Hướng dẫn cách thiết lập chế độ ăn cho người tiểu đường

Hướng dẫn cách thiết lập chế độ ăn cho người tiểu đường
Chế độ ăn cho người tiểu đường có ý nghĩa rất quan trọng với tiến triển bệnh và hiệu quả của điều trị. Vì vậy, trong quá trình chăm sóc bệnh nhân tiểu đường cần có các hiểu biết đầy đủ để có thể xây dựng chế độ ăn đúng đắn cho bệnh nhân tiểu đường.

Chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường là một nội dung rất quan trọng của điều trị bệnh tiểu đường. Thiết lập chế độ ăn cho người tiểu đường bao gồm xây dựng theo nguyên tắc, cân đối thực đơn theo chỉ số GI của thực phẩm,...

1. Vì sao cần thực hiện tốt chế độ ăn cho người tiểu đường?

Như đã nói, chế độ ăn có vai trò rất lớn trong điều trị bệnh tiểu đường. Một chế độ ăn cho người tiểu đường đúng cách có thể đem lại nhiều lợi ích như:

- Hỗ trợ quá trình kiểm soát đường huyết

Chỉ số đường huyết trong cơ thể là kết quả của sự cung cấp đường và tiêu thụ đường. Do đó, một chế độ ăn hợp lý sẽ tác động lên nguồn đường nhập vào cơ thể, từ đó giúp cho quá trình điều chỉnh đường huyết diễn ra hiệu quả hơn. Người ta nhận thấy rằng, chỉ số HbA1C có thể giảm đi từ 1-2% ở bệnh nhân tiểu đường có chế độ ăn hợp lý.

- Duy trì cân nặng hợp lý

Các bệnh nhân đái tháo đường type 2 bị béo phì có xu hướng đề kháng insulin nhiều hơn, khiến cho đường huyết khó được kiểm soát hơn. Giảm cân ở mức độ hợp lý với một chế độ ăn cho người tiểu đường đúng cách có thể làm giảm bớt tình trạng đề kháng insulin của cơ thể.

- Cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động hàng ngày

Việc kiêng khem quá mức, sử dụng mất cân đối các nhóm thực phẩm trong chế độ ăn có thể khiến bệnh nhân tiểu đường bị thiếu hụt năng lượng cho các hoạt động thường ngày.

Do vậy, chế độ ăn uống đúng cách còn giúp người bệnh tiểu đường đủ nặng lượng để duy trì được các hoạt động bình thường trong trạng thái tốt nhất có thể.

- Làm chậm xuất hiện các biến chứng

Nhờ vào hiệu quả hỗ trợ kiểm soát đường huyết, kiểm soát cân nặng,... mà chế độ ăn hợp lý cũng góp phần không nhỏ vào việc làm chậm xuất hiện các biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường như biến chứng tim mạch, biến chứng thận,...

Tìm hiểu cách thiết lập chế độ ăn cho người tiểu đường - Ảnh 1.

Chế độ ăn cho người tiểu đường được xây dựng đúng đắn có nhiều vai trò quan trọng đối với sự tiến triển của bệnh và hiệu quả của điều trị (Ảnh: Internet)

2. Các nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn cho người tiểu đường

Để đảm bảo có thể xây dựng một chế độ ăn hợp lý cho người tiểu đường, trước tiên ta cần đảm bảo một số nguyên tắc nhất định như sau:

- Bữa ăn cho bệnh nhân phải được chế biến từ các loại thực phẩm bao gồm tất cả các nhóm dinh dưỡng như chất đường, chất đạm, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất. Khi lựa chọn thực phẩm cần phải chọn thực phẩm một cách đa dạng, tránh gây nhàm chán với việc ăn uống. Riêng thành phần bột đường trong bữa ăn của bệnh nhân cần được sử dụng ổn định, tránh tăng hoặc giảm đột ngột gây khó kiểm soát đường huyết.

- Số lượng thức ăn sử dụng nên nằm ở mức vừa đủ với nhu cầu của cơ thể, tránh ăn quá ít gây thiếu năng lượng hoặc ăn quá nhiều dẫn đến khó kiểm soát đường huyết.

- Các bữa ăn nên được chia nhỏ thành nhiều lần sử dụng trong ngày, điều này sẽ giúp mức đường huyết trong máu ổn định hơn. Ăn quá no và khoảng cách giữa các bữa ăn quá xa nhau đều không phải là yếu tố có lợi cho kiểm soát đường huyết.

- Khi chế biến thức ăn cho người tiểu đường, nên lựa chọn các phương pháp chế biến thanh đạm như luộc, nấu canh,... Tránh sử dụng các cách chế biến quá nhiều dầu mỡ như chiên, xào và đồng thời cũng không nên hầm như hay xay nhuyễn thức ăn.

Vậy Bệnh nhân tiểu đường có ăn cơm được không? Ăn như thế nào?

3. Các thành phần cơ bản trong chế độ ăn cho người tiểu đường

3.1. Chất bột đường

Chất bột đường là nguồn năng lượng quan trọng hàng đầu của cơ thể và là nhóm thực phẩm có ảnh hưởng lớn nhất đến đường huyết, có thể xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm như cơm, bún, phở, bánh mì, khoai tây, trái cây, sữa, đường,...

Tuy nhiên, bị tiểu đường không có nghĩa là bệnh nhân phải kiêng sử dụng đường hoàn toàn. Điều này là rất nguy hiểm bởi khi thiếu hụt năng lượng do hạ đường nghiêm trọng, cơ thể sẽ tăng phân giải lipd để lấy năng lượng và rất dễ gây nên hậu quả là toan ceton máu.

Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm soát lượng bột đường sử dụng trong chế độ ăn cho người tiểu đường ở một mức độ hợp lý để vừa có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể vừa không gây thay đổi quá lớn lên chỉ số đường huyết.

Theo các khuyến cáo hiện nay, lượng bột đường sử dụng trong bữa ăn của người tiểu đường nên chiếm từ 45% tổng năng lượng của bữa ăn trở lên. Và nếu như lượng bột đường trong bữa ăn được cung cấp chủ yếu từ các loại thực phẩm có hàm lượng đường thấp, nhiều chất xơ thì lượng đường mà bệnh nhân sử dụng có thể chiếm tới 55-60% tổng năng lượng của bữa ăn.

Các loại thực phẩm chứa bột đường được khuyên sử dụng cho cho bệnh nhân tiểu đường là các thực phẩm ở dạng thô, chứa nhiều chất xơ, hoặc có chỉ số đường thấp như các loại hạt nguyên cám, các loại hạt, các loại củ hoặc trái cây,... Người bệnh cần tránh sử dụng các thực phẩm chứa đường tinh luyện như nước ngọt, siro, nước ép trái cây,...

Tìm hiểu cách thiết lập chế độ ăn cho người tiểu đường - Ảnh 2.

Nên sử dụng các loại thực phẩm bột đường ở dạng thô trong chế độ ăn cho người tiểu đường (Ảnh: Internet)

3.2. Chất đạm

Chất đạm cũng là một nhóm thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong chế độ ăn cho người tiểu đường. Người ta chứng minh được rằng, chế độ ăn với lượng protein hạn chế, đồng thời có sự thay thế protein có nguồn gốc thực vật thành protein có nguồn gốc thực vật giúp cải thiện HbA1C, đường huyết lúc đói ở bệnh nhân,...

Đọc thêm:

Chỉ số HbA1C là gì?

Các xét nghiệm tiểu đường cần biết

Ngoài ra, chế độ ăn hạn chế insulin ở bệnh nhân bị biến chứng thận do đái tháo đường sẽ làm giảm protein niệu, giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân.

Lượng protein được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường hằng ngày nên chiếm từ 15-35% tổng năng lượng trong khẩu phần ăn. Hoặc cũng có thể tính lượng protein cần thiết qua số kg cân nặng của cơ thể với mức 0,8-1,2 g/kg/ngày đối với người trưởng thành, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc bệnh thận do đái tháo đường thì nên giảm lượng protein tiêu thụ xuống còn dưới 0,6g/kg/ngày.

Protein có nguồn gốc từ thịt trắng như cá, gà, hải sản và protein có nguồn gốc từ thực vật được khuyến cáo ưu tiên sử dụng hơn so với các loại protein có nguồn gốc thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt dê,...

3.3. Chất béo

Chất béo là nhóm dinh dưỡng có khả năng cung cấp nguồn năng lượng cao, mỗi 1g chất béo cho phép cung cấp đến 9kcal, gấp đôi so với bột đường hay chất đạm. Ngoài ra, người ta cũng chứng minh được, chế độ ăn với hàm lượng chất béo hợp lý có thể giúp hạn chế đáng kể các nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường.

Do vậy, chất béo là một thành phần không thể thiếu trong chế độ ăn cho người tiểu đường, nên chiếm từ 15-35% tổng năng lượng khẩu phần của bệnh nhân.

Tuy nhiên, làm thế nào để có thể sử dụng chất béo hợp lý cho bệnh nhân tiểu đường lại là điều không hề dễ dàng. Các khuyến cáo hiện nay cho rằng:

- Chất béo bão hòa (có nguồn gốc từ thịt, bơ, trứng, sữa, dầu cọ, dầu dừa) là những chất béo nên giảm tỷ trọng trong tổng khẩu phần chất béo sử dụng, chỉ nên chiếm nhỏ hơn 10%.

- Chất béo không bão hòa (có nguồn gốc dầu thực vật, mỡ cá,...) là những chất béo nên được tăng cường sử dụng, nên chiếm từ 20% trở lên.

- Chất béo chuyển hóa (có nguồn gốc từ thực phẩm chiên, rán, sữa béo, da động vật) là những loại chất béo không tốt và nên sử dụng hạn chế nếu có thể.

3.4. Chất xơ

Mặc dù chất xơ không đóng góp năng lượng cho bệnh nhân tiểu đường, nhưng nó lại có nhiều ý nghĩa rất tích cực với sự cải thiện sức khỏe của người bệnh. Các lợi ích của việc cung cấp chất xơ đầy đủ trong chế độ ăn cho người tiểu đường có thể kể đến như làm chậm hấp thu đường bột trong thức ăn, làm chậm hấp thu chất béo, làm mềm phân và hỗ trợ tiêu hóa, giảm nguy cơ ung thư ruột, và giảm các nguy cơ biến chứng tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường,...

Ngoài ra, ngoài là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào thì các loại rau củ cũng có khả năng cung cấp các loại vitamin và khoáng chất rất đa dạng cho người bệnh.

Các tính toán cho thấy rằng, bình quân cứ 100g rau củ sẽ có khả năng cung cấp 4,4g chất xơ và lượng chất xơ cần thiết hàng ngày cho nam là 31g và cho nữ là 25g. Để đơn giản, ta có thể ước tính lượng rau củ sử dụng hằng ngày bằng cách áp dụng phương pháp hai bàn tay, nghĩa là lượng rau củ được sử dụng cho một bữa ăn chính nên được nắm chặt trong hai bàn tay.

Có thể bạn quan tâm: Những thực phẩm giàu chất xơ có sẵn trong bếp nhà bạn.

Tìm hiểu cách thiết lập chế độ ăn cho người tiểu đường - Ảnh 3.

Bổ sung chất xơ trong chế độ ăn cho người tiểu đường có nhiều lợi ích khác nhau (Ảnh: Internet)

3.5. Sử dụng muối và các chất tạo ngọt trong chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường

- Muối: Sử dụng muối có thể làm tăng vị đậm đà của món ăn, tăng cảm giác ngon miệng,... Nhưng nếu dùng muối quá nhiều sẽ gây các ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe của bệnh nhân tiểu đường, đặc biệt là biến chứng thận hay các biến chứng liên quan đến tim mạch. Do đó, nên giới hạn lượng muối sử dụng cho bệnh nhân ở mức dưới 6g/ngày.

- Chất tạo ngọt: Bệnh nhân tiểu đường được khuyên nên sử dụng các loại chất tạo ngọt thay thế để thay cho việc sử dụng đường. Những chất này có khả năng tạo ra vị ngọt cần thiết cho món ăn nhưng lại không gây ảnh hưởng đến đường huyết của người bệnh. Các loại chất tạo ngọt thường hay được sử dụng cho bệnh nhân tiểu đường như đường Aspatam, Sweet one,...

Tuy nhiên do độ ngọt cao gấp 200-400 lần đường thông thường nên người dùng chỉ nên sử dụng một lượng rất nhỏ mỗi lần. Đồng thời các chất này không bền với nhiệt độ, vì thế không đun nấu ở nhiệt độ cao.

4. Cách ước lượng đơn giản các nhóm thực phẩm trong khẩu phần ăn của bệnh nhân tiểu đường

Để ước lượng đơn giản khối lượng các nhóm thực phẩm được sử dụng để chế biến khẩu phần ăn cho bệnh nhân tiểu đường thì phương pháp hay được sử dụng là nguyên tắc 1/4 đĩa áp dụng với đĩa thức ăn có đường kính 25cm. Cụ thể, tỷ lệ các nhóm thức ăn như sau:

- Rau, củ: Các loại rau củ nên chiếm khoảng 2/4 đĩa (tức khoảng 50% kích thước đĩa thức ăn).

- Các loại thực phẩm bột đường nên chiếm 1/4 đĩa thức ăn.

- Các loại thực phẩm chứa chất đạm nên chiếm 1/4 đĩa thức ăn.

- Chỉ nên dùng một muỗng chất béo trong mỗi bữa ăn cho bệnh nhân tiểu đường.

5. Phân bổ các bữa ăn của bệnh nhân tiểu đường trong ngày

Như đã nói, trong chế độ ăn cho người tiểu đường thì các bữa ăn nên được chia nhỏ để sử dụng nhiều lần trong ngày. Việc chia nhỏ các bữa ăn của bệnh nhân sẽ giúp đường huyết trong máu ổn định hơn, tránh cho đường huyết tăng cao sau một bữa ăn no quá mức.

Tìm hiểu cách thiết lập chế độ ăn cho người tiểu đường - Ảnh 4.

Nên chia nhỏ các bữa ăn trong chế độ ăn cho người tiểu đường (Ảnh: Internet)

Hiện nay, lời khuyên cho các bệnh nhân tiểu đường là mỗi ngày nên duy trì 3 bữa chính và có từ 2-3 bữa ăn phụ, trong đó:

- Các bữa chính: 3 bữa ăn chính của bệnh nhân là các bữa ăn sáng, ăn trưa và ăn tối. Bữa ăn sáng nên chứa khoảng 600kcal, còn hai bữa ăn trưa và tối nên chứa khoảng 700kcal/mỗi bữa.

- Các bữa ăn phụ: Nên có từ 2-3 bữa ăn phụ hằng ngày cho bệnh nhân tiểu đường vào các thời điểm giữa buổi sáng, giữa buổi chiều và ăn đêm. Năng lượng được khuyến cáo cho một bữa ăn phụ đúng khoảng 150kcal.

Qua đây có thể thấy rằng, chế độ ăn cho người tiểu đường có ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến triển của bệnh và hiệu quả của điều trị. Tuy nhiên, để xây dựng được một chế độ ăn cho người tiểu đường hợp lý và đúng đắn thì lại là điều không hề dễ dàng. Do đó, hãy tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để có thể được tư vấn chính xác và đầy đủ nhất.

Nguồn dịch: https://guidelines.diabetes.ca/browse/Chapter11


Tác giả: QN