Hướng dẫn phòng bệnh tai - mũi - họng khi cho trẻ đi bơi vào mùa hè

Hướng dẫn phòng bệnh tai - mũi - họng khi cho trẻ đi bơi vào mùa hè
Vào mùa hè, các phụ huynh thường có xu hướng đưa trẻ đi bơi nhiều hơn. Nếu như không có các biện pháp bảo vệ đúng cách thì trẻ có thể đối mặt với nguy cơ bị các bệnh tai - mũi - họng như viêm tai giữa, viêm xoang, viêm họng,...

Là thói quen giúp rèn luyện tốt cho sức khoẻ, đặc biệt là chiều cao - bơi lội, nhất là vào mùa hè được trẻ vô cùng yêu thích. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ trẻ phải nhập viện nhiều do các bệnh tai - mũi - họng.

Thực thế thì các bệnh tai - mũi - họng bắt nguồn từ đi bơi không chỉ xảy ra ở trẻ em mà còn xảy ra ở các lứa tuổi khác. Tuy vậy, do hệ thống hô hấp chưa phát triển toàn diện như người lớn nên trẻ nhỏ có nguy cơ bị bệnh tai - mũi - họng do đi bơi nhiều hơn.

Bên cạnh đó, vấn đề phòng bệnh tai - mũi - họng ở trẻ khi đi bơi được đặt ra còn do chất lượng nước ở hồ bơi và một số hành vi kém ý thức ở bể như xì nước mũi, nhổ bọt, thậm chí là đi tiểu,... cũng khiến trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh hơn.

Theo các chuyên gia, những người có tiền sử bị viêm tai giữa, viêm xoang, người mắc bệnh truyền nhiễm… tốt nhất là không đi bơi vì rất dễ tái phát bệnh.

1. Hướng dẫn phòng bệnh tai - mũi - họng khi cho trẻ đi bơi

Mũi họng là nơi đầu tiên chịu ảnh hưởng nếu như tiếp xúc với nguồn gây bệnh. Vì thế mà bảo vệ xoang mũi - họng là yếu tố cơ bản trong phòng tránh bệnh tai - mũi - họng khi cho trẻ đi bơi trong mùa hè.

Dưới đây là một số hướng dẫn mà phụ huynh có thể tham khảo:

- Cần chọn những địa điểm bơi lội sạch sẽ. Khi cho trẻ đi bơi, bố mẹ nên tránh những nơi không có hệ thống thoát nước (còn gọi là ao tù) hay những địa điểm bơi lội dễ nhiễm khuẩn mũi họng như sông, hồ, ao,...

Hướng dẫn phòng bệnh tai - mũi - họng khi cho trẻ đi bơi vào mùa hè - Ảnh 2.

Chọn bể bơi sạch sẽ giúp phòng bệnh tai - mũi - họng cho trẻ (Ảnh: Internet)

Trong nước bẩn có thể chứa rất nhiều loại vi khuẩn gây bệnh như viêm họng, viêm mũi, viêm tai hay đau mắt,...

- Khởi động đầy đủ trước khi bơi. Đây là quy định bắt buộc tránh cho trẻ bị sốc nhiệt do nước lạnh hoặc bị chuột rút do chưa khởi động kỹ các khớp. Đặc biệt, không cho trẻ xuống hồ bơi khi đang có nhiều mồ hôi vì có thể gây cảm lạnh.

- Chuẩn bị đầy đủ phụ kiện khi đi bơi. Các phụ kiện khi đi bơi mà bố mẹ cần trang bị cho trẻ bao gồm nút tai, kính mắt, nón bơi,... Sau khi bơi xong thì cần chuẩn bị nước muối sinh lý để rửa mũi, mắt, xà phòng để vệ sinh tay chân và tắm rửa.

Hướng dẫn phòng bệnh tai - mũi - họng khi cho trẻ đi bơi vào mùa hè - Ảnh 3.

Chuẩn bị đầy đủ đồ bơi cho trẻ như nút tai, kính bơi, nón bơi,... (Ảnh: Internet)

Lưu ý, khi cho trẻ dùng nút tai, khi tháo ra cần nghiên đầu sang 1 bên rồi mới tháo ở bên đó, tránh cho nước chảy ngược vào tai gây ù. Không dùng tăm bông để ngoáy tai vì có thể khiến lớp niêm mạc ở tai bị mỏng đi dễ nhiễm khuẩn. Đồng thời dùng bông ngoáy tai cũng có thể "vô tình" đẩy vi khuẩn vào sâu trong ống tai hơn.

Tắm tráng hoặc tắm rửa lại sạch sẽ bằng nước và xà phòng sau khi rời khỏi hồ bơi. Sau khi tắm cần lau người thật khô và giữ ấm cơ thể để không bị cảm lạnh.

2. Một số dấu hiệu của bệnh tai - mũi - họng phổ biến do đi bơi mà phụ huynh cần chú ý

Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy tai mũi họng của trẻ đã bị ảnh hưởng sau khi đi bơi về. Tuỳ từng mức độ mà bố mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế để được thăm khám sớm.

- Viêm họng: cơ thể trẻ mệt mỏi, họng khô rát và có cảm giác đau kèm theo ho hoặc sốt nhẹ (có trường hợp sốt vừa).

- Viêm mũi xong: trẻ bị hắt hơi sổ mũi sau khi đi bơi về; nghẹt mũi. Quan sát nước mũi của trẻ ban đầu thấy dịch loãng, càng về sau đục dần rồi chuyển sang màu vàng hoặc xanh. Ngoài ra trẻ có thể bị mệt mỏi, uể oải, nhức đầu kèm sốt.

- Viêm tai: viêm tai là bệnh tai - mũi - họng phổ biến khi cho trẻ đi bơi, đặc biệt là viêm tai ngoài. Dấu hiệu phổ biến là ngứa tai, ù tai, tai bị đau, suy giảm thính lực; quan sát ống tai ngoài thấy bị sưng đỏ.

Hướng dẫn phòng bệnh tai - mũi - họng khi cho trẻ đi bơi vào mùa hè - Ảnh 4.

Nếu ống tai ngoài của trẻ bị sưng đỏ hoặc ù tai hãy đưa trẻ đi kiểm tra sớm (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó trẻ có thể bị ù tai và giảm thính lực do dùng nút tai không đúng cách: rút ra không nghiêng đầu hoặc nút tai bị hở khiến ống tai ngoài bị chít hẹp.

Ngoài ra trẻ cũng có thể bị viêm tai giữa sau khi đi bơi về là hệ quả của nhiễm trùng từ xoang mũi. Vi khuẩn gây bệnh đi từ vòi nhĩ tới tai khiến trẻ bị đau tai, nghe kém kèm cảm giác bị ù; một vài ngày sau thì bị chảy mủ.


Tác giả: Anh Dũng