Hướng dẫn cách tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ tại nhà

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nội Tổng hợp
Hướng dẫn cách tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ tại nhà
Trĩ là căn bệnh phổ biến, xảy ra ở mọi đối tượng. Bạn hoàn toàn có thể tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ tại nhà nếu có nghi ngờ. Việc kiểm tra và phát hiện sớm sẽ mang lại nhiều lợi ích trong điều trị.

1. Ai nên kiểm tra nguy cơ bị trĩ?

- Nguy cơ lớn nhất gây ra bệnh trĩ chính là việc rặn nhiều khi đi đại tiện. Động tác rặn đã khiến cho các tĩnh mạch ở trực tràng và hậu môn phải chịu 1 áp lực rất lớn, gây đau và sưng. Nếu việc này lặp đi lặp lại trong thời gian dài sẽ khiến cho trực tràng bị mất đàn hồi, sưng đau mãn tính, hình thành nên các búi trĩ. Do vậy, nếu bạn thường xuyên bị táo bón, khó đi tiêu, phải rặn và dùng nhiều lực khi đi vệ sinh thì cần cảnh giác với bệnh trĩ.

- Việc ngồi trong thời gian dài cũng gây áp lực lên vùng hậu môn, lâu dần dẫn đến bệnh trĩ. Nếu bạn là nhân viên văn phòng, tài xế lái xe, những người làm công việc phải ngồi cả ngày, thì nên thường xuyên tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ để phát hiện bệnh sớm nhất.

- Nếu bạn bị mắc các bệnh thuộc vùng hậu môn và trực tràng như viêm hậu môn, viêm trực tràng, viêm ruột,... thì các mô xung quanh hậu môn rất dễ bị ảnh hưởng và hình thành các búi trĩ. 

Do vậy, nếu bị mắc các căn bệnh trên, bạn có thể tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ tại nhà để loại bỏ nguy cơ, hoặc hỏi bác sĩ trong mỗi lần đi khám bệnh định kỳ.

- Phụ nữ đang mang thai, người béo phì cũng nên tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ thường xuyên.

2. Hướng dẫn tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ tại nhà

- Bệnh trĩ là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng. Do vậy, để tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ thì bạn cần tìm các tĩnh mạch bị sưng. Các tĩnh mạch bị sưng và mất đàn hồi chính là các búi trĩ. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, các búi trĩ chưa rõ ràng, mà chỉ có hiện tượng chảy máu khi đi vệ sinh. Bạn có thể tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ tại nhà bằng cách quan sát phân và giấy vệ sinh sau mỗi lần đi đại tiện, xem chúng có dính máu hay không.

Tuy nhiên trĩ không phải là nguyên nhân duy nhất gây ra chảy máu khi đi đại tiện. Bạn nên đi khám và nội soi trực tràng để xác định nguyên nhân chính xác nhất.

- Hậu môn thường xuyên ẩm ướt, ngứa ngáy và đau rát, cảm giác đi tiêu không hết, cũng là dấu hiệu mà mọi người nên chú ý, bởi nó có thể cảnh báo bệnh trĩ đang bắt đầu manh nha.

- Từ giai đoạn 2, các búi trĩ đã hình thành rõ ràng hơn, việc tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ sẽ rõ ràng hơn. Khi dùng tay sờ nắn, bệnh nhân có thể cảm nhận được vùng xung quanh hậu môn bị sưng tấy lên, hoặc có 1 búi trĩ nhỏ lòi ra khỏi hậu môn. 

Với trĩ ngoại, các búi trĩ nằm thường trực ngoài hậu môn, ngoằn nghèo và sưng phồng lên, khi dùng tay ấn nhẹ thì chúng có thể xẹp xuống. Với trĩ nội, bạn có thể thấy các búi trĩ sa ra ngoài hậu môn khi đi đại tiện, sau đó có thể tự co lại vào trong.

Vì hậu môn là vị trí khuất, nên việc tự kiểm tra dấu hiệu bệnh trĩ có thể mơ hồ. Người nhà bệnh nhân có thể giúp đỡ nhận biết búi trĩ bằng cách yêu cầu bệnh nhân ngồi xổm, chống tay, chổng mông lên, để lộ toàn bộ vùng hậu môn. Người nhà quan sát kỹ vùng hậu môn để phát hiện sưng tấy, đỏ, viêm nhiễm, hoặc búi trĩ thò ra. Người nhà có thể banh mép hậu môn và yêu cầu bệnh nhân rặn mạnh để có thể quan sát các búi trĩ rõ ràng hơn.

Các búi trĩ có thể có kích thước, hình dạng và màu sắc khác nhau. Thông thường các búi trĩ có màu như màu da quanh vùng hậu môn. Nếu nhận thấy các búi trĩ có màu đỏ thẫm, tím sẫm hoặc đen thì là dấu hiệu của bệnh trĩ thuyên tắc, vô cùng nguy hiểm, bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để điều trị chuyên khoa.


Tác giả: Minh Vy