Viêm da tiếp xúc tuy không nguy hiểm đến tính mạng tuy nhiên bệnh thường gây cảm giác khó chịu, ngứa ngáy…Nhiều trường hợp tự ý điều trị khiến bệnh dai dẳng không khỏi, làm tổn thương da và có nguy cơ trở thành viêm da mãn tính. Đặc biệt là ở trẻ em, nếu bệnh không điều trị đúng cách, bệnh có khả năng làm tổn thương hoặc hoại tử làn da.
Theo các chuyên gia y tế, viêm da tiếp xúc do rất nhiều tác nhân gây nên. Theo thống kê, khoảng 15-35% trẻ em có cơ địa dị ứng và yếu tố di truyền, môi trường, còn lại do tiếp xúc trực tiếp trên da như côn trùng, bọ, kiến khoang; hay do yếu tố ăn uống; hoặc có thể bắt nguồn từ các loại nước tắm, bột giặt, nước xả vải…
Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm da tiếp xúc là xuất hiện những nốt mẩn ngứa, phát ban, đỏ, càng gãi càng ngứa và lan sang các vùng da xung quanh. Nhiều trường hợp xuất hiện mụn nước, sau khi gãi chảy dịch và chảy máu...Bệnh khiến trẻ ngứa ngáy khó chịu, quấy khóc, biếng ăn và suy giảm hệ miễn dịch.
Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Phó trưởng Khoa Điều trị da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc điều trị tùy từng trường hợp cụ thể từ nhẹ đến nặng. Trường hợp trẻ bị bệnh nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị, chỉ cần kiêng khem và bôi thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên nhiều cha mẹ không nắm được những nguyê nhân gây bệnh mà vẫn cho trẻ tiếp xúc, điều này khiến bệnh của trẻ không nhưng không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng, khiến trẻ đau đớn, khó chịu, sút cân...
Phòng tránh viêm da tiếp xúc ở trẻ em là tìm ra căn nguyên gây bệnh, không cho trẻ tiếp xúc với những nguyên nhân gây kích ứng. (Ảnh: Internet)
Trẻ em thường không ý thức được việc kiềm chế việc gãi, bệnh càng nặng, trẻ càng gãi nhiều, vi khuẩn ở tay sẽ xâm nhập vào những vết xước trên da, gây loét thậm chí dẫn đến hoại tử. Những bệnh cảnh nặng ở trẻ tuy ít nhưng đã có bởi khi vi khuẩn xâm nhập vào các mạch máu, có thể đi đến tất cả các cơ quan khác và gây viêm, phải dùng kháng sinh rất mạnh để điều trị chứ không phải bệnh lý đơn giản trên da nữa", bác sĩ Thùy Linh nhấn mạnh.
Bác sĩ Thùy Linh cho biết, sở dĩ trẻ bị viêm da, ngoài yếu tố di truyền, một phần cũng do cha mẹ mắc sai lầm trong cách chăm sóc trẻ như giữ vệ sinh chưa tốt.
Phòng tránh viêm da tiếp xúc ở trẻ là việc làm cần thiết của mỗi cha mẹ. Chẳng hạn việc tắm cho con quá lâu hay tắm hời hợt không sạch, sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm gây kích ứng cho trẻ, nhất là những trẻ có cơ địa nhạy cảm sẵn có.. "Việc dùng các loại xà phòng, chất tẩy quá mạnh làm mất lớp bảo vệ trên da gây tình trạng kích ứng tại chỗ, có phản ứng khô da, bong tróc vẩy dẫn đến viêm da", bác sĩ Thùy Linh cho hay.
Phòng tránh viêm da tiếp xúc ở trẻ bằng cách sử dụng các loại sữa tắm nhẹ dịu, rõ nguồn gốc. (Ảnh: Internet)
Nhiều gia đình thích sử dụng các loại lá, nước thảo dược để tắm cho con vì cho rằng những loại từ thiên nhiên này sẽ không gây tác dụng phụ. Tuy nhiên nhiều loại lá chứa lượng tinh dầu rất mạnh, thậm chí còn chứa những loại hóa chất do phun thuốc...có thể khiến da của bé bị kích ứng. Đặc biệt, việc một số cha mẹ thấy da con mẩn đỏ không những đun nước lá tắm mà còn vò lá đắp trên da cho mát nên càng làm vết thương bỏng rát nặng thêm.
Cách phòng tránh viêm da tiếp xúc ở trẻ
Dựa trên thực tế các bệnh nhân khám chữa ở bệnh viện da liễu, các chuyên gia nhận định rằng, những nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc đôi khi chỉ là do những tác nhân như nước hoa, quần áo, xà phòng, ba lô hay nhà mới xịt muỗi... "Khi thấy biểu hiện dị ứng trên da, cha mẹ không cho con đi khám mà tự ý dùng thuốc, có thể dùng các loại thuốc bôi sai vị trí sử dụng. Chẳng hạn, có những loại thuốc chỉ dùng bôi trên cơ thể hoặc vùng tay thì lại dùng trên vùng mặt và đầu con có thể gây ra viêm da tiếp xúc tại chỗ", bác sĩ Thùy Linh cảnh báo.
Bác sĩ lưu ý, cha mẹ cần phải nắm được đặc điểm cơ địa của con em mình, từ đó chủ động trong việc phòng tránh viêm da tiếp xúc ở trẻ. Phòng tránh viêm da tiếp xúc ở trẻ bằng việc thay đổi các thói quen hàng ngày có thể giảm thiểu tới 90% nguy cơ gây bệnh:
Chọn những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ - làm giảm nguy cơ viêm da tiếp xúc. (Ảnh: Internet)
- Nên dùng các chế phẩm và nước giặt, nước xả vải không mùi, không tạo bọt, không chất bảo quản; chọn những sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ - làm giảm nguy cơ viêm da tiếp xúc
- Chọn những sản phẩm có nhãn hiệu dành riêng cho trẻ em và có uy tín lâu năm trên thị trường.
- Cha mẹ nên hạn chế sử dụng nước hoa, mỹ phẩm, giặt quần áo cho trẻ bằng các loại xà phòng không gây kích ứng, nhẹ dịu với làn da. Đồng thời, phơi phóng quần áo ở những nơi khô thoáng, sạch sẽ.
Đối với việc tắm cho trẻ, cha mẹ cũng lưu ý KHÔNG sử dụng các loại sữa tắm có tính tẩy rửa mạnh, tắm bằng nước sạch khi trẻ bị viêm da. Những sản phẩm chăm sóc cho trẻ như bỉm, tã giấy, giấy ướt..không chứa cồn.