Bệnh nhân ung thư hạch thường có số lượng máu thấp, chất lượng bạch cầu giảm nên rất dễ gặp các vấn đề về nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể làm tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn, thời gian phục hồi lâu hơn. Do vậy, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch, người nhà cần trang bị các phương pháp ngăn ngừa nhiễm trùng cho người bệnh:
- Nếu tình trạng nhiễm trùng xảy ra quá thường xuyên và nghiêm trọng thì người nhà nên sử dụng thuốc kháng sinh và các thuốc kháng virus trong quá trình chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch. Việc sử dụng thuốc nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Giữ cho nơi ở của người bệnh luôn sạch sẽ, thoáng mát. Chăn ga cần được giặt thường xuyên.
- Hỗ trợ vệ sinh thân thể nếu bệnh nhân gặp nhiều khó khăn trong cử động. Thường xuyên thúc giục người bệnh rửa tay để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
- Chế biến thức ăn cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Người bệnh ung thư thường rất yếu, sức khỏe suy kiệt, nên người thân cần hỗ trợ họ trong những công việc hàng ngày. Đó có thể là nấu ăn, tắm giặt, dọn dẹp nhà cửa, sửa chữa vật dụng, hoặc mang vác vật nặng.
- Theo dõi và kiểm soát các triệu chứng để chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch có hiệu quả hơn, can thiệp kịp thời khi có bất thường xảy ra.
- Nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, tái khám đúng hẹn. Hỗ trợ lái xe, đưa người bệnh đến bệnh viện trong mỗi lần tái khám.
- Ngoài việc chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch tại nhà, người thân cũng nên đăng ký cho người bệnh tham gia các câu lạc bộ như thiền, yoga để cải thiện sức khỏe.
- Hỗ trợ người bệnh thực hiện lối sống lành mạnh, bỏ thuốc lá và rượu bia, ăn uống đủ chất, ngủ nghỉ đúng giờ giấc. Thường xuyên tập thể dục cùng người bệnh để họ có động lực hơn trong việc tăng cường sức khỏe.
- Là người chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch, bạn cũng cần trang bị những kiến thức để giảm bớt các triệu chứng tác dụng phụ gây khó chịu cho người bệnh như đau, buồn nôn, nôn, khô và loét miệng,... Đôi khi bệnh nhân cần dùng đến thuốc, hoặc cần sự giúp đỡ của bác sĩ để giảm những triệu chứng này.
- Giải thích tình trạng bệnh tật cho người bệnh hiểu. Động viên, trấn an tinh thần của người bệnh.
- Trang bị các phương tiện giải trí như sách báo, các chương trình truyền hình. Người chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch có thể cùng người bệnh tham gia các câu lạc bộ xã hội để giúp người bệnh vui vẻ, thoải mái, hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
- Luôn sẵn sàng lắng nghe, ngay cả khi bệnh nhân không muốn nói về tình trạng hoặc cảm giác của họ. Đôi khi, họ chỉ cần biết rằng bạn luôn ở bên và sẵn sàng lắng nghe là đã giúp họ rất nhiều.
- Đôi khi có thể thảo luận nhiều vấn đề khác để đánh lạc hướng sự lo lắng của bệnh nhân về tình trạng của họ.
Buồn, lo lắng, chán nản là tâm lý bình thường của những bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, nếu những cảm xúc này bắt đầu tác động tiêu cực đến đời sống hàng ngày của bệnh nhân thì bạn có thể cần đến sự tư vấn của các chuyên gia.
Người chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch cần đưa người bệnh đến các chuyên viên tâm lý nếu họ có các triệu chứng trầm cảm như: thường xuyên cảm thấy tuyệt vọng hoặc bồn chồn, mất hứng thú với mọi hoạt động, giảm cân hoặc tăng cân bất thường, dễ bị kích động, không có năng lượng, khó ngủ, khó tập trung, suy nghĩ về cái chết,...