Khi chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, cha mẹ cần hiểu rõ loại bệnh của trẻ và thực hiện các hướng dẫn chăm sóc dưới đây!
Trước khi tìm hiểu cách chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, các bậc cha mẹ nên phân biệt được tình trạng bệnh của trẻ. Thông thường bệnh trào ngược dạ dày sẽ chia làm hai dạng:
Trào ngược dạ dày thực quản dạng sinh lý là dạng bệnh trào ngược dạ dày xảy ra trong thời gian ngắn với suất ít. Trẻ có dấu hiệu trớ sữa nhiều lần tuy nhiên vẫn lên cân và không khó chịu. Trường hợp này thường xảy ra với trẻ dưới 1 tuổi. Hiện tượng này sẽ giảm dần theo thời gian.
Trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ em dạng bệnh lý xảy ra thường xuyên, nguy hiểm và kéo dài hơn. Trẻ có một số biểu hiện như ọc sữa, biếng ăn, chậm lên cân, gầy gò, khò khè kéo dài, viêm phổi... Ngoài ra, trẻ còn có thể có các dấu hiệu như khò khè, viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang, viêm tai, thiếu máu, mòn răng, thường xuyên sặc. Để xác định được nguyên nhân chính, cha mẹ nên cho trẻ thăm khám tại các bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn.
Việc chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản giúp trẻ giảm triệu chứng, giảm cảm giác khó chịu và hạn chế tình trạng bệnh tái phát thường xuyên. Cụ thể.
- Trẻ chưa ăn dặm (dưới 6 tháng tuổi): Mẹ nên cho trẻ bú nhiều lần, tăng số lần bú, rút ngắn khoảng cách giữa hai lần bú và giảm lượng sữa bú trong mỗi lần. Thời gian cho trẻ bú thích hợp nhất là 10 - 15 phút mỗi lần. Chú ý cho trẻ bú đúng tư thế, đầu cao hơn để hạn chế trào ngược sữa, ngậm bắt vú đúng để tránh hơi vào dạ dày. Mẹ nên đa dạng các thức ăn để sữa đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ bú.
- Trẻ lớn (trên 6 tháng): Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ ở trẻ như mỡ động vật, dầu thực vật, nội tạng động vật, nước uống có ga, cafein, socola... gây khó tiêu, dễ khiến trẻ nôn trớ. Đồng thời cha mẹ nên chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa hơn cho trẻ, hạn chế cho trẻ ăn quá nhiều mỗi lần. Khi trẻ uống sữa, nên pha sữa đặc hơn bằng cách cho bột gạo, bột ngũ cốc vào sữa. Hạn chế cho trẻ ăn tỏi, hành, thức ăn cay, các loại sốt, nước cam, bưởi, quýt.
Ngoài việc chú ý trong quá trình ăn uống, cha mẹ nên lưu ý chăm sóc trẻ ngoài bữa ăn bằng việc bế trẻ thẳng đứng khoảng 20 - 30 phút sau ăn, không cho trẻ nằm ngay sau ăn.
Không thay đổi tư thế của trẻ quá nhanh. Khi ngủ nên nằm ngửa, ngủ ở tư thế đầu cao, cho trẻ ngủ sau ăn khoảng 2-3 giờ hoặc hơn. Đồng thời, cha mẹ nên lưu ý không cho trẻ mặc quần áo quá chật, không quấn tã khiến trẻ dễ bị áp lực ổ bụng.
Khi trẻ có dấu hiệu nôn trớ, cha mẹ nên bế hoặc cho trẻ nghiêng về một bên. Sử dụng nước ấm để lau cơ thể cho trẻ, hút rửa mũi bằng các dụng cụ vệ sinh. Tránh để trẻ bị lạnh bằng việc dùng quần áo khô, tã bỉm. Sau đó, cho trẻ ăn lại hoặc bú sau ăn khoảng 30 phút.
Trong quá trình chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản, cha mẹ nên cho trẻ gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu nôn quá nhiều, chậm tăng cân, vấn đề về tai - mũi - họng, đường hô hấp...
Việc chăm sóc trẻ bị trào ngược dạ dày thực quản cần thực hiện cẩn thận, tìm hiểu loại bệnh và tình trạng bệnh của bé để có phương pháp điều trị kịp thời.