Hướng dẫn cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà hiệu quả tức thì

Hướng dẫn cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà hiệu quả tức thì
Chảy máu là hiện tượng bình thường sau khi tiến hành thủ thuật nhổ răng. Bỏ túi ngay những cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà hiệu quả tức thì dưới đây.

Chảy máu sau khi nhổ răng là vấn đề thường gặp và không gây nguy hiểm vì vết thương có thể tự cầm máu sau khoảng 30 - 60 phút. Tuy nhiên, nếu tình trạng chảy máu kéo dài thì cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để được xử lý kịp thời. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng chảy máu sau khi nhổ răng và cách cầm máu sau khi nhổ răng là gì?

1. Nguyên nhân gây ra chảy máu sau khi nhổ răng

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chảy máu sau khi nhổ răng. Theo các bác sĩ chuyên khoa, chảy máu sau khi nhổ răng có thể là rỉ máu kéo dài và chảy máu ồ ạt.

Cụ thể, nguyên nhân gây ra tình trạng rỉ máu kéo dài khi nhổ răng là:

- Răng có kích thước quá to, vết rạch nướu quá sâu và rộng khiến bệnh nhân bị đau nhức và hiện tượng chảy máu sẽ kéo dài lâu hơn.

- Bệnh nhân mắc bệnh nha chu và không được điều trị triệt để trước khi nhổ răng.

- Vận động mạnh, cười nói nhiều làm cục máu đông bị vỡ, vết thương trên nướu bị rách rộng hơn, gây ra chảy máu.

- Tác động của ngoại lực như vật nhọn làm tổn thương lỗ nhổ răng.

- Dắt thức ăn không được vệ sinh đúng cách có thể gây đau nhức, nhiễm trùng.

Ngoài ra, chảy máu sau khi nhổ răng còn do một số trường hợp đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình đông máu như những người thiếu vitamin C, phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt, bệnh giảm tiểu cầu, người bệnh đang bị u máu xương hàm…

Bật mí những cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà hiệu quả tức thì - Ảnh 1.

Chảy máu sau khi nhổ răng do nhiều nguyên nhân khác nhau - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

- Nhổ răng số 8 có đau không? Cần lưu ý gì khi nhổ răng số 8?

- Những điều cần biết về tình trạng có màng trắng sau khi nhổ răng

Còn hiện tượng chảy máu ồ ạt sau khi nhổ răng là do những nguyên nhân sau:

- Bác sĩ không cẩn thận làm trượt kìm, bẩy gây tổn thương đến nướu, hàm ếch, màng xương hoặc làm đứt mạch máu quanh răng, dẫn tới tình trạng chảy máu ồ ạt.

- Nhiễm trùng: Dụng cụ nha khoa không được khử trùng, hoặc vệ sinh răng miệng không sạch sẽ làm vi khuẩn phát triển thành sâu răng, hình thành ổ viêm gây ra tình trạng chảy máu kéo dài, nặng nhất là nhiễm trùng máu gây tử vong.

Cần lưu ý tình trạng chảy máu trong khoảng 8 giờ sau khi nhổ răng là vấn đề hoàn toàn bình thường, đặc biệt là đối với răng số 8. Nguyên nhân là vì răng là bộ phận gắn liền với rất nhiều mạch máu và dây thần kinh nên việc nhổ răng gây tác động đến những bộ phận nhạy cảm này và dẫn đến tình trạng chảy máu.

2. Những cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà

Theo các bác sĩ chuyên khoa, thông thường, tình trạng chảy máu sau khi nhổ răng sẽ chấm dứt sau 30 - 45 phút cắn chặt gạc bông gòn, sau đó chỉ còn rỉ nhỏ không đáng kể, trong khoảng 24 giờ đầu. Theo đó, người bệnh có thể áp dụng cách cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà đơn giản và hiệu quả.

2.1. Cầm máu sau khi nhổ răng bằng cách sử dụng gạc, bông y tế

Sử dụng băng gạc để cầm máu sau khi nhổ răng là phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất. Theo đó, sau khi tiến hành xong thủ thuật nhổ răng, nha sĩ sẽ hướng dẫn đặt một miếng băng gạc ngay vị trí răng được nhổ. Điều này có tác dụng thấm bớt phần máu từ vết thương và giúp máu đông nhanh hơn.

Cụ thể, người bệnh cần thực hiện các bước sau để cầm máu bằng băng gạc:

- Lấy một miếng băng gạc sạch, cuộn tròn lại hoặc gấp thành hình vuông sao cho vừa ổ răng.

- Tiếp theo, làm ẩm băng gạc và đặt lên vị trí răng vừa bị nhổ.

- Sau đó, cắn giữ miếng gạc trong khoảng thời gian từ 45 - 60 phút.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng gạc luôn được đặt ở vị trí ổ răng và đủ lớn để có thể tạo áp lực trực tiếp lên vị trí nhổ răng.

Bật mí những cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà hiệu quả tức thì - Ảnh 2.

Sử dụng băng gạc y tế để cầm máu sau khi nhổ răng - Ảnh Internet.

2.2. Sử dụng túi lọc trà là cách cầm máu sau khi nhổ răng tại nhà

Bên cạnh việc dùng băng gạc, bạn cũng có thể sử dụng túi lọc trà thay thế cho băng gạc để cầm máu sau khi nhổ răng. Sở dĩ túi trà có tác dụng cầm máu là bởi vì một trong những thành phần chính của trà chính là axit tannic, giúp thúc đẩy quá trình hình thành cục máu đông.

Theo đó, người bệnh thực hiện cầm máu bằng túi lọc trà như sau:

- Làm ấm túi lọc trà.

- Đặt túi lọc trà đã được làm ấm lên vị trí răng vừa nhổ.

- Cắn giữ vào túi lọc trà trong khoảng 30 phút, Nước trong túi trà sẽ ngấm vào vết thương và làm co mạch máu.

3. Những lưu ý để nhanh cầm máu sau khi nhổ răng

Bên cạnh các cách cầm máu sau khi nhổ răng như đã liệt kê ở trên, để máu ngừng chảy nhanh, cần lưu ý một số vấn đề sau đây: - Tuyệt đối không tác động lên vị trí cục máu đông: Hình thành cục máu đông là biểu hiện của vết thương đang trong quá trình lành. Vì thế, sau khi nhổ răng, không được tác động lên cục máu đông. Do đó, cần tuân thủ tránh súc miệng quá mạnh, tránh sử dụng ống hút, tránh chơi kèn, sáo...

- Nghỉ ngơi giúp cầm máu sau khi nhổ răng: Việc nghỉ ngơi sẽ giúp người bệnh có tâm trí thoải mái, tạo điều kiện cho vết thương sau khi nhổ răng mau lành. Theo đó, cần lưu ý tránh làm việc nặng hoặc tập thể dục quá sức, tuyệt đối không được cúi người hoặc khiêng đồ nặng, kê gối nằm cho đầu cao .... sẽ giúp huyết áp ổn định và kiểm soát chảy máu.

- Không hút thuốc sau khi nhổ răng: Muốn cầm máu và vết thương nhanh lành, cần lưu ý tuyệt đối không hút thuốc, ít nhất là 48 giờ sau khi nhổ răng.

- Thực hiện chế độ dinh dưỡng khoa học: Sau khi nhổ răng, nên ăn những thức ăn mềm, bổ sung các thực phẩm tốt cho máu. Ngoài ra, cần lưu ý tránh xa các thực phẩm quá cứng, quá dài, giòn, hoặc quá nóng.

Trên đây là những cách cầm máu sau khi nhổ răng và lưu ý để vết thương nhanh lành hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý những cách cầm máu này chỉ áp dụng trong trường hợp không quá phức tạp. Trong trường hợp máu vẫn chảy nhiều dù đã áp dụng các biện pháp này, người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm để cầm máu kịp thời.


Tác giả: Ngọc Điệp