Buồn nôn sau khi ăn là vấn đề tiêu hóa tương đối phổ biến trên thực tế. Hiện tượng này gây nên nhiều sự khó chịu cho người mắc, khiến họ cảm thấy lo lắng về tình trạng sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, đâu là nguyên nhân và cách trị buồn nôn sau khi ăn hiệu quả nhất lại là điều mà chưa nhiều người biết.
Các nguyên nhân từ hệ tiêu hóa là những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng buồn nôn sau khi ăn. Chẳng hạn có thể kể đến như:
- Buồn nôn sau khi ăn do sự phản ứng của cơ thể đối với chế độ ăn uống kém khoa học, không điều độ,... gây tổn thương hoặc kích thích dạ dày.
- Sử dụng các loại thực phẩm mà cơ thể không dung nạp, các loại thực phẩm gây dị ứng hoặc bị ngộ độc thực phẩm,... cũng là những nguyên nhân gây tình trạng buồn nôn sau khi ăn.
- Buồn nôn sau khi ăn là triệu chứng thường gặp của các bệnh lý dạ dày như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản,...
Một số bệnh lý đường tiêu hóa khác ít gặp hơn cũng có thể làm xuất hiện triệu chứng buồn nôn sau khi ăn như bệnh túi mật, hội chứng ruột kích thích, bệnh viêm tụy, viêm ruột thừa,...
Ngoài những nguyên nhân từ hệ tiêu hóa, buồn nôn sau khi ăn cũng có thể là dấu hiệu bất thường của một số vấn đề khác nhau xuất phát từ ngoài hệ tiêu hóa như:
- Buồn nôn sau khi ăn do tình trạng ốm nghén trong các tháng đầu của thai kỳ.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị bệnh (thuốc kháng sinh, giảm đau, hóa chất) có thể khiến người bệnh gặp phải tình trạng buồn nôn sau khi ăn.
Đọc thêm:
+ Đi tiểu mà gặp 5 vấn đề này tuyệt đối không nên chủ quan
+ Tác dụng của lá tía tô với bà bầu: Giảm ốm nghén không phải tác dụng duy nhất
- Nhiễm trùng đường tiết niệu không chỉ gây các biểu hiện tiểu đục, tiểu buốt, tiểu rắt, đau bụng,... mà cũng có thể gây nên buồn nôn.
- Trong một số bệnh lý thần kinh như tăng áp lực nội sọ, viêm màng não, chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não,... thì buồn nôn là một biểu hiện rất thường gặp.
Mức độ nguy hiểm của tình trạng buồn nôn sau khi ăn hoàn toàn phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên nó là gì.
Buồn nôn sau khi ăn sẽ không quá mức nguy hiểm nếu các nguyên nhân gây nó là do chế độ ăn uống kém khoa học, sử dụng các loại thức ăn cơ thể không dung nạp được, hội chứng ruột kích thích,...
Nhưng khi tình trạng này diễn ra kéo dài hoặc dữ dội, không cải thiện sau khi đã áp dụng các biện pháp khắc phục thông thường thì đây rất có thể là dấu hiệu cảnh báo cho một bệnh lý nào đó đang diễn ra.
Nếu các bệnh lý gây nên buồn nôn sau khi ăn là các tình trạng bệnh lý mãn tính, vấn đề điều trị có thể được trì hoãn một cách tương đối tùy thuộc vào tình hình thực tế. Tuy nhiên nếu là do các tình trạng cấp tính gây nên như viêm tụy cấp, viêm ruột thừa, viêm túi mật,... thì thậm chí các nguyên nhân này có thể gây đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Trong trường hợp người bệnh chỉ bị buồn nôn sau khi ăn ở mức độ nhẹ, không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác thì cách trị buồn nôn sau khi ăn có thể được bắt đầu với các biện pháp can thiệp vào chế độ sinh hoạt.
- Thực hiện chế độ ăn uống khoa học, đúng giờ. Đồng thời có chế độ nghỉ ngơi hợp lý sau khi ăn, tránh việc nằm ngay, hoặc vận động mạnh ngay sau khi ăn.
- Ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế sử dụng các thực phẩm mà cơ thể không dung nạp được.
- Có thể tăng cường sử dụng các loại thức ăn giàu tinh bột như bánh quy, bánh mì để hấp thu bớt acid trong dịch vị, uống một tách trà gừng sau mỗi bữa ăn để làm dịu dạ dày,... đều là những biện pháp giúp giảm nhẹ triệu chứng buồn nôn sau khi ăn.
Khi các trường hợp buồn nôn sau ăn kéo dài nhiều ngày, không đáp ứng với những thay đổi sinh hoạt, hoặc hiện tượng này đi kèm với những dấu hiệu nguy hiểm thì sự can thiệp bằng các điều trị y tế thực thụ là điều cần thiết.
Do gây nên bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, nên cách trị buồn nôn sau khi ăn ở người bệnh cũng có thể thay đổi rất đa dạng. Phương pháp điều trị thích hợp sẽ được đưa ra sau khi đã thực hiện đầy đủ các xét nghiệm, thăm khám cần thiết.
Một số trường hợp mà người bệnh buồn nôn sau khi ăn nên được đưa đến bệnh viện ngay lập tức bao gồm có máu trong dịch nôn, buồn nôn có kèm theo tiêu chảy hoặc sốt, đau bụng dữ dội, buồn nôn và nôn mửa lặp lại nhiều lần, đau đầu, chóng mặt,...
Trên đây là những thông tin sơ lược về tình trạng buồn nôn sau khi ăn, cùng với hướng dẫn cách trị buồn nôn sau khi ăn mà người bệnh cần biết. Nếu còn có các thắc mắc liên quan, hãy liên hệ với bác sĩ để được giải đáp đầy đủ hơn.