Để phòng tránh đợt cấp phổi tắc nghẽn mãn tính hay còn gọi là đợt cấp COPD hiệu quả thì ngoài việc tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ liên quan tới uống thuốc và lịch tái khám, người bệnh cũng cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh và được quản lý nghiêm ngặt.
Việc điều trị COPD theo đúng chỉ định của bác sĩ sẽ giúp cải thiện triệu chứng bệnh, từ đó giúp giảm thiểu hoặc phòng tránh đợt cấp phổi tắc nghẽn mãn tính hiệu quả.
Bệnh nhân cần chú ý dùng thuốc đủ liều và đúng cách. Bởi các thuốc điều trị COPD đều ở dạng xông hoặc hít, nếu dùng sai cách có thể làm thuốc không vào tới phổi, không phát huy được hiệu quả.
Nếu có bất cứ thắc mắc nào về việc sử dụng thuốc điều trị COPD, đừng ngại ngần liên lạc bác sĩ của bạn. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn các kỹ thuật dùng thuốc, tránh được các sai lầm thường gặp.
Đặc biệt không tự ý thay đổi thuốc điều trị COPD. Ngoài nguy cơ sai thuốc, sai liều lượng bạn còn có thể bị dị ứng thuốc. Mà dị ứng là một trong những nguyên nhân gây bùng phát đợt cấp COPD. Để điều trị bệnh hiệu quả và phòng tránh đợt cấp phổi tắc nghẽn mãn tính, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu cảm thấy triệu chứng bệnh thay đổi mức độ nặng - nhẹ, muốn đổi thuốc.
Bạn có thể tham khảo một số sai lầm khi điều trị COPD TẠI ĐÂY.
Khói thuốc lá làm tổn thương phổi nghiêm trọng, cũng là nguyên nhân chính làm bùng phát các đợt cấp COPD. Do đó, để phòng tránh đợt cấp phổi tắc nghẽn mãn tính, tất cả các bệnh nhân đều cần cai thuốc lá. Mặt khác, cũng cần tránh xa người hút thuốc và những nơi có khói thuốc.
Nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây ra các đợt cấp COPD. Do đó, việc phòng ngừa các bệnh cảm cúm, nhiễm trùng phổi sẽ giúp phòng tránh đợt cấp phổi tắc nghẽn mãn tính hiệu quả. Vì virus gây cảm cúm có khả năng biến đổi mỗi năm nên bệnh nhân COPD cần chú ý tiêm phòng vắc-xin cúm hàng năm.
Ngoài vắc-xin cúm, người bệnh có thể tiêm phòng vắc-xin phế cầu. Vi khuẩn phế cầu Streptococcus pneumoniae là vi khuẩn thường gặp nhất trong các đợt cấp COPD. Vắc-xin phế cầu cần tiêm 5 năm một lần.
Như bạn đã biết, hầu hết các đợt cấp COPD có nguyên nhân là từ nhiễm trùng. Việc tăng cường sức khỏe sẽ giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh tốt hơn. Từ đó giúp giảm tần suất và phòng tránh đợt cấp phổi tắc nghẽn mãn tính.
- Giữ môi trường sống trong lành, phòng ốc ấm áp, độ ẩm vừa phải.
- Chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng. Tránh các thực phẩm dễ gây dị ứng.
- Không vận động quá sức. Ngủ đủ giấc.
- Tập thể dục không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng, mà còn giúp phổi và các cơ hô hấp phụ khỏe mạnh hơn. Việc này giúp giảm các cơn khó thở, phòng tránh đợt cấp phổi tắc nghẽn mãn tính. Bệnh nhân COPD có thể nhờ tư vấn của các chuyên gia để có các bài tập thở phù hợp.
- Rửa tay thường xuyên là phương pháp hiệu quả chống lại nhiễm trùng.
- Tránh tiếp xúc với những người mang bệnh cúm. Hạn chế đến bệnh viện, nơi công cộng, những nơi đông người. Nếu chẳng may gia đình có người mắc bệnh cúm, bạn cần có các biện pháp phòng tránh lây nhiễm cụ thể TẠI ĐÂY.
- Tránh đến những nơi không khí bị ô nhiễm, có nhiều khói bụi. Các hóa chất độc hại như sơn tường, nước tẩy rửa cũng cần tránh xa. Thậm chí bệnh nhân COPD cũng cần tránh tiếp xúc với nước hoa, chất đốt sinh học, khói nhang ở chùa chiền,...
- Khi ra ngoài, hãy chú ý giữ ấm cơ thể, kéo khăn che miệng và mũi. Cẩn thận với phấn hoa nếu nó có thể khiến bạn dị ứng.