Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng các vảy trắng trên đầu chính là gàu, rằng bản thân đang bị gàu. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều khi đó không phải là bệnh gàu mà là do da đầu khô. Bài viết sau sẽ giúp bạn phân biệt da đầu khô và nhiều gàu với cái nhìn đầy đủ nhất.
Mặc dù da đầu khô và nhiều gàu đều có dấu hiệu da đầu bị kích ứng và cảm giác ngứa, có các mảnh da chết mỏng màu trắng rơi xuống, nhưng vẫn có sự khác biệt nhất định giữa hai tình trạng này.
Khi bị da đầu khô, các mảnh trắng sẽ không xuất hiện quá thường xuyên như khi bị gàu. Phần da đầu khi sờ ấn vào có thể có cảm giác đau, bong vảy và thậm chí là rụng tóc. Ngoài ra, khi da đầu khô thì bạn cũng sẽ nhận thấy các bộ phận khác của cơ thể chẳng hạn phần da chân, da tay cũng sẽ bị khô.
Khi bị gàu thường sẽ có những mảng gàu rụng lớn màu trắng vàng. Phần da đầu sẽ có màu đỏ và giống như bị bong vảy. Gàu sẽ xuất hiện ở đường chân tóc, dính trên tóc, rơi trên lông mày, thậm chí có thể xuất hiện ở trên đầu mũi, rơi xuống phần vai và sau lưng.
Nhiều người bị nhầm lẫn giữa da đầu khô và nhiều gàu (Ảnh: Internet)
Nguyên nhân gây ra tình trạng da đầu khô bao gồm:
- Độ ẩm trên da thấp, nhất là khi tiếp xúc với không khí lạnh, khô, môi trường lưu thông và điều hòa không khí kém đều sẽ dẫn đến da đầu khô.
- Sử dụng nước cứng và các loại dầu gội đầu nhiều hóa chất gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc mà da dầu bị khô là một phản ứng của cơ thể trước các sản phẩm chăm sóc tóc.
- Thói quen cá nhân khiến cơ thể mất nước, ăn uống không đúng cách, thiếu dinh dưỡng khiến mái tóc yếu và da đầu bị khô.
- Lo lắng và căng thẳng làm rối loạn hóc môn trong cơ thể, nội tiết tố thay đổi và ảnh hưởng đến da đầu.
Thói quen ít uống nước khiến da đầu và tóc bị khô (Ảnh: Internet)
Các nguyên nhân chính gây ra gàu có thể là do:
- Da đầu quá nhiều dầu.
- Do viêm da tiết bã ở những vùng có nhiều tuyến dầu.
- Không vệ sinh tóc kỹ khiến phần da đầu và tế bào da chết tích tụ trên da đầu và bong, rơi ra thành từng mảnh vảy trắng (gàu).
- Thay đổi hoặc sử dụng một sản phẩm chăm sóc tóc mới gây ra kích ứng.
Da đầu nhiều dầu, vệ sinh đầu tóc không sạch sẽ là những nguyên nhân gây ra gàu (Ảnh: Internet)
Để khắc phục và điều trị tình trạng da đầu khô, bạn có thể tham khảo những gợi ý sau đây:
- Có chế độ sinh hoạt, ngủ nghỉ điều độ, giữ cho tinh thần thoải mái, vui vẻ.
- Tăng cường các thực phẩm giàu vitamin B6, B12, kẽm và selen vào chế độ ăn uống thông qua việc ăn bổ sung rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
- Mát xa da đầu nhẹ nhàng với dầu dừa giúp cải thiện tình trạng da đầu khô rõ rệt.
- Uống nhiều nước để cung cấp đủ nước cho cơ thể, hỗ trợ thải độc và làm giảm tình trạng khô da.
Mát xa da đầu và uống nhiều nước là hai biện pháp chăm sóc da đầu khô (Ảnh: Internet)
- Gội đầu bằng nước chè xanh: Nước chè xanh là một chất khử trùng mạnh mẽ, có thể loại bỏ vi khuẩn gây gàu mà lại rất lành tính và dễ kiếm.
- Trị gàu bằng baking soda: Chà bột baking soda khắp da đầu sau đó gội sạch lại bằng nước (không dùng dầu gội đầu) sẽ làm nóng da đầu và loại bỏ được lượng dầu, bã nhờn dư thừa, lượng da chết trên da. Hơn nữa, bột baking soda cũng có tính chất kháng khuẩn sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng da dầu.
- Trị gàu bằng giấm táo: Giấm táo có tính axit sẽ tiêu diệt và ngăn không cho vi khuẩn gây gàu phát triển. Bạn trộn giấm táo với nước, xịt lên tóc và da đầu. Xoa bóp nhẹ cho ngấm vào da đầu và để trong 30 phút. Sau đó gội lại bằng nước sạch.
- Trị gàu bằng dầu dừa: Bạn chỉ cần mát xa da đầu với dầu dừa rồi ủ trong 30 phút đến 1 tiếng. Dầu dừa sẽ làm dịu và giảm đi sự viêm, đỏ da do gàu gây ra, đồng thời giúp cân bằng độ pH trên da đầu.
Giấm táo và baking soda có tác dụng trị gàu hiệu quả (Ảnh: Internet)
Hy vọng với các thông tin bài viết đã cung cấp bạn sẽ không còn nhầm lẫn cũng như nắm được cách phân biệt da đầu khô và nhiều gàu. Thêm vào đó là bỏ túi cho mình một số cách điều trị gàu và chăm sóc da đầu khô hiệu quả ngay tại nhà.