác dụng, gây mất thẩm mỹ lại khiến cho bác sĩ và bệnh nhân khó quan sát và theo dõi các nốt mụn.

Sau khi bôi dung dịch sát khuẩn, các nốt mụn bị vỡ sẽ nhanh chóng khô và se lại. Lúc này người bệnh có thể bôi thêm các loại thuốc có tác dụng tăng sinh liên kết collagen dưới da để vết mụn nhanh lành mà không để lại sẹo. Các loại thuốc có thể kham khảo là Curiosin, Cicaplast, Madecassol,... Nhớ xin ý kiến của bác sĩ trước khi bôi các loại thuốc này!


Tác giả: Mai Nhung