Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ đúng và cách rã đông sữa mẹ đúng chuẩn

Hướng dẫn bảo quản sữa mẹ đúng và cách rã đông sữa mẹ đúng chuẩn
Trong cuộc sống hiện đại, bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh không còn là vấn đề lạ lẫm với những bà mẹ bỉm sữa. Nhưng bạn đã biết cách rã đông sữa mẹ đúng chuẩn để sữa không bị mất chất và những điều tuyệt đối không được làm khi rã đông sữa mẹ chưa?

Các nghiên cứu khoa học đều nhất quán quan điểm sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Với những mẹ phải đi làm lại khi hết thời gian thai sản thì bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh để bé ở nhà được bú sữa mẹ là điều cần thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách rã đông sữa mẹ đúng cách.

1. Cách bảo quản sữa mẹ

1.1. Dụng cụ trữ sữa mẹ

Sau khi tiệt trùng các dụng cụ và vắt sữa ra, bạn cần phải bảo quản sữa đúng cách. Theo các chuyên gia, sữa mẹ khi vắt ra nếu để ở nhiệt độ phòng, khoảng 26 độ, chỉ để được tối đa 6 tiếng đồng hồ với điều kiện không có ánh nắng mặt trời, các bức xạ hay các nguồn nhiệt khác. Muốn bảo quản sữa mẹ lâu hơn, chúng ta cần cho sữa mẹ vào trong tủ lạnh.

Về dụng cụ trữ sữa mẹ, các mẹ có thể dùng bình nhựa hay dùng bình thủy tinh để trữ sữa mẹ. Tuy nhiên, tốt nhất là nên dùng bình thủy tinh. Bởi bình nhựa dễ vỡ khi sữa đóng băng. Vì thế, khi vắt sữa xong, nên dùng bình thủy tinh trữ sữa để bảo quản trong tủ lạnh. Lưu ý không dùng các bình đã bị rạn nứt.

Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng túi trữ sữa chuyên dụng. Lưu ý bạn nên chọn những túi trữ sữa có thương hiệu uy tín, không bị nứt hay rách để đảm bảo giữ nguyên các chất dinh dưỡng có trong sữa mẹ khi bảo quản.

1.2. Nguyên tắc bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Để bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh an toàn và sữa mẹ không bị mất chất, khi bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh, các mẹ cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

- Sau khi vắt ra, cần đổ ngay sữa mẹ vào bình hoặc túi trữ sữa đã được tiệt trùng. Dán nhãn bên ngoài bình hoặc túi trữ sữa, ghi ngày, giờ vắt.

- Cất sữa mẹ đã vắt vào tủ lạnh ngay sau khi cho vào dụng cụ trữ sữa.

- Chia sữa mẹ thành các túi nhỏ, khoảng 80 – 120 ml để giảm thiểu thời gian làm lạnh, tránh lãng phí. Trong trường hợp mất điện trong thời gian dài, các mẹ nên lấy các túi sữa đã trữ đông xếp vào thùng cách nhiệt cùng với đá viên.

- Luôn giữ tủ lạnh ở nhiệt độ nhất định. Sữa mẹ có thể bảo quản được tối đa 6 tháng đối với nhiệt độ giữ ở mức - 18 độ.

Mách mẹ cách rã đông sữa mẹ đúng chuẩn không bị mất chất dinh dưỡng - Ảnh 1.

Chia sữa mẹ thành từng túi nhỏ trước khi cho vào tủ lạnh - Ảnh Internet.

Đọc thêm:

Hướng dẫn mẹ sau sinh cách kích sữa bằng tay giúp sữa về tràn trề

Uống gì lợi sữa? Gợi ý 18 thức uống lợi sữa cho mẹ sau sinh

2. Hướng dẫn cách rã đông sữa mẹ đúng chuẩn

Khi rã đông sữa mẹ, các mẹ nên dựa vào thời gian vắt sữa, sữa vắt trước dùng trước, sữa vắt sau dùng sau. Dưới đây là cách rã đông sữa mẹ chuẩn:

Đối với sữa mẹ được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh

- Trước khi sử dụng 1 ngày, các mẹ nên cho sữa từ ngăn đông tủ lạnh xuống ngăn mát để rã đông. Các mẹ cũng có thể rã đông sữa mẹ trong chậu nước đá lạnh.

- Khi sữa đã chuyển hoàn toàn sang dạng lỏng, cần nhẹ nhàng lắc để lớp váng sữa nhiều chất béo và phần nước sữa trong được hòa đều với nhau. Sau đó, ngâm sữa bằng nước ấm để hâm đến nhiệt độ thích hợp cho con ăn.

Khi rã đông sữa mẹ, các mẹ cần lưu ý khi rã đông bằng cách chuyển từ ngăn đông xuống ngăn mát, sữa mẹ sẽ có một lớp váng mỏng nổi trên mặt bình, đó chính là chất béo, trước khi con ăn chỉ cần lắc nhẹ lớp màng đó sẽ hòa tan đều trong sữa. Nhưng nếu lớp váng có hiện tượng kết tủa thành đám mây trắng đục thì chứng tỏ sữa đã bị hỏng, không còn sử dụng được, không đảm bảo chất lượng cũng như an toàn cho đường tiêu hóa của con.

Đối với sữa mẹ được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh

Với những sữa mẹ được bảo quản ở ngăn mát, các mẹ chỉ cần lấy sữa trong tủ lạnh ra và ngâm trong nước ấm khoảng 40 độ cho đến khi đạt nhiệt độ phù hợp để con ăn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không nên ngâm sữa trong nước quá nóng vì điều này sẽ làm mất vitamin và khoáng chất có trong sữa mẹ. Ngoài ra, cũng cần lưu ý sữa mẹ đã lấy ra khỏi tủ lạnh không thể cấp đông lại dùng tiếp. Vì thế, khi lấy sữa mẹ từ tủ lạnh ra, mẹ chỉ nên lấy đúng lượng sữa vừa ăn mỗi cữ cho con để tránh lãng phí.

3. Một số lưu ý để rã đông sữa mẹ đúng cách

Như vậy, với việc bảo quản trong tủ lạnh, con có thể vẫn được hưởng trọn các chất dinh dưỡng từ sữa mẹ dù mẹ đi làm. Nhưng để đảm bảo cho con nguồn dinh dưỡng tốt nhất, các mẹ cần ghi nhớ một số lưu ý dưới đây khi rã đông sữa mẹ.

3.1. Sữa mẹ rã đông để ngăn mát được bao lâu?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, sau khi đã tiến hành rã đông và hâm nóng sữa mẹ, tốt nhất nên cho trẻ ăn trong vòng 2 giờ đồng hồ. Còn nếu con chưa ăn ngay, có thể cho sữa vào ngăn mát tủ lạnh. Tuy nhiên, cần lưu ý không để sữa đã rã đông trong ngăn mát quá 24 giờ đồng hồ.

Sau 24h, mẹ nên loại bỏ số sữa mẹ đó, tuyệt đối không pha sữa đông dư thừa với sữa mới vắt sử dụng lần ăn tiếp theo của trẻ.

Mách mẹ cách rã đông sữa mẹ đúng chuẩn không bị mất chất dinh dưỡng - Ảnh 2.

Sữa mẹ đã rã đông có thể để trong ngăn mát tủ lạnh tối đa 24 giờ - Ảnh Internet.

3.2. Sữa mẹ rã đông có cặn trắng có sao không?

Trong một số trường hợp, các mẹ thấy sữa mẹ rã đông có xuất hiện cặn trắng và băn khoăn không biết sữa có dùng được nữa không. Theo các nghiên cứu, sữa mẹ ra đông có cặn trắng là dấu hiệu bình thường, không đáng lo ngại. Nguyên nhân là do trong chế độ ăn uống, mẹ uống ít nước nên lượng sữa đặc và khó tan. Do đó, các mẹ chỉ cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và vẫn có thể sử dụng sữa cho con.

Ngoài ra, để rã đông sữa mẹ đúng cách, các mẹ cần ghi nhớ các quy tắc sau:

- Không làm tan sữa mẹ ở nhiệt độ phòng.

- Không rã đông sữa mẹ bằng lò vi sóng hay đun trên bếp.

- Không thay đổi nhiệt độ sữa rã đông đột ngột.

- Không lắc bình sữa rã đông quá mạnh.

Trên đây là tổng hợp những thông tin về cách rã đông sữa mẹ cũng như trả lời băn khoăn của các mẹ về sữa mẹ rã đông để được bao lâu và cách rã đông sữa mẹ tốt nhất. Hy vọng những kiến thức trong bài viết này sẽ giúp các mẹ bảo quản được nguồn sữa mẹ quý giá cũng như cho con nguồn dinh dưỡng tốt nhất khi bảo quản sữa trong tủ lạnh.


Tác giả: Ngọc Điệp