Sốt xuất huyết là căn bệnh nhiễm trùng cấp tính "đặc trưng" của các nước có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Mặc dù sự bùng phát dịch sốt xuất huyết hàng năm đều gây ra nỗi sợ hãi lớn cho người dân, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ nhưng thực tế, chỉ với những biện pháp khá đơn giản người bệnh có thể tự điều trị sốt xuất huyết khỏi trong 3 - 7 ngày.
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí sốt xuất huyết của Bộ Y tế, trong khoảng 3 ngày đầu bị sốt xuất huyết với biểu hiện sốt cao liên tục, người bệnh có thể được điều trị tại nhà bằng cách dùng thuốc hạ sốt và bù nước cho cơ thể:
Bệnh sốt xuất huyết giai đoạn sốt thường chỉ kéo dài 3 ngày, giai đoạn hạ tiểu cầu hay thoát dịch cũng thường chỉ trong 2-3 ngày là tự hồi phục. Việc điều trị sốt xuất huyết thời gian đầu này có thể chỉ đơn giản là uống hạ sốt paracetamol và oresol khá đơn giản và rẻ tiền. Cụ thể về cách dùng thuốc paracetamol trong điều trị sốt xuất huyết như sau:
- Điều trị sốt xuất huyết trẻ em: trẻ dưới 1 tuổi: < 60mg/lần; trẻ từ 1-3 tuổi: 60-120mg/lần; trẻ từ 3-6 tuổi: 120mg/lần; trẻ từ 6-12 tuổi: 240mg/lần.
- Điều trị sốt xuất huyết người lớn: uống thuốc hạ sốt paracetamol đơn chất mỗi 4 - 6h/lần.
Khi điều trị sốt xuất huyết bằng paracetamol cần lưu ý dùng đúng liều lượng cho phép, tuyệt đối không dùng quá liều sẽ gây nguy hiểm cho cơ thể.
Đặc biệt không được dùng thuốc này chung với rượu, bia hay chất kích thích khác sẽ gây phản ứng phụ làm suy gan, thận, rối loạn đông máu đe dọa tính mạng người bệnh.
Việc sốt cao liên tục trong 2 - 3 ngày khiến cơ thể người bệnh bị suy giảm thể tích, mất nước nghiêm trọng. Vì vậy, bệnh nhân cần được bù nước đáp ứng đủ nhu cầu duy trì của cơ thể. Có nhiều cách để bù nước cho người bệnh như:
- Cho người bệnh uống nước lọc ấm, tránh uống nước lạnh dễ làm tổn thương cổ họng. Nhưng không nên cho bệnh nhân uống quá nhiều nước lọc so với nhu cầu cơ thể sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị sốt xuất huyết.
- Cho người bệnh uống nước ép hoa quả, sữa tươi để bù nước và bổ sung vitamin, khoáng chất. Cần thận trọng khi sử dụng nước ép hoa quả, sữa với bệnh nhân đồng thời bị đái tháo đường.
- Dùng dung dịch điện giải oresol theo đúng liều lượng hướng dẫn trên bao bì.
- Nước cơm cũng là một gợi ý tốt hỗ trợ bù nước khi điều trị sốt xuất huyết.
Song song với việc điều trị sốt xuất huyết như hướng dẫn trên đây, người bệnh cần được chăm sóc cẩn thận và theo dõi sức khỏe liên tục.
- Đối với điều trị sốt xuất huyết trẻ em: cần liên tục kiểm tra thân nhiệt của trẻ. Đặc biệt khi trẻ sốt trên 39 độ C cần chú ý theo dõi, nếu có hiện tượng co giật cần đưa trẻ tới bệnh viện ngay. Liên tục chườm ấm ở trán cho trẻ, cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì nên tháo bỉm, lau mát ở vùng nách, bẹn để hỗ trợ thoát nhiệt nhanh.
- Đối với điều trị sốt xuất huyết người lớn: mặc quần áo mỏng, mới rộng quần áo cho bệnh nhân; chườm ấm cho người bệnh và có thể cho người bệnh tắm nhanh với nước ấm cũng giúp hỗ trợ thoát nhiệt hạ sốt.
- Để bệnh nhân nghỉ ngơi hoàn toàn ở nơi thoáng mát, nên cho bệnh nhân nằm trong màn để tránh bị muỗi đốt làm lây bệnh sang những người xung quanh.
- Quan sát cơ thể người bệnh, khi có các biểu hiện xuất huyết như: chảy máu chân răng, chảy máu cam; nôn ói liên tục, đau đầu đau bụng dữ dội, đau nhức hốc mắt; mất sức, ngủ li bì; đi ngoài phân đen thì cần cho bệnh nhân nhập viện ngay để được điều trị sốt xuất huyết kịp thời.
Sau 3 ngày đầu chăm sóc và điều trị sốt xuất huyết tại nhà, người bệnh cần tới bệnh viện thăm khám vào ngày thứ 4 của chu kỳ bệnh để được kiểm tra sức khỏe tốt nhất.