Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân đặt Sonde dạ dày

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân đặt Sonde dạ dày
Đặt Sonde dạ dày là phương pháp đưa ống thông từ đường mũi hoặc miệng vào dạ dày, với mục đích để lấy dịch dạ dày xét nghiệm, truyền thuốc, hoặc nuôi ăn. Bệnh nhân đặt Sonde dạ dày thường rất yếu, nên rất cần sự hỗ trợ và chăm sóc của người thân.

1. Hướng dẫn chăm sóc bệnh nhân đặt Sonde dạ dày

- Luôn rửa tay sạch sẽ trước và sau khi cho bệnh nhân ăn.

- Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ như khăn, nước sôi để nguội để quá trình truyền thức ăn cho bệnh nhân đặt Sonde dạ dày diễn ra thuận lợi hơn, sạch sẽ hơn. Chuẩn bị thực phẩm cho bệnh nhân đặt Sonde dạ dày cũng cần chú ý đảm bảo vệ sinh, đủ dinh dưỡng, và thực phẩm cần ở dạng nhuyễn và lỏng.

- Khi cho ăn, bệnh nhân đặt Sonde dạ dày cần được nằm cao đầu, ăn chậm, chia làm nhiều bữa trong ngày để cơ thể dễ hấp thụ.

- Vệ sinh dụng cụ trước và sau khi cho ăn sạch sẽ, bảo quản nơi khô thoáng. Tốt nhất, các dụng dụ nên được tiệt trùng trước và sau khi sử dụng. 

- Thường xuyên kiểm tra vị trí ống thông. Giữ cho ống thông bám chặt vào da, tránh hiện tượng tuột hoặc sai lệch vị trí. Có thể dùng băng dính chuyên dụng để cố định ống thông.

- Bệnh nhân đặt Sonde dạ dày nên chú ý trong hoạt động và sinh hoạt hàng ngày, tránh tác động là xê dịch ống thông.

- Giữ gìn vệ sinh thân thể, cũng như giữ cho vị trí đặt ống Sonde được khô ráo sách sẽ. Chỉ nên vệ sinh vị trí đặt ống thông bằng nước sạch hoặc xà phòng dịu nhẹ. Nếu muốn sử dụng kem dưỡng, kem chống vi trùng, thuốc mỡ và băng gạc cho vị trị đặt Sonde thì cần được sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

- Thay ống thông theo định kỳ hoặc theo chỉ định của bác sĩ.

Người chăm sóc cần liên hệ với bác sĩ khi có bất kỳ thắc mắc nào về kỹ thuật chăm sóc bệnh nhân đặt Sonde dạ dày. Việc này sẽ giúp cho bệnh nhân được chăm sóc hiệu quả và đúng cách hơn. Bất cứ sự lơ là hoặc chủ quan nào cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho bệnh nhân đặt Sonde dạ dày.

2. Khi nào bệnh nhân đặt Sonde dạ dày cần liên hệ bác sĩ?

- Ống thông gặp vấn đề như bị tuột, bị tắc, ống di chuyển lệch ra khỏi vị trí ban đầu, có chất lỏng rò rỉ xung quanh ống. Việc chỉnh và đặt lại ống thông cần được thực hiện tại bệnh viện. Người nhà và bệnh nhân đặt Sonde dạ dày không tự ý điều chỉnh ống, có thể làm tổn thương các cơ quan bên trong cơ thể.

- Khi cơ thể bệnh nhân đặt Sonde dạ dày có các thay đổi bất thường về sức khỏe như sốt hoặc tiêu chảy, táo bón. Bệnh nhân không được tự ý dùng thuốc mà cần đến bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, từ đó có hướng khắc phục phù hợp.

- Không coi thường triệu chứng viêm da tiếp xúc, vùng da đặt ống bị ửng đỏ. Bởi nếu không khắc phục sớm, viêm da tiếp xúc có thể trở nặng gây viêm nhiễm, lở loét, khó kiểm soát, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

- Vùng da quanh vị trí đặt ống có dấu hiệu bị nhiễm trùng: nóng, đỏ, đau, có dịch hôi tiết ra,... 

- Ống thông dẫn lưu dịch màu máu hoặc màu nâu thẫm.

 - Dạ dày có cảm giác chướng, bụng bị căng.

- Bệnh nhân đặt Sonde dạ dày giảm hoặc tăng cân bất thường.

- Khi người chăm sóc và cả bệnh nhân đặt Sonde dạ dày đều cảm thấy không thoải mái trong quá trình nuôi ăn qua ống, thì cũng cần liên hệ với bác sĩ để được chỉ dẫn lại kỹ thuật, hướng dẫn lại các bước chăm sóc đúng cách.

Nuôi ăn qua ống thông có thể rất hữu ích trong việc cho phép bệnh nhân đạt được trạng thái dinh dưỡng phù hợp, nhưng nó cũng có các nguy cơ nhất định. Ngoài việc đi khám khi có các dấu hiệu bất thường, bệnh nhân đặt Sonde dạ dày cũng cần phải đi khám định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh tật và khả năng hấp thu dinh dưỡng của cơ thể, từ đó có những điều chỉnh phù hợp.


Tác giả: Mai Nhung