Bệnh trĩ là tình trạng tĩnh mạch hậu môn phải chịu áp lực quá lớn khiến chúng phình to và giãn ra. Những tĩnh mạch bị sưng, phồng này có xu hướng rất đau, đặc biệt là khi ngồi. Bệnh trĩ có thể xảy ra hoặc bên trong lỗ hậu môn, hoặc bên ngoài và phình ra từ lỗ hậu môn.
Nứt kẽ hậu môn là kết quả của những chấn thương của lớp lót bên trong hậu môn. Điều này thường xảy ra khi một người có cơ thắt hậu môn rất chặt hoặc họ bị táo bón, tiêu chảy thường xuyên. Chấn thương làm cho các cơ ở cơ thắt hậu môn bị rách, gây ra các vết nứt. Vết rách này gây ra nhiều đau đớn và khiến cơ bị co thắt, dẫn đến giảm lưu lượng máu đến vị trí tổn thương và làm suy yếu khả năng chữa lành. Nếu điều này xảy ra thường xuyên thì vết nứt hậu môn sẽ không thể chữa lành.
Các triệu chứng của bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn có thể tương tự nhau. Chúng thường gây đau, ngứa và chảy máu. Tuy nhiên, nếu bạn bị đau và không cảm thấy một khối u bên ngoài hậu môn, tình trạng này có nhiều khả năng là một vết nứt. Nếu bạn nhận thấy có sự rò rỉ chất nhầy từ hậu môn thì rất có thể bạn bị bệnh trĩ.
- Thông thường, các triệu chứng của bệnh trĩ bao gồm: ngứa hậu môn, đau hậu môn thường xuyên, đau khi đi đại tiện, xuất hiện máu đỏ lẫn trong phân hoặc thấm trên giấy vệ sinh, có các cục u cứng gần hậu môn.
- Các triệu chứng của bệnh nứt kẽ hậu môn bao gồm đau dữ dội trong và sau khi đi tiêu, máu đỏ tươi trên giấy vệ sinh hoặc lẫn trong phân.
Một trong những khác biệt chính giữa bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn là bệnh nứt kẽ hậu môn có xu hướng chỉ xuất hiện các triệu chứng khi đi tiêu, trong khi bệnh trĩ có xu hướng bị đau suốt cả ngày.
Bởi vì bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn thường gây ra các triệu chứng giống nhau, nên ở giai đoạn sớm, các phương pháp điều trị tại nhà là tương tự nhau:
- Dùng thuốc mỡ bôi để giảm sưng, giảm viêm, nhanh lành vết nứt.
- Sử dụng giấy vệ sinh mềm, hoặc giấy ướt có thành phần làm giảm kích ứng hậu môn.
- Tắm nước ấm hàng ngày.
- Vận động chăm chỉ để tăng nhu động ruột, ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón. Bạn cũng có thể được khuyến khích dùng thuốc làm mềm phân hàng ngày nếu bị táo bón nặng để giảm triệu chứng của bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn.
Phần lớn các vết nứt hậu môn không cần phẫu thuật và thường có thể được giải quyết bằng thuốc làm mềm phân và chế độ ăn nhiều chất xơ. Trong khi đó, bệnh trĩ thường đòi hỏi ít nhất một thủ tục không xâm lấn. Tuy nhiên, nếu phương pháp điều trị tại nhà không đủ hiệu quả, bác sĩ có thể đề nghị các thủ tục phẫu thuật cho bệnh trĩ và nứt kẽ hậu môn:
- Mục tiêu của phẫu thuật vết nứt hậu môn là ngăn chặn các cơ trong khu vực không bị co thắt. Điều này cho phép vết rách lành lại. Tiêm và phẫu thuật cắt bỏ cơ là hai phương pháp được sử dụng để giảm co thắt.
- Bệnh trĩ giai đoạn muộn có thể được điều trị bằng cách cắt nguồn cung cấp máu tới búi trĩ. Bác sĩ sẽ sử dụng 1 dải dây chun buộc quanh gốc búi trĩ. Búi trĩ bị mất cấp máu sẽ dần bị teo nhỏ và rụng đi trong vài ngày.
Với những trường hợp phức tạp hơn thì đòi hỏi một quy trình phẫu thuật chuyên sâu cắt bỏ các búi trĩ. Phương pháp phẫu thuật thường được sử dụng cho bệnh nhân có búi trĩ lớn, gây đau đớn và chảy máu nhiều, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống người bệnh.