Hướng dẫn chăm sóc răng miệng trong và sau hóa trị liệu ung thư đầu cổ

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Hướng dẫn chăm sóc răng miệng trong và sau hóa trị liệu ung thư đầu cổ
Chăm sóc răng miệng đúng cách có thể làm giảm nhẹ những triệu chứng do hóa trị và xạ trị ung thư đầu cổ gây ra như nhiệt miệng, đau đớn khoang miệng hay viêm niêm mạc miệng,...

1. Tầm quan trọng của chăm sóc răng miệng trong/sau hóa trị và xạ trị ung thư đầu cổ

Khi bệnh nhân bị ung thư đầu cổ như ung thư vòm họng, ung thư amidan, ung thư thanh quản,.. thì những can thiệp liên quan tới hóa trị liệu là một biện pháp không thể thiếu để tiêu diệt tận gốc tế bào gây ung thư.

Tuy nhiên các biện pháp hóa trị liệu ung thư vùng đầu cổ này có thể gây ra những tác dụng phụ liên quan tới răng miệng, có thể kể đến như viêm niêm mạc miệng, khô miệng, chảy máu miệng, sâu răng, lở loét miệng, nhiễm trùng,.. Lúc này người bệnh cần phải có cách chăm sóc răng miệng hợp lý để giảm thiểu những triệu chứng này.

Một lưu ý quan trọng chính là việc theo dõi và kiểm soát chặt chẽ vấn đề sức khỏe răng miệng ở bệnh nhân trong và sau hóa trị liệu ung thư vùng đầu cổ. Điều này hỗ trợ cho việc ngăn ngừa và điều trị những biến chứng càng sớm càng tốt.

2. Hướng dẫn chăm sóc răng miệng trong và sau hóa trị liệu ung thư đầu cổ

Chăm sóc răng miệng đúng cách cần phải thực hiện đều đặn hàng ngày bao gồm cả việc giữ cho răng miệng sạch sẽ và chăm sóc nhẹ nhàng với cả thành miệng.

Dưới đây là những hướng dẫn trong việc chăm sóc răng miệng trong và sau hóa trị liệu (xạ trị và hóa trị) cho bệnh nhân ung thư đầu cổ cần phải lưu ý:

Hướng dẫn đánh răng

Chải răng và chải nướu trong và sau hóa trị liệu ung thư đầu cổ nên sử dụng bàn chải có lông mềm, tần suất vệ sinh là từ 2 - 3 lần trong một ngày và mỗi lần vệ sinh từ 2 cho tới 3 phút.

Lưu ý vệ sinh sạch sẽ cho vùng chân răng. Súc miệng thường xuyên cũng được khuyến khích. Nếu như lông bàn chải không mềm thì có thể sử dụng nước nóng nhúng đầu bàn chải trong vòng từ 15 - 30 giây để chúng mềm hơn khi sử dụng.

Bàn chải dạng tạo bọt chỉ nên sử dụng nếu như sau hóa trị liệu ung thư đầu cổ bệnh nhân không thể sử dụng được bàn chải lông mềm.

Sau khi vệ sinh xong cần giữ bàn chải khô ráo. Kem đánh răng khuyến khích là kem đánh răng có chứa fluoride, hương vị nhẹ dịu; tránh những hóa chất có thể gây kích ứng miệng, đặc biệt là kem đánh răng có vị bạc hà.

Nếu kem đánh răng gây kích ứng miệng của bạn, hãy đánh răng bằng hỗn hợp 1/4 muỗng cà phê muối thêm vào 1 cốc nước.

Súc miệng

Sau hóa trị liệu ung thư đầu cổ bệnh nhân nên súc miệng đều đặn 2 giờ một lần để có thể giảm đi những đau nhức do hóa trị liệu gây ra.

Người bệnh có thể tự làm nước súc miệng bằng cách hòa tan 1/4 thìa cafe muối cùng voiws1/4 thìa cafe bột banking soda vào trong một lít nước.

Với việc cải thiện nướu thì có thể súc miệng từ 2 - 4 lần/ngày. Mỗi lần súc miệng từ 1 - 2 phút. Nếu bệnh nhân ung thư đầu cổ gặp phải tình trạng khô miệng thì súc miệng không phải là biện pháp thích hợp để làm sạch răng sau khi ăn. Lúc này nên thay thế bằng việc đánh răng và sử dụng chỉ nha khoa.

Xỉa răng

Xỉa răng cần thực hiện nhẹ nhàng mỗi ngày một lần.

Chăm sóc môi

Sử dụng các sản phẩm chăm sóc môi, như kem với lanolin , để tránh môi bị khô và nứt nẻ.

Chăm sóc răng giả

Nếu như bệnh nhân ung thư đầu cổ có lắp răng giả thì trong và sau quá trình hóa trị liệu có thể làm theo hướng dẫn sau để vệ sinh chúng:

- Rửa răng giả và chải răng giả mỗi ngày

- Khuyến khích sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm hoặc một dụng cụ làm sạch răng giả chuyên dụng

- Hãy hỏi nha sĩ của mình về loại kem đánh răng hoặc một dạng chất vệ sinh răng giả nào mà bạn có thể sử dụng trong trường hợp này

- Không để cho răng giả bị khô hoặc ngâm chúng với nước nóng vì có thể gây ra tình trạng mòn hoặc biến dạng.


Nguồn dịch:

https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/side-effects/mouth-throat/oral-complications-pdq

Tác giả: NVD