Đối với người khỏe mạnh, việc mắc cảm cúm có thể chỉ khiến bạn cảm thấy khó chịu trong 5 - 10 ngày. Tuy nhiên, với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) thì nhiễm các loại virus gây bệnh cúm hay cảm lạnh có thể khiến việc thở trở nên khó khăn hơn do đường thở bị sưng lên, tắc nghẽn do chất lỏng và có thể tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi hay phải nhập viện.
Ngoài ra, người mắc COPD cũng có nhiều nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp do virus hơn do các tế bào miễn dịch ở phổi bị "ức chế một chút" so với người khỏe mạnh, nói cách khác là phổi có xu hướng hoạt động kém hiệu quả hơn trong việc chống lại vi trùng xâm nhập/đã tiếp xúc.
Dưới tác động của thời tiết, sự gia tăng các tác nhân dị ứng mùa xuân như phấn hoa và virus gây bệnh đường hô hấp đặt ra nhiều thách thức cho người mắc COPD.
Có những bước mà người mắc COPD có thể thực hiện để giữ sức khỏe, theo Everyday Health:
CDC khuyến nghị việc tiêm phòng cúm đối với tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi, đặc biệt là những người có các yếu tố nguy cơ như COPD. Cúm có thể gây tử v.ong ở người mắc COPD và tiêm phòng cúm được cho là một trong những biện pháp bảo vệ tốt nhất.
Đọc thêm:
- Bạn có thể tiêm 2 mũi phòng cúm trong cùng một năm không?
- 11 mẹo để phục hồi nhanh chóng sau mắc cảm cúm
Hãy nhớ rằng các chủng cúm có thể biến đổi từ năm này sang năm khác nên việc tiêm nhắc lại mũi vaccine ngừa cúm hàng năm cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hơn nữa, việc tiêm nhắc lại sẽ giúp hệ miễn dịch được tăng cường bảo vệ một cách nhất quán. Nói cách khác, bằng cách tiêm chủng hàng năm, bạn có thể được bảo vệ khỏi nhiều chủng virus hơn so với việc bạn chỉ tiêm chủng vào năm đó.
Tiêm phòng cúm không chỉ quan trọng với người mắc COPD mà còn cần thiết đối với các thành viên trong gia đình. Điều này giúp cho người mắc COPD sống trong môi trường an toàn hơn, giảm nguy cơ lây nhiễm cúm từ các thành viên trong gia đình, hay còn gọi là miễn dịch bầy đàn.
Nếu chưa mắc viêm phổi, mũi tiêm phòng viêm phổi sẽ giúp người mắc COPD tránh được các biến chứng nguy hiểm tiềm ẩn. Viêm phổi cũng được biết đến như một biến chứng nghiêm trọng ở người bị COPD, tăng nguy cơ suy hô hấp và cần phải điều trị tại bệnh viện.
Hơn nữa, người mắc COPD thường mất nhiều thời gian hơn để hồi phục nếu bị viêm phổi do nhiễm virus cúm hay cảm lạnh do đường hô hấp và hệ miễn dịch yếu hơn so với người bình thường.
Đối với người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, việc tránh đưa tay chạm vào mắt, mũi, và miệng là rất quan trọng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Tay có thể chứa vi khuẩn và virus từ các bề mặt mà chúng ta chạm vào, và việc đưa chúng lên khuôn mặt có thể dẫn đến nhiễm trùng hô hấp.
Người bệnh COPD đã có hệ thống hô hấp yếu và dễ bị nhiễm trùng, do đó việc giữ vệ sinh cá nhân và tránh chạm tay lên khuôn mặt có thể giúp giảm bớt nguy cơ bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính như cảm lạnh hay cúm.
Các dấu hiệu nhiễm trùng đường hô hấp thường thấy bao gồm:
- Hắt hơi
- Sổ mũi
- Sốt
- Ho có đờm hoặc ho khám có thể ho ra máu
Một số trường hợp nặng có thể đau ngực thậm chí khó thở. Khi gặp những người có các biểu hiện kể trên, người mắc COPD cần phải giữ khoảng cách an toàn, tốt nhất là tránh tiếp xúc để tránh nguy cơ lây nhiễm. Điều này bao gồm cả những nơi đông người, càng đông người trong một không gian kém lưu thông không khí càng khiến nguy cơ lây nhiễm các bệnh liên quan tới virus và vi khuẩn tăng lên.
Đeo khẩu trang khi tới những khu vực có nguy cơ tiếp xúc cao cũng sẽ giúp người bị COPD tăng thêm hàng rào bảo vệ cho mũi, họng.
Rửa tay trước khi ăn hoặc khi chuẩn bị thức ăn và bất cứ khi nào bạn ra ngoài chạm vào các bề mặt công cộng. Người mắc COPD cần rửa tay đúng cách để tránh lưu lại virus, vi khuẩn gây bệnh trên tay và vô tình đưa chúng xâm nhập vào cơ thể. Theo CDC, virus gây bệnh cảm cúm và cảm lạnh có thể tồn tại trên nhiều bề mặt cứng tới 48 giờ.
Để rửa tay đúng cách và hiệu quả, hãy làm theo các bước sau đây:
Bước 1: Làm ướt tay dưới vòi nước sạch
Bước 2: Đổ một lượng xà phòng vừa đủ lên lòng bàn tay
Bước 3: Chà xát lòng bàn tay với nhau
Bước 4: Chà xát bàn tay phải qua mu bàn tay trái và ngược lại
Bước 5: Chà xát lòng bàn tay với các ngón tay khép lại và ngược lại
Bước 6: Chà giữa các ngón tay
Bước 7: Chà xát ngón tay cái lần lượt, bao gồm cả ngón tay cái phải và trái
Bước 8: Chà móng tay và ngón tay cái vào lòng bàn tay đối diện
Bước 9: Rửa sạch tay dưới vòi nước
Bước 10: Dùng khăn giấy sạch hoặc tay áo để khóa vòi nước
Bước 11: Sử dụng khăn giấy để lau khô tay và nếu có thể, dùng khăn để mở cửa khi rời khỏi nhà vệ sinh.
Thực hiện rửa tay trong ít nhất 20 giây để đảm bảo loại bỏ vi khuẩn và virus hiệu quả.
Người mắc COPD nên xây dựng chế độ ăn uống khoa học và cân bằng với nhiều trái cây và rau quả tươi, vận động thường xuyên và ngủ đủ giấc để giúp cơ thể khỏe mạnh và ít bị nhiễm trùng hơn cũng như tăng cường miễn dịch chống lại nhiễm trùng.
Lưu ý, với chế độ ăn, người bị COPD nên ưu tiên ăn thực phẩm chứ carbohydrate phức tạp bao gồm trái cây tươi và rau củ chứa tinh bột, các loại ngũ cốc, bánh mì nguyên hạt, đậu; thực phẩm giàu chất xơ; thực phẩm giàu protein từ thịt gia cầm, cá, trứng, sữa; chất béo đơn và không bão hòa đa từ dầu ô liu, dầu bơ, cá hồi,...
Đồng thời người mắc COPD nên kiêng hoặc hạn chế các thực phẩm có thể gây kích ứng đường hô hấp hoặc làm tăng sản xuất chất nhầy, cũng như những thực phẩm khó tiêu hóa. Chẳng hạn nhóm thực phẩm carbohydrate đơn từ đường ăn, bánh ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, bánh mì trắng; các chất béo kém lành mạnh từ đồ ăn chiên rán, bơ thực vật, thịt xông khói,...
Người mắc bệnh COPD vẫn nên tham gia vào các hoạt động tập thể dục nhẹ nhàng và kiểm soát được như đi bộ, bơi lội, hoặc đạp xe. Tập thể dục có thể giúp cải thiện sức khỏe hô hấp, tăng cường sức chịu đựng, và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, quan trọng là phải thảo luận với bác sĩ về chương trình tập luyện phù hợp và không nên tập thể dục quá sức, đặc biệt là khi không khí lạnh hoặc ô nhiễm, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hô hấp.
Ngừng hút thuốc là cách tốt nhất để tránh làm tổn thương thêm phổi khi mắc COPD. Hơn nữa, hút thuốc còn khiến nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp và triệu chứng cảm lạnh hay cúm trở nên tồi tệ hơn.
Dù trong mùa cảm lạnh và cảm cúm gia tăng hay bất cứ thời điểm nào trong năm thì người bị bệnh COPD đều cần chắc chắn rằng luôn có sẵn thuốc theo đơn của bác sĩ, bao gồm cả thuốc trong đợt cấp COPD cấp tính để giảm tắc nghẽn đường thở nhanh chóng.
Khi nghi ngờ bị nhiễm cúm, người bệnh COPD cần tuân thủ kế hoạch điều trị COPD hiện tại, uống nhiều nước và nghỉ ngơi để giúp cơ thể hồi phục. Đồng thời, nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn cách đối phó kịp thời, có thể bao gồm thuốc kháng virus để giảm mức độ nghiêm trọng.
Theo dõi chặt chẽ các triệu chứng, đặc biệt là ho và khó thở. Các triệu chứng cho thấy cần thăm khám bao gồm: sốt; khó thở nặng hơn bình thường hoặc cơn khó thở xảy ra thường xuyên hơn; ho nhiều hơn; thở khò khè hơn; thay đổi màu sắc chất nhầy bao gồm độ dày, màu sắc, mùi; mệt mỏi cực độ;...
Nhìn chung, quản lý tốt bệnh COPD bằng cách chăm sóc cá nhân, điều trị và tái khám theo đúng hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng trong mùa cúm, cảm lạnh gia tăng.
Nguồn dịch: 15 Ways to Stay Healthy During Cold and Flu Season if You Have COPD