Trong giai đoạn đầu, người bệnh COPD có thể thường xuyên ho vào sáng sớm. Khi tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn, ho có thể kéo dài suốt cả ngày. Những cơn ho dai dẳng khiến người bệnh mệt mỏi, ngủ không ngon giấc, mất năng lượng, giảm sức đề kháng,... Áp dụng cách ho cho người bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính giúp bạn dễ dàng hơn trong việc hô hấp. Dưới đây là những hướng dẫn cụ thể.
Ho, tiết đờm và khó thở là những triệu chứng chính mà bệnh nhân COPD thường gặp phải. Khi bị COPD, phổi của người bệnh sẽ tạo ra các chất nhầy được gọi là đờm. Những cơn ho có tác dụng di chuyển đờm ra khỏi phổi thông qua đường hô hấp.
Đây cũng là phản ứng giúp loại bỏ các loại kích thích khi người bệnh hít vào phổi. Chẳng hạn như các chất kích thích có trong thuốc lá, thuốc lào, cần sa...Người bị COPD thường phải chịu đựng các cơn ho dai dẳng, kéo dài. Điều này khiến họ mất sức, mệt mỏi, ốm yếu.
Tình trạng ho dai dẳng thường xuyên xuất hiện ở người bệnh COPD do họ bị viêm phế quản mãn tính. Tức là đường hô hấp của họ thường xuyên bị kích ứng do hút thuốc, hít phải khói, bụi, môi trường bị ô nhiễm...
Sự kích ứng đường thở khiến cho việc hô hấp khó khăn. Các cơn ho dai dẳng giúp người bệnh dễ thở hơn một chút nhưng lại tiêu tốn quá nhiều năng lượng của họ.
Bệnh nhân COPD thường có sức khỏe yếu, ho quá nhiều khiến tình trạng khó thở tăng lên, gây lo lắng, mệt mỏi. Đôi khi khiến họ cảm thấy ngại ngùng giữa đám đông. Do đó để tiết kiệm năng lượng cho người bệnh COPD, thực hiện các phương pháp giảm ho đúng cách là cần thiết.
Cách ho cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính không chỉ giúp họ dễ thở hơn. Nó còn là liệu pháp điều trị giúp người bệnh tiết kiệm tối đa năng lượng.
Các chuyên gia gọi cách ho cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính là ho có kiểm soát. Đây là động tác ho hữu ích, giúp tống đờm ra ngoài, làm sạch đường hô hấp mà không khiến người bệnh bị mệt mỏi, khó thở.
Sức khỏe của bệnh nhân COPD rất kém không thể thực hiện các động tác khó. Họ cần có một luồng khí mạnh tích lũy từ phía sau chỗ ứ đọng đờm để đẩy chúng ra ngoài. Do đó, mục đích của ho có kiểm soát chính là lợi dụng các động tác ho để làm sạch đường thở.
Để việc ho đạt được kết quả tốt nhất bạn nên thực hiện theo kỹ thuật sau:
- Bước 1: Ngồi trên ghế hoặc mép giường, đặt cả hai chân xuống sàn nhà. Hơi nghiêng người về phía trước, thả lỏng cơ thể và thư giãn.
- Bước 2: Khoanh tay trước bụng, hít thở từ từ bằng mũi, chậm và sâu. Sau đó nín thở trong vào giây. Điều này sẽ tác động đến mức độ nặng, nhẹ của cơn ho.
- Bước 3: Người bệnh cúi về phía trước, ép cánh tay vào bụng. Ho mạnh 2 lần. Lần thứ nhất cơn ho giúp làm long đờm ra khỏi phổi. Lần thứ hai cơn ho sẽ đẩy đờm ra ngoài bằng đường miệng.
- Bước 4: Hít vào chậm, nhẹ nhàng qua mũi. Điều này giúp ngăn chất nhầy di chuyển ngược xuống đường hô hấp. Sau đó thở chúm môi vài lần trước khi lặp lại động tác.
Trước khi hướng dẫn cách ho cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính bạn cần lưu ý những điều sau:
- Tránh để bệnh nhân hít thở nhanh và sâu bằng đường miệng sau khi ho. Hơi thở vội vàng, gấp gáp có thể làm cản trở sự di chuyển của chất nhầy ra khỏi phổi gây ra những cơn ho không kiểm soát được.
- Uống từ 6 - 8 ly nước mỗi ngày nếu bác sĩ không yêu cầu bạn hạn chế uống nước. Uống nhiều nước sẽ làm loãng chất nhầy giúp việc thực hiện ho có kiểm soát dễ dàng hơn.
- Áp dụng kỹ thuật ho có kiểm soát sau khi bạn sử dụng thuốc giãn phế quản hoặc bất cứ khi nào thấy có đờm gây tắc ngăn đường thở.
Trên đây là cách ho cho bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính được các chuyên gia khuyến khích sử dụng. Tìm hiểu ngay để giúp người bệnh dễ dàng hơn trong việc điều trị.