Hướng dẫn cách phân biệt viêm VA và viêm họng

Hướng dẫn cách phân biệt viêm VA và viêm họng
Viêm VA và viêm họng đều là những bệnh lý liên quan tới đường hô hấp. Một số triệu chứng ban đầu của viêm VA và viêm họng giống nhau nên có thể gây nhầm lẫn. Vậy phân biệt viêm VA và viêm họng như thế nào?

Viêm VA và viêm họng là những bệnh lý khác nhau tuy nhiên dễ gây nhầm lẫn do các triệu chứng ban đầu khá giống nhau. Vậy làm thế nào để phân biệt viêm VA và viêm họng?

1. Tìm hiểu chung về viêm VA và viêm họng

Viêm VA là tình trạng viêm tổ chức lympho ở vòm họng - Vegetations Adenoides. Bệnh lý diễn ra khi vi khuẩn, virus tấn công vào hệ thống VA này. Đối với điều trị viêm VA cấp tính, chủ yếu tập trung vào việc điều trị và làm giảm triệu chứng như hạ sốt, giảm đau họng, thông mũi, ... Nếu viêm VA thuộc dạng mãn tính, ngoài việc sử dụng thuốc, nạo VA có thể được chỉ định.

Một số biến chứng nguy hiểm nếu như không điều trị viêm VA kịp thời và đúng cách như: bít tắc khí quản, viêm phế quản, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm tai giữa, trẻ chậm phát triển, ...

Viêm họng cũng là bệnh lý do vi khuẩn, virus xâm nhập, chẳng hạn  virus cảm lạnh, cảm cúm thông thường, các bệnh nhiễm virus gây ra như COVID-19 hoặc vi khuẩn Streptococcus, ... Viêm họng có nhiều loại như viêm họng thông thường, viêm họng hạt, viêm họng bạch hầu, viêm họng xung huyết, viêm họng cấp, viêm họng liên cầu khuẩn, … Tuy nhiên, tình trạng viêm họng thường gặp nhất là viêm họng thông thường.

Viêm họng thường không quá nguy hiểm nhưng cũng có thể gây ra một vài biến chứng như: viêm xoang, viêm tấy quanh họng, viêm tấy amidan, áp xe thành sau cổ họng, biến chứng liên quan đến tim, thận, khớp. 

Hướng dẫn cách phân biệt viêm VA và viêm họng - Ảnh 2.

Viêm VA và viêm họng đều xảy ra do vi khuẩn hoặc virus tấn công (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Đau họng khi nào thì uống kháng sinh?

Trẻ bị sổ mũi kéo dài, mãi không khỏi cha mẹ nên làm gì?

2. Phân biệt viêm VA và viêm họng

Viêm VA và viêm họng đều là những loại bệnh liên quan tới đường hô hấp. Cả 2 bệnh này sẽ gây ra các triệu chứng ban đầu có thể giống nhau như đau họng, khó thở, nghẹt mũi, ho, sốt. Tuy nhiên, 2 bệnh lý có những triệu chứng điển hình mà mọi người có thể dựa vào để phân biệt.

2.1. Triệu chứng điển hình viêm VA

- Thường gây nghẹt mũi, khó thở, thở bằng miệng

- Nước mũi chảy nhiều, ban đầu có thể là nước mũi trong, sau đó sẽ đục dần, nếu để lâu ngày nước mũi có thể chuyển thành màu xanh hoặc vàng.

- Sốt cao từ 38 đến 39 độ C

- Xuất hiện khối VA tăng to về kích thước, khiến chèn ép vào đường thở dẫn tới tình trạng khó thở

- Cơ thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, ho khi tình trạng kéo dài

- Có thể xuất hiện tình trạng rối loạn tiêu hóa

Hướng dẫn cách phân biệt viêm VA và viêm họng - Ảnh 3.

Trẻ bị viêm VA thường nghẹt mũi nên khi ngủ thường thở bằng mồm và ngủ ngáy (Ảnh: Internet)

2.2. Triệu chứng điển hình của viêm họng

Mặc dù có nhiều loại viêm họng, tuy nhiên nhìn chung về các dấu hiệu thông thường của viêm họng bao gồm:

- Có cảm giác đau rát họng, mức độ đau nhiều hơn khi ăn uống, nuốt đồ ăn

- Cảm giác rất khó khăn khi nuốt, kể cả với chất lỏng (thức uống)

- Có hiện tượng thay đổi giọng nói, nói tiếng bị khàn

- Có thể bị sốt, nhiệt độ sốt từ vừa tới cao

- Mới đầu có thể là tình trạng ho khan, sau đó lâu dần có thể chuyển sang ho đờm

- Đau đầu, cơ thể mệt mỏi, uể oải

- Cũng có thể xuất hiện tình trạng nôn trớ

Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác nhất, mọi người nên đến bệnh viện để được thăm khám và làm các xét nghiệm (nếu có).

3. Điều trị viêm VA và viêm họng có giống nhau không?

Viêm VA và viêm họng có những phương pháp điều trị khác nhau nên việc chẩn đoán chính xác là điều quan trọng để giúp người bệnh được điều trị nhanh chóng, hiệu quả.

3.1. Điều trị viêm VA

Để điều trị viêm VA cần dựa vào tình trạng và mức độ của bệnh lý.

Nếu người bệnh bị viêm VA cấp tính thường được chỉ định dùng các loại thuốc như thuốc hạ sốt, thuốc long đờm, kháng viêm, nhỏ mũi, kháng sinh (được dùng trong các trường hợp nhiễm khuẩn). Bên cạnh đó có thể kết hợp cùng với các biện pháp tại nhà như vệ sinh mũi họng thường xuyên, uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, ... 

Nếu người bệnh bị viêm VA mãn tính và tái phát nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thì có thể được chỉ định nạo VA.

Hướng dẫn cách phân biệt viêm VA và viêm họng - Ảnh 4.

Viêm VA tái phát nhiều lần và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của người bệnh thì nạo VA có thể được chỉ định (Ảnh: Internet)

3.2. Điều trị viêm họng

Đối với tình trạng viêm họng thông thường, người bệnh dễ dàng cải thiện các triệu chứng bằng một số biện pháp tại nhà như:

- Súc miệng bằng nước muối ấm 2 lần/ngày

- Uống nước ấm hoặc nước mật ong, chanh gừng, … để làm dịu cơn đau họng.

- Dùng siro hoặc kẹo ngậm

- Có thể dùng thuốc theo đơn của bác sĩ nếu như tình trạng lâu ngày không thuyên giảm hoặc bạn cần điều trị nhanh, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol), Ibuprofen (Advil, Motrin), aspirin (không dùng cho trẻ em), …

Ngoài ra, nếu bạn bị viêm họng do liên cầu khuẩn, kháng sinh được chỉ định trong quá trình điều trị. Những loại thuốc này ức chế sự lây lan của vi khuẩn và nhiễm trùng. 

Nếu bạn bị viêm họng do các nguyên nhân phức tạp khác, nên đến bệnh viện thăm khám và điều trị theo chỉ định từ bác sĩ.

Nhìn chung, viêm VA và viêm họng có một số triệu chứng lâm sàng dễ gây nhầm lẫn nhưng cũng có thể phân biệt qua độ tuổi, một số triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác, các bạn vẫn nên đến bệnh viện kiểm tra để có hướng điều trị phù hợp.


Tác giả: Nguyễn Lương