Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng không phải là căn bệnh nguy hiểm tới tính mạng, nhưng nó khiến cho cuộc sống của trẻ gặp nhiều khó khăn và phiền phức. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng cần được các bậc phụ huynh chú ý hơn.

1. Giữ trẻ tránh xa khỏi các tác nhân gây dị ứng

Viêm mũi dị ứng là một nhóm các triệu chứng ảnh hưởng đến mũi của trẻ. Chúng xảy ra khi trẻ hít phải thứ gì đó khiến trẻ bị dị ứng, chẳng hạn như mạt bụi, vẩy da động vật hoặc phấn hoa. Do đó, việc giữ trẻ tránh xa khỏi các tác nhân gây dị ứng là điều quan trọng nhất trong quá trình chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng. Đây là cách giúp trẻ giảm những triệu chứng khó chịu nhanh chóng và hiệu quả nhất.

- Giữ cho nhà cửa sạch sẽ, khô thoáng. Thường xuyên hút bụi, ưu tiên máy hút bụi có màng lọc HEPA, làm sạch được cả những nấm và bụi nhỏ, có kích thước như hạt phấn hoa.

- Kiểm soát thảm trong nhà, loại bỏ thảm nếu không cần thiết. Thường xuyên giặt giũ chăn gối, gấu bông và đồ chơi mềm của trẻ bằng nước nóng để tiêu diệt mạt bụi.

- Người chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng không hút thuốc trong nhà, bởi khỏi thuốc lá có thể làm tình trạng của trẻ tồi tệ hơn.

- Hạn chế trồng hoa quanh nhà. Vào mùa hoa, nên đóng cửa để hạn chế phấn hoa bay vào nhà.

- Khu nuôi động vật cần cách xa nhà. Không cho thú cưng lên giường. Thường xuyên tắm rửa cho thú cưng.

- Khi trẻ đi ra ngoài, hoặc làm việc ngoài trời, làm việc trong vườn, cần trang bị khẩu trang.

- Hạn chế sử dụng thuốc xịt côn trùng, chất tẩy rửa hóa học hoặc nước xả quần áo, gây kích thích mũi của trẻ.

2. Vệ sinh, chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng

- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm có thể cải thiện các triệu chứng viêm mũi dị ứng ở trẻ. Rửa mũi giúp mũi ẩm hơn, làm lỏng chất nhày, làm sạch chúng cùng các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, nấm, vi khuẩn có trong mũi. Bạn có thể tham khảo cách rửa mũi cho trẻ từ y tá, bác sĩ hoặc các chuyên viên chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng.

- Cần bảo vệ mũi cẩn thận bởi trẻ bị viêm mũi dị ứng rất nhạy cảm. Khi ra đường cần sử dụng khẩu trang. Không để mũi đột ngột hít khí lạnh và khô. Không tắm nước lạnh khi chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng.

- Vệ sinh vùng tai - mũi - họng bằng cách nhắc trẻ đánh răng và súc miệng hàng ngày để tiêu diệt vi khuẩn, giảm thiểu triệu chứng viêm mũi dị ứng.

- Khi chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng tại nhà, không được lạm dụng các loại thuốc nhỏ và xịt mũi. Chúng có thể giúp trẻ giảm khó chịu ngay lập tức, nhưng về lâu dài có thể gây nhờn thuốc và nhiều tác dụng phụ quá liều khác.

3. Dinh dưỡng cho trẻ bị viêm mũi dị ứng

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng, dinh dưỡng là vô cùng quan trọng, là vấn đề gốc rễ để tăng cường hệ miễn dịch, giúp trẻ đối phó với bệnh tật.

Người chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng nên ưu tiên các thực phẩm giàu vitamin C, kẽm, vitamin D, chất chống oxy hóa tự nhiên khi lựa chọn thực phẩm cho trẻ để chống lại các phản ứng dị ứng. Một số loại thực phẩm có thể tham khảo bao gồm:

- Các loại quả mọng như việt quất, mâm xôi,... chứa rất nhiều vitamin C và flavanoids, có thể làm giảm một số phản ứng histamine đối với dị ứng ở trẻ em.

- Táo cũng chứa rất nhiều vitamin C và flavanoids, đặc biệt là quercetin, có thể hoạt động như một chất ổn định tế bào mast. Tế bào mast là chất trung gian quan trọng của dị ứng vì chúng giải phóng histamine. Chất quercetin cũng có rất nhiều trong hành tây.

- Sử dụng mật hoa thường xuyên khi chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng có thể giúp cơ thể trẻ quen với chất gây dị ứng và không tạo ra phản ứng dị ứng. Tuy nhiên, cần thử với một lượng nhỏ để tránh nguy cơ dị ứng ở trẻ. Nên chọn mật ong tự nhiên, có nguồn gốc rõ ràng.

- Giấm được coi là phương thuốc sinh học chống dị ứng, tăng cường miễn dịch lâu đời được sử dụng cho nhiều loại bệnh.

- Đừng quên nước khi chăm sóc trẻ bị viêm mũi dị ứng. Uống đủ nước mỗi ngày để giúp hệ hô hấp làm việc tốt hơn, giảm thiểu các triệu chứng viêm mũi khó chịu.


Tác giả: Mai Nhung