Hướng dẫn phân biệt viêm mũi dị ứng và hen phế quản

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Hướng dẫn phân biệt viêm mũi dị ứng và hen phế quản
Viêm mũi dị ứng và hen phế quản là 2 căn bệnh về đường hô hấp phổ biến, thường song hành cùng nhau. Hai căn bệnh này có nhiều triệu chứng giống nhau nên khiến nhiều người nhầm lẫn. Cần chẩn đoán phân biệt rõ viêm mũi dị ứng và hen phế quản để việc điều trị có hiệu quả hơn.

1. Phân biệt viêm mũi dị ứng và hen phế quản

- Viêm mũi dị ứng là phản ứng của cơ thể trước các tác nhân gây dị ứng. Còn hen phế quản là căn bệnh đường hô hấp mãn tính khiến cho đường phế quản bị thu hẹp lại, tạo nên những cơn thở rít.

- Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng là các chất khiến cho cơ thể phát sinh phản ứng dị ứng như phấn hoa, mạt bụi, khói thuốc, thời tiết, thú cưng,....

Nguyên nhân gây hen phế quản thì đa dạng hơn, bao gồm các tác nhân dị ứng và các tác nhân không dị ứng (như di truyền, yếu tố tâm lý, virus, vi khuẩn,...). Chúng khiến cho phế quản phản ứng dữ dội, co thắt lại.

- Viêm mũi dị ứng và hen phế quản thường có các triệu chứng giống nhau như sổ mũi, nghẹt mũi, ho, khó thở. Ngoài ra, triệu chứng riêng biệt đặc trưng của viêm mũi dị ứng là ngứa và chảy nước mắt, hắt hơi, đỏ mũi, đau họng, đỏ và ngứa mắt, đỏ và phát ban da. Trong khi đó, triệu chứng riêng biệt đặc trưng của hen phế quản là đau ngực, thở nhanh, thở khò khè, thở rít, ho và ban đêm hoặc gần sáng.

- Mức độ nguy hiểm của viêm mũi dị ứng và hen phế quản cũng rất khác nhau. Nếu như viêm mũi dị ứng chỉ mang lại những triệu chứng khó chịu, thường không nguy hiểm đến tính mạng thì hen phế quản có thể khiến bệnh nhân ngừng hô hấp và dẫn đến tử vong nếu lên cơn hen nghiêm trọng.

2. Mối quan hệ giữa viêm mũi dị ứng và hen phế quản

- Mối quan hệ đặc biệt nhất giữa viêm mũi dị ứng và hen phế quản là viêm mũi dị ứng kéo dài có thể dẫn đến bệnh hen phế quản. Trong một nghiên cứu, có khoảng 50% trẻ em bị viêm mũi dị ứng không được điều trị thích hợp đã bị hen phế quản trong vòng vài năm.

- Có khoảng 39% bệnh nhân viêm mũi dị ứng bị hen phế quản kèm theo. Có khoảng 80% bệnh nhân hen phế quả bị viêm mũi dị ứng kèm theo.

- Người bị viêm mũi dị ứng có nguy cơ bị hen phế quản cao hơn 3 lần so với người khỏe mạnh.

- Những người mắc viêm mũi dị ứng cũng thường bị hen suyễn. Viêm mũi dị ứng có thể làm cho bệnh hen suyễn khó kiểm soát hơn. Nhiều bệnh nhân cũng nhận thấy rằng, những tác nhân gây viêm mũi dị ứng cũng khiến cho bệnh hen suyễn của họ tồi tệ hơn.

3. Điều trị viêm mũi dị ứng và hen phế quản

- Điều trị viêm mũi dị ứng và hen phế quản cùng lúc sẽ cho kết quả tốt hơn, giúp cải thiện tình trạng cả 2 căn bệnh. Chữa viêm mũi dị ứng hiệu quả có thể làm giảm nguy cơ lên cơn hen nặng và giúp phổi hoạt động tốt hơn.

- Thuốc corticosteroid có thể được sử dụng để điều trị cho cả viêm mũi dị ứng và hen phế quản. Corticosteroid có thể trị viêm, điều trị các tác nhân gây bệnh hen phế quản, đồng thời ngăn ngừa các phản ứng dị ứng của cơ thể.

- Các thuốc chống viêm như montelukast và cetirizine giúp cải thiện các triệu chứng của viêm mũi dị ứng và hen phế quản, mũi sẽ thông thoáng hơn, giảm bớt số lần sử dụng thuốc xịt thông mũi.

- Điều trị viêm mũi dị ứng bằng thuốc kháng histamine có thể ngăn chặn được tình trạng xảy ra hen phế quản, đặc biệt là hen phế quản do các tác nhân gây dị ứng.

- Các bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng trầm trọng thường được chỉ định liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp miễn dịch có tác dụng giảm kích thích ở các tế bào viêm, giảm bài tiết chất nhầy, nên cũng có hiệu quả trong làm giảm triệu chứng của hen phế quản.

Viêm mũi dị ứng và hen là bệnh lý về đường hô hấp có liên hệ mật thiết với môi trường sống. Do vậy, bệnh nhân cần giảm tiếp xúc với các tác nhân gây kích thích để phòng ngừa 2 căn bệnh khó chịu này.


Tác giả: Mai Nhung