Không phải tất cả các bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết đều cần nhập viện điều trị. Với những trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể được chỉ định điều trị và theo dõi tại nhà. Tuy nhiên, cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà như thế nào cho hiệu quả và an toàn lại là điều mà không phải ai cũng biết rõ.
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do virus dengue gây ra. Muỗi Aedes aegypti được biết đến là trung gian truyền bệnh chủ yếu của căn bệnh này, làm lây lan bệnh từ người mắc sốt xuất huyết sang người lành. Phần lớn các trường hợp mắc sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 4-10 ngày trước khi các biểu hiện triệu chứng đầu tiên bắt đầu khởi phát.
Với các trường hợp thông thường, bệnh sốt xuất huyết sẽ diễn tiến qua ba giai đoạn chính: giai đoạn sốt (từ ngày 1-2), giai đoạn nguy hiểm (từ ngày 3-7) và giai đoạn hồi phục (từ ngày 7-10). Trong đó, giai đoạn nguy hiểm là giai đoạn thường liên quan đến sự xuất hiện các biến chứng của bệnh như chảy máu, suy tạng, sốc sốt xuất huyết.
Đọc thêm:
- Sốt xuất huyết có ngứa không? Cách giảm ngứa khi bị sốt xuất huyết
- Bị sốt xuất huyết có gội đầu được không và những điều cần lưu ý
Không phải tất cả các bệnh nhân đều phải nhập viện để điều trị sốt xuất huyết, có thể dựa vào tình trạng sức khoẻ của người bệnh để quyết định hướng điều trị. Người bệnh chỉ được yêu cầu nhập viện khi thuộc các nhóm đối tượng sau đây:
- Người sống một mình hoặc có nơi sống xa cơ sở y tế.
- Gia đình người bệnh không có khả năng theo dõi sát tình trạng của bệnh nhân.
- Trẻ nhũ nhi dưới 24 tháng tuổi hoặc người già trên 60 tuổi.
- Người có thể trạng béo phì.
- Phụ nữ mang thai hoặc người có các bệnh lý nền mãn tính.
Khi người bệnh không thuộc các nhóm bệnh nhân này, bác sĩ có thể xem xét hướng dẫn cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà cho bệnh nhân. Điều trị tại nhà vừa giúp bệnh nhân có tâm lý thoải mái, giảm nguy cơ mắc các bệnh có khả năng lây nhiễm chéo khi nhập viện, giảm áp lực cho hệ thống y tế trong các đợt bùng phát mạnh của bệnh sốt xuất huyết.
Sốt là biểu hiện thường thấy nhất ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong những ngày đầu sau khi khởi phát, người bệnh có thể sốt cao, nhiều trường hợp lên sốt đến 40 độ, điều cần thiết lúc này là cần hạ sốt nhanh.
Với các trường hợp bệnh nhân chỉ bị sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, các phương pháp hạ sốt vật lý là những phương pháp được khuyến khích sử dụng. Người bệnh cần được cởi bỏ bớt quần áo, không đắp chăn mền, lau người bằng nước ấm (tại các vị trí như cổ, nách, bẹn),...
Thuốc hạ sốt chỉ được khuyến cáo sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với hạ sốt bằng phương phương pháp vật lý hoặc người bệnh sốt cao trên 38,5 độ C. Loại thuốc được khuyến khích sử dụng cho người bệnh sốt xuất huyết là paracetamol với liều từ 10-15mg/kg/ lần sử dụng và mỗi lần sử dụng phải cách nhau ít nhất từ 4-6 tiếng. Tổng lượng paracetamol sử dụng để hạ sốt cho bệnh nhân sốt xuất huyết không được vượt mức 4g/24h sẽ khiến gan bị tổn thương.
Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen,... không được khuyến cáo để hạ sốt trong cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà bởi chúng có liên quan đến tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu. Điều này làm gia tăng nguy cơ xuất huyết ở người bệnh.
Bệnh nhân sốt xuất huyết cần phải được bù dịch đúng cách bởi tình trạng tăng tính thấm thành mạch khiến dịch từ lòng mạch di chuyển ra các khu vực gian bào. Tuy nhiên hiện đang có nhiều sự ngộ nhận trong vấn đề bù dịch trong sốt xuất huyết khi cho rằng bệnh nhân luôn cần phải được truyền dịch.
Trên thực tế, với các bệnh nhân được hướng dẫn cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà thì việc bù dịch sẽ được tiến hành thông qua đường uống bằng các dung dịch như oresol, nước hoa quả,... Người bệnh tăng cường sử dụng các loại dung dịch này để bù đắp lại lượng dịch thiếu hụt.
Truyền dịch chỉ được áp dụng khi người bệnh không ăn uống được, nôn ói nhiều lần hoặc có dấu hiệu mất nước nặng,... Việc lạm dụng truyền dịch trong cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà khi không cần thiết khiến gia tăng nguy cơ biến chứng do tiêm truyền và cũng có thể gây tình trạng cơ thể đề kháng truyền dịch. Do đó, tuyệt đối không tự ý truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi điều trị bệnh tại nhà.
Ngoài vấn đề điều trị giảm nhẹ triệu chứng (hạ sốt, bù dịch) thì chế độ chăm sóc đúng trong cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà cũng có ảnh hưởng lớn đến sự bình phục của người bệnh.
- Dinh dưỡng: Bệnh nhân cần được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng với các nhóm dưỡng chất chính bao gồm chất dường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Trong đó cần tăng cường sử dụng các loại thực phẩm giàu vitamin bởi những thực phẩm này có tác dụng tăng cường sức bền thành mạch và làm tăng sức đề kháng ở bệnh nhân sốt xuất huyết.
Tránh sử dụng các loại thức ăn có màu đen hoặc đỏ cho người bệnh sốt xuất huyết. Bởi những loại thức ăn này gây khó khăn trong việc nhận biết xuất huyết tiêu hóa nếu có xảy ra.
- Vệ sinh cá nhân: Người bệnh sốt xuất huyết vẫn có thể tắm rửa, gội đầu,... để giữ vệ sinh cơ thể, tránh hiện tượng bội nhiễm do vệ sinh kém gây ra. Tuy nhiên cần lưu ý rằng chỉ tắm rửa bằng nước có độ ấm vừa phải, tắm rửa nhanh chóng, tránh động tác quá mạnh gây xuất huyết dưới da,...
Tất cả các bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại nhà đều cần phải theo dõi và kiểm tra hằng ngày tại cơ sở y tế. Tại đây, các thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm máu thường quy (chỉ số hct, men gan) sẽ được đánh giá. Nếu bệnh có xu hướng tăng nặng thì bệnh nhân sẽ được chỉ định nhập viện điều trị tiếp.
Cùng với đó, ngay khi bệnh nhân xuất hiện các vấn đề như nôn ói nhiều lần, đau bụng, lừ đừ, li bì, chảy máu,... thì người bệnh cũng cần phải được đưa ngay đến cơ sở y tế để điều trị dù chưa đến lịch tái khám. Bởi đây đều là những dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm, nếu không được chú ý điều trị tích cực thì có thể sẽ dẫn đến bệnh trở nặng.
Trên đây là hướng dẫn sơ lược về cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, người bệnh tuyệt đối chỉ tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà khi có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa sau khi đã thăm khám và đánh giá đầy đủ các yếu tố có liên quan.