Xuất huyết tiêu hoá là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa nguy hiểm. Vì vậy, việc được chẩn đoán và điều trị sớm là điều quan trọng đối với bệnh nhân, giảm thiểu nguy cơ nguy hiểm cũng như giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.
Xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng máu chảy từ lòng mạch vào trong ống tiêu hóa bắt đầu từ thực quản cho đến hậu môn. Khi vị trí xuất huyết tiêu hóa xảy ra nằm trong khoảng từ thực quản cho đến góc Treitz của tá tràng được gọi là xuất huyết tiêu hóa trên. Còn lại khi xuất huyết tiêu hóa xảy ra ở sau góc Treitz của tá tràng, người bệnh sẽ được chẩn đoán bị xuất huyết tiêu hóa dưới.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hóa, chẳng hạn như vỡ giãn tĩnh mạch thực quản trong xơ gan, viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư đường tiêu hóa, trĩ,... Tuy nhiên dù do nguyên nhân gì gây nên, biểu hiện chính của các bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa vẫn bao gồm các triệu chứng như nôn ói ra máu, đi cầu phân đen hoặc đi cầu ra máu.
Mức độ nghiêm trọng của xuất huyết tiêu hóa cũng thay đổi rất lớn tùy thuộc vào tình trạng xuất huyết của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể chỉ bị xuất huyết với mức độ nhẹ, nhưng cũng có thể bị xuất hiện với mức độ nặng, rất nặng hoặc thậm chí là nguy kịch đến tính mạng.
Đọc thêm:
- Rối loạn tiêu hóa theo mùa và 5 lời khuyên để đối phó
- Duy trì và cải thiện sức khoẻ hệ tiêu hoá trong mùa đông với 6 nguyên tắc
Như đã nói, bệnh xuất huyết tiêu hóa có thể dẫn đến một tình trạng nặng, hoặc thậm chí đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Do đó, bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa không chỉ cần được điều trị đúng cách tùy theo nguyên nhân gây xuất huyết mà vấn đề chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Khi phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa với các triệu chứng như nôn ra máu, đi cầu phân đen, đi cầu ra máu thì vấn đề chăm sóc bệnh nhân cần phải được đặt ra ngay lập tức.
- Đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay lập tức là điều cần thiết. Các trường hợp xuất huyết tiêu hóa nặng có thể khiến bệnh nhân tử vong nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách.
- Cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nằm nghiêng về một bên nhằm đảm bảo đủ thể tích tuần hoàn cung cấp cho não, đồng thời tránh việc bệnh nhân bị sặc máu vào đường hô hấp khi nôn ói.
- Khi bệnh nhân chưa được đưa đến bệnh viện và chưa được chẩn đoán bệnh bởi bác sĩ thì nên dừng cho người bệnh ăn uống. Việc đưa thức ăn vào dạ dày làm dạ dày lấp đầy thức ăn có thể cản trở việc nội soi chẩn đoán và điều trị xuất huyết tiêu hóa.
Sau khi bệnh nhân đã được chẩn đoán và có y lệnh cho ăn từ bác sĩ, có thể cho bệnh nhân ăn uống bằng các loại thức ăn ở dạng lỏng như nước cháo, sữa, nước hoa quả,... Tuy nhiên, thức ăn sử dụng cho bệnh nhân nên được làm mát trước khi sử dụng để tránh gây tái xuất huyết cho người bệnh.
- Người nhà, người chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa phải đặc biệt chú ý đến tình trạng nôn ra máu và đi cầu của người bệnh. Khi phát hiện bệnh nhân đột ngột nôn ra máu nhiều, đi cầu phân đen hoặc phân đỏ nhiều thì phải thông báo ngay với bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
Khi bệnh nhân đã ngừng chảy máu biểu hiện bằng hết nôn ói ra máu, hết đi cầu phân đen hoặc phân đỏ, ... thì chế độ chăm sóc bệnh nhân có thể ít nghiêm ngặt hơn.
- Người bệnh bắt đầu tập ăn uống trở lại một cách bình thường. Thức ăn của bệnh nhân chuyển từ nước cháo, sữa sang chão loãng, sau đó chuyển thành cháo đặc, rồi thành cơm nhão và cuối cùng là ăn uống như bình thường.
- Mặc dù việc người bệnh đã ngừng nôn ra máu, ngừng đi cầu phân đen hoặc phân đỏ,... nhưng vấn đề tái xuất huyết vẫn có thể xảy ra. Do đó, tính chất phân và nôn ói của người bệnh vẫn phải được ghi nhận và theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm tình trạng tái xuất huyết.
Sau khi tình trạng của bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa đã ổn định, người bệnh sẽ trở lại với cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Lúc này vấn đề chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa nhằm dự phòng lâu dài vấn đề tái xuất huyết cũng có ý nghĩa rất quan trọng.
- Các nguyên nhân có thể dẫn đến xuất huyết tiêu hóa như giãn tĩnh mạch thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, trĩ,... đều cần được xử lý sớm nếu có thể.
- Tránh các yếu tố thuận lợi dẫn đến xuất huyết tiêu hóa như căng thẳng thần kinh, sử dụng các loại chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá,...
- Với những người mắc bệnh mãn tính cần sử dụng thường xuyên các thuốc như thuốc kháng viêm giảm đau không steroid, corticoid,... đều cần tuân thủ tốt hướng dẫn từ bác sĩ. Từ đó tránh nguy cơ xuất huyết tiêu hóa do tác dụng phụ của thuốc.
Có thể thấy rằng, vấn đề chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa đóng vai trò rất quan trọng đối với sự bình phục của người bệnh. Vì vậy, người thân hoặc người chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cần phải tìm hiểu hoặc được hướng dẫn để đảm bảo chăm sóc người bệnh đúng cách và an toàn nhất.