Hiểu được sự khác biệt giữa cảm lạnh và viêm phế quản về triệu chứng, nguyên nhân cũng như các dấu hiệu nguy hiểm sẽ giúp bạn xác định những gì cần làm để nhanh hồi phục và khi nào cần thăm khám bác sĩ.
Các triệu chứng của cảm lạnh và viêm phế quản thường khá giống nhau. Cả hai bệnh đều gây ho, sốt nhẹ và mệt mỏi. Vì viêm phế quản là tình trạng viêm đường hô hấp dưới, các ống khí tại phế quản, nên chủ yếu gây ra các triệu chứng liên quan tới phổi.
Còn cảm lạnh xảy ra khi màng lót mũi và cổ họng nhiễm virus gây viêm, nên triệu chứng cảm lạnh thường là đường hô hấp trên như chảy nước mũi sau do nước mũi từ xoang chảy xuống phía sau cổ họng.
Các triệu chứng của cảm lạnh thông thường không gặp ở viêm phế quản bao gồm:
- Chảy nước mũi sau, nghẹt mũi
- Hắt hơi
- Chảy nước mắt
- Ho khan.
Đọc thêm:
+ 5 đồ dùng trong nhà nên được vệ sinh sạch sẽ sau khi hết cảm lạnh
+ 12 mẹo và lưu ý khi điều trị cảm lạnh cho trẻ em tại nhà
Các triệu chứng của viêm phế quản không gặp ở cảm lạnh bao gồm:
- Đau ngực
- Thở hụt hơi
- Thở khò khè
- Tắc nghẽn ngực (Chest congestion)
- Ho có đờm: Triệu chứng chính của viêm phế quản là ho có đờm, đờm thường có màu đục hoặc vàng.
Dưới đây là bảng so sánh các triệu chứng cảm lạnh và viêm phế quản:
Triệu chứng bệnh so sánh | Triệu chứng cảm lạnh | Triệu chứng viêm phế quản |
---|---|---|
1. Sốt nhẹ | Có | Có |
2. Ho khan | Có | Có nhưng ít |
3. Mệt mỏi | Có | Có |
4. Chảy mũi, nghẹt mũi | Có Dấu hiệu xảy ra phổ biến | Hầu như không |
5. Hắt hơi | Có | Không |
6. Chảy nước mắt | Có | Không |
7. Ho có đờm | Hầu như không Ban đầu có thể có một chút chất nhầy ở giai đoạn đầu, không kéo dài | Có Ho có đờm kéo dài, đờm có màu đục hoặc vàng, thậm chí lẫn máu |
8. Chảy nước mũi sau | Có | Không |
9. Thở khò khè | Không | Có |
10. Thở hụt hơi | Không | Có Đặc biệt khi thực hiện các hoạt động bê vác, vận động |
11. Tắc nghẽn ngực | Không | Có |
Các triệu chứng kéo dài bao lâu?
- Cảm lạnh: Các triệu chứng thường bắt đầu bằng việc chảy nước mũi màu trong suốt. Sau vài ngày thì chất nhầy mũi có thể chuyển sang màu trắng, vàng, xanh lục - đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang làm việc tích cực để chống lại các nhiễm trùng. Chảy nước mũi và ho khan có thể kéo dài hơn nhưng sẽ thuyên giảm dần trong 10 - 14 ngày.
- Viêm phế quản: Các triệu chứng viêm phế quản thường khỏi sau 1 tuần tới 10 ngày và thường tự khỏi mà không cần điều trị nếu viêm phế quản xảy ra do virus xâm nhập. Với viêm phế quản mãn tính, các triệu chứng của bệnh không hết mà kéo dài vài tháng, thậm chí là vài năm và có thể tái phát nhiều đợt trong năm.
Cả cảm lạnh và viêm phế quản đều có thể do virus gây ra nhưng đôi khi viêm phế quản có thể do vi khuẩn dẫn tới viêm phế quản cấp tính.
Trong nhiều trường hợp viêm phế quản phát triển như một bệnh nhiễm trùng thứ cấp sau khi hệ miễn dịch suy yếu do bệnh khác chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm nếu virus từ đường hô hấp trên lan sang đường thở (đường hô hấp dưới).
- Cảm lạnh: Rhinovirus là nguyên nhân phổ biến nhất, Enterovirus, Adenovirus,...
- Viêm phế quản cấp tính: Có thể do virus hoặc vi khuẩn gây ra. Influenza (virus cúm) thường là một nguyên nhân phổ biến cùng với virus khác như RSV, Adenovirus. Ngoài ra viêm phế quản có thể do khuẩn Mycoplasma (gây viêm phổi) hoặc Bordetella pertussis (gây ho gà) hoặc do tiếp xúc nhiều với các chất gây kích thích phổi, ví dụ như khói thuốc, bụi, ô nhiễm không khí,... Viêm phế quản mãn tính thường do sự lặp lại của viêm niêm mạc phế quản trong thời gian dài
Bản thân bệnh viêm phế quản không lây nhiễm nhưng virus và vi khuẩn gây ra bệnh này thì có. Chẳng hạn nếu bạn bị cảm lạnh và sau đó bị viêm phế quản thì virus gây cảm lạnh có thể lây sang người khác và gây bệnh. Tuy nhiên không phải ai bị cảm lạnh cũng sẽ bị viêm phế quản.
Cũng giống như bệnh cảm lạnh thông thường thì nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản tăng lên khi bạn tiếp xúc gần ở những nơi đông người trong một thời gian dài. Con đường chủ yếu để virus xâm nhập vào cơ thể là thông qua mắt, mũi, miệng hoặc cũng có thể thông qua các giọt bắn trong không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
- Nếu bạn bị cảm lạnh, hãy liên hệ với bác sĩ sớm nếu kèm theo các triệu chứng sau:
+ Khó thở hoặc thở nhanh
+ Mất nước, không thể bù nước bằng đường uống, mắt trũng,..
+ Sốt kéo dài trên 3 ngày
+ Sốt cao không hạ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt
+ Các triệu chứng kéo dài trên 10 ngay và không có dấu hiệu cải thiện mà còn trầm trọng hơn
+ Các triệu chứng như sốt, ho cải thiện nhưng lại quay trở lại và nghiêm trọng hơn
- Nếu bạn bị viêm phế quản, hãy liên hệ với bác sĩ sớm nếu kèm theo cá triệu chứng sau:
+ Sốt trên 38 độ hoặc cao hơn
+ Ho có lẫn chất nhầy màu đỏ hoặc lẫn máu
+ Khó khăn trong việc hít thở
+ Các triệu chứng kéo dài trên 3 tuần
+ Các đợt viêm phế quản liên tục tái phát.
Cả cảm lạnh và viêm phế quản do virus đều có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Một số trường hợp có thể sử dụng thuốc không kê đơn, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Với viêm phế quản do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng kháng sinh, trong trường hợp viêm phế quản nặng có thể bệnh nhân sẽ phải nhập viện.
Nguồn dịch: Bronchitis vs. Cold: What Are the Differences?