Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở trẻ em hay còn gọi là COPDC có nguyên nhân chính đến từ môi trường và di truyền. Mặc dù bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng nó có thể được kiểm soát về mặt lâm sàng miễn là cha mẹ hiểu rõ và tuân thủ những nguyên tắc khi chăm sóc trẻ bị COPD.
Những triệu chứng điển hình có thể thấy ở trẻ em mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là tình trạng ho kéo dài, khó thở, thở khò khè. Giãn phế quản cũng là một triệu chứng có thể xuất hiện ở một số bệnh nhân mắc COPDC.
Việc quản lý bệnh phổi mãn tính ở trẻ em sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu các bậc phụ huynh chăm sóc trẻ dựa trên các hướng dẫn và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chỉ định. Đặc biệt khi điều trị với các thuốc như Corticosteroid dạng uống và dạng hít, thuốc giãn phế quản, thuốc kháng sinh dạng hít. Điều trị đợt viêm phổi cấp cũng là một cơ sở của việc quản lý COPD ở trẻ em và nên được áp dụng riêng cho từng bệnh nhân.
Có rất nhiều những lưu ý các bậc phụ huynh cần ghi nhớ để có thể chăm sóc trẻ bị COPD hiệu quả. Một trong số đó là việc hạn chế tiếp xúc một cách tối đa đối với những thứ có thể gây kích ứng phổi của trẻ, chẳng hạn như khói và ô nhiễm không khí. Các bậc phụ huynh nên sử dụng máy lọc không khí trong nhà để giúp không khí trong lành hơn.
Nhắc nhở bé tập thể dục thường xuyên để giữ sức khỏe và cho bé ăn uống đầy đủ với chế độ dinh dưỡng khoa học cũng là một điều cần ghi nhớ khi chăm sóc trẻ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế hay bác sĩ chuyên khoa để có thể xác định những loại thực phẩm nên ăn và nên tránh trong quá trình điều trị bệnh của trẻ.
Cha mẹ cũng nên hiểu rõ về cách đối phó với các đợt COPD bùng phát. Khi các cơn COPD cấp tính xảy ra ở trẻ, các triệu chứng sẽ trở nên trầm trọng hơn một cách nhanh chóng, do đó điều quan trọng là phụ huynh cần phải biết làm gì nếu tình huống này xảy ra.
Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được cung cấp những kế hoạch hành động hay các loại thuốc sử dụng cho trẻ nhằm đối phó ngay lập tức nếu bệnh bùng phát. Nhưng nếu cơn COPDC trở nên nghiêm trọng, nên đưa trẻ tới phòng cấp cứu gần nhất.
Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên dành thời gian ở bên và giúp trẻ quản lý tâm trạng. Đôi khi việc mắc bệnh cũng như các triệu chứng khó chịu sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Hãy quan tâm đến trẻ nhiều hơn cũng như nên đối xử nhẹ nhàng khi trẻ cảm thấy buồn hoặc lo lắng. Nếu tình trạng tâm lý trẻ bất ổn kéo dài, có thể liên hệ với bác sĩ tâm lý để được tư vấn tốt nhất.
Việc chẩn đoán đúng và hiểu biết rõ về các yếu tố nguy cơ cũng như các bệnh đi kèm khi mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là điều cần thiết các phụ huynh nên ghi nhớ trong quá trình quản lý COPDC.
Liều dùng cũng như loại thuốc sử dụng cần dựa trên các hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp trẻ bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Việc tuân thủ theo đúng chỉ định điều trị của bác sĩ là rất quan trọng để đạt được lợi ích tối đa khi chăm sóc trẻ bị COPD.
Việc kiểm soát lâm sàng COPDC phải được đánh giá bằng sự giảm các triệu chứng suy giảm hô hấp, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm khả năng mất chức năng phổi và tổn thương cấu trúc phổi.
Đối với hầu hết các trường hợp trẻ bị mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, cần được theo dõi thường xuyên tại các trung tâm y tế để có thể đánh giá chính xác hiệu quả của quá trình điều trị, từ đó có thể thay đổi phương pháp kịp thời nhằm hạn chế diễn tiến xấu của bệnh.
Nguồn tham khảo: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S2255553615001251
https://www.mottchildren.org/health-library/hw32559