Hồng sấy dẻo bao nhiêu calo? Ăn hồng sấy dẻo có béo không?

Hồng sấy dẻo bao nhiêu calo? Ăn hồng sấy dẻo có béo không?
Mùa Trung Thu đến cũng là mùa của quả hồng ngon ngọt. Hồng sấy dẻo, vị thơm ngon, màu cam đỏ bắt mắt được nhiều người ưa chuộng. Vậy hồng sấy dẻo bao nhiêu calo? Ăn hồng sấy dẻo có béo không?

Hồng sấy dẻo có nhiều lợi ích cho sức khỏe và dưới đây là một số thông tin mà bạn cần biết trước khi ăn hồng sấy dẻo mùa thu này.

1. Hồng sấy dẻo bao nhiêu calo?

Giá trị dinh dưỡng của hồng sấy dẻo cũng như lượng calo sẽ phụ thuộc vào việc hồng sấy dẻo có được thêm đường trong quá trình chế biến hay không. Thông thường thì 100 gram hồng sấy dẻo tự nhiên chứa khoảng 100 - 130 calo, nếu ướp thêm đường thì hồng sấy dẻo có lượng calo dao động trên 200 calo/100 gram hồng.

Nếu so sánh quả hồng tươi và hồng sấy dẻo loại nào nhiều calo hơn thì câu trả lời là hồng sấy dẻo. Do các sản phẩm trái cây sấy bị rút nước nên hàm lượng calo chủ yếu phụ thuộc vào hàm lượng đường. Điều đó có nghĩa là nếu lượng calo của một loại trái cây càng cao thì sản phẩm sấy khô của loại trái cây này cũng cao hơn.

Giá trị dinh dưỡng của hồng sấy dẻo cũng được đánh giá là tốt cho sức khỏe. Cụ thể trong 100 gram hồng sấy dẻo có chứa: hàm lượng protein là 1,5 - 2,3g, fructose 69,5 - 73,3g, chất béo 0,4 - 0,5g, canxi 84 - 163mg, phốt pho 50 - 90mg, carotene 1,09 - 4,31mg. Ngoài ra còn có magie, thiamine, axit ascorbic và các thành phần dinh dưỡng khác.

Hồng sấy dẻo bao nhiêu calo? Ăn hồng sấy dẻo có béo không? - Ảnh 2.

Hồng sấy dẻo bao nhiêu calo tùy thuộc vào có ướp thêm đường trong quá trình chế biến hay không (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

9 tác dụng của vỏ lựu đối với sức khoẻ, sử dụng theo cách này để phòng ngừa nhiều bệnh tật

Ăn trứng muối có tốt không? Những ai không nên ăn loại trứng này?

Vậy ăn hồng sấy dẻo có béo không?

Theo LiveStrong, trái cây sấy có thể phù hợp với hầu hết chế độ ăn kiêng, cho dù là chế độ ăn kiêng hạn chế calo để giảm cân hay chế độ ăn kiêng được xây dựng với mục đích duy trì cân nặng hoặc tăng cân.

Tuy nhiên, do trái cây sấy co lại trong quá trình chế biến nên lượng calo theo thể tích của nó tăng lên đáng kể so với trái cây tươi. Nếu bạn đang cố gắng tăng cân, việc bổ sung nhiều trái cây sấy có thể hữu ích vì bạn có thể dễ dàng nạp thêm calo trong mỗi khẩu phần ăn, nhưng điều này có thể làm chậm quá trình giảm cân nếu bạn ăn kiêng để giảm cân. Chính vì thế mà bạn cần cân đối lượng trái cây sấy phù hợp.

Như đã nói ở trên, hồng sấy dẻo có xu hướng nhiều calo hơn so với quả tươi, nhưng bạn sẽ không tăng cân nếu như không nạp nhiều calo hơn mức calo mà cơ thể đốt cháy. Nói cách khác, ăn hồng sấy dẻo sẽ không gây béo hay tăng cân nếu bạn kiểm soát khẩu phần ăn chặt chẽ.

Ngoài ra, do lượng carbohydrate trong hồng sấy dẻo cũng rất cao nên cần cân nhắc về lượng calo nếu bạn muốn ăn hồng sấy dẻo để giảm cân. Thay vào đó bạn nên ưu tiên các nguồn thực phẩm tươi, ít calo như rau xanh, các loại trái cây ít ngọt để việc giảm cân hiệu quả hơn. Nếu muốn ăn hồng sấy dẻo trong quá trình giảm cân bạn chỉ nên ăn ít như một món ăn vặt.

Nên ăn bao nhiêu hồng sấy dẻo mỗi ngày?

Theo Sina, do hồng sấy dẻo có lượng carbohydrate và calo tương đối cao nên không nên ăn quá 200 gram hồng sấy dẻo mỗi ngày. Lượng ăn sẽ ít hơn nếu bạn đang muốn giảm cân hay giữ dáng.

Hồng sấy dẻo bao nhiêu calo? Ăn hồng sấy dẻo có béo không? - Ảnh 3.

Chỉ nên ăn 1 - 2 quả hồng sấy dẻo một ngày (Ảnh: Internet)

2. Các lợi ích sức khỏe của hồng sấy dẻo

Đông y cho biết quả hồng có vị ngọt, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt khứ táo, nhuận phế tiêu đờm, nhuyễn kiên, chỉ khát sinh tân, kiện tì, trị lị, chỉ huyết,... Theo Sina, ăn hồng sấy dẻo có thể mang lại những lợi ích sức khỏe như sau:

- Thanh nhiệt giảm ho

Quả hồng tươi vốn có tác dụng thanh nhiệt và giảm ho. Khi được sấy dẻo có thêm lớp phấn trắng bên ngoài quả hồng đặc biệt có tác dụng tiêu đờm, chữa lở loét miệng lưỡi, khô họng hay cổ họng sưng tấy.

** Lớp phấn trắng bên ngoài quả hồng là một loại men vi sinh sinh ra từ hai loại đường tự nhiên của quả hồng là glucose và fructose có tác dụng bao bọc quả hồng và phân giải tanin còn sót lại khiến quản hồng sấy dẻo không còn vị chát nữa.

- Ngăn ngừa táo bón và bệnh trĩ

Hồng sấy dẻo cũng tốt cho đường tiêu hóa nhờ khả năng thúc đẩy quá trình sản xuất và bài thải chất độc cùng phân ra ngoài, từ đó giúp giảm nhẹ rõ rệt các triệu chứng như táo bón, bệnh trĩ,... Điều này là do hồng sấy dẻo giàu chất xơ, pectin tự nhiên làm tăng quá trình nhu động ruột ở người.

- Cầm máu

Khi nấu hồng sấy khô với mật ong có thể đem lại tác dụng giúp cầm máu và nhiều bệnh chảy máu ở người hiệu quả như đại tiện ra máu, trĩ ra máu, ho ra máu hoặc nôn trớ. Tuy nhiên bài thuốc này cần sử dụng dưới chỉ định của thầy thuốc, không nên tự ý áp dụng.

Hồng sấy dẻo bao nhiêu calo? Ăn hồng sấy dẻo có béo không? - Ảnh 4.

Hồng sấy dẻo có nhiều công dụng đối với sức khỏe (Ảnh: Internet)

- Đặc tính chống viêm

Quả hồng sấy dẻo ngoài vitamin C thì cũng giàu các hợp chất chống oxy hóa như thiamine, catechin nên có đặc tính chống viêm hiệu quả, giúp cơ thể chống lại các nguy cơ tổn thương do gốc tự do gây ra.

- Cải thiện huyết áp

Quả hồng tươi và hồng sấy dẻo đều chứa một lượng kali có liên quan tới công dụng cải thiện huyết áp có liên quan tới nguy cơ bệnh tim mạch và giảm cholesterol. Bổ sung kali cũng có tác dụng tăng cường chức năng cơ bắp và chức năng thần kinh.

- Thích hợp cho bệnh nhân tuyến giáp

Theo Sina, quả hồng sấy dẻo có hàm lượng i-ốt cao nên có lợi cho các bệnh nhân bướu cổ có liên quan tới thiếu i-ốt.

Lưu ý, với người đang điều trị bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn. Tuyệt đối không được tự ý ngừng thuốc và thay thế bằng các biện pháp chữa bệnh truyền miệng khi chưa có chỉ định từ bác sĩ. Các tác dụng kể trên chỉ mang tính chất tham khảo, có thể có hiệu quả ở người này nhưng không đem lại hiệu quả ở người khác.

3. Lưu ý khi ăn hồng sấy dẻo

Mặc dù tốt cho sức khỏe nhưng ăn hồng sấy dẻo quá nhiều hoặc không đúng cách có thể dẫn tới một số rủi ro không mong muốn. Cần lưu ý để ăn hồng sấy dẻo đúng cách như sau:

- Không ăn hồng sấy dẻo khi bụng đói do tannin và pectin trong hồng có thể gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi dưới tác dụng của axit trong dạ dày. Lâu dài có thể dẫn tới đau bụng, nôn mửa,...

- Không nên ăn hồng sấy dẻo nếu bị loãng xương do tannin trong hồng có thể kết hợp với các hợp chất canxi, magie, kẽm, sắt cùng các khoáng chất khác trong thực phẩm, hạn chế hấp thụ các hợp chất này dẫn tới nguy cơ thiếu dinh dưỡng, bao gồm cả thiếu canxi - đặc biệt cần thiết ở người bị loãng xương

- Không nên ăn quá nhiều do hàm lượng đường, chất xơ, calo trong hồng sấy dẻo cao có thể dẫn tới tăng cân, nhất là vào buổi tối. Người bị tiểu đường cũng nên cân nhắc khi ăn do chỉ số GI của hồng sấy dẻo vào khoảng 28 gram đường/ 100 gram quả hồng.

Hồng sấy dẻo bao nhiêu calo? Ăn hồng sấy dẻo có béo không? - Ảnh 5.

Không nên ăn hồng vào buổi tối hoặc khi bụng đói (Ảnh: Internet)

- Không nên ăn hồng sau khi ăn bữa ăn giàu protein như thịt, cá do bởi tannin trong hồng có thể ngưng tụ với protein tạo ra axit tannic làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu thành ruột

- Trẻ em và người cao tuổi nên hạn chế ăn hồng sấy dẻo do hồng có tính hàn, dễ gây các vấn đề về tiêu hóa. Khi ăn cần chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ để tránh sâu răng.

4. Cách làm hồng sấy dẻo tại nhà

Ngoài việc lựa chọn mua hồng tại các cơ sở uy tín thì bạn cũng có thể tự làm hồng sấy dẻo tại nhà để đảm bảo vệ sinh. Dưới đây là cách làm hồng sấy dẻo tại nhà đơn giản mà bạn có thể thực hiện:

- Bước 1: Chọn hồng

Chọn hồng ngon giúp thành phẩm sấy dẻo của bạn thơm ngọt và tạo hình đẹp hơn. Nên chọn những quả hồng đã chín để giảm độ chát, vỏ hồng căng bóng, nắn quả hồng thấy chắc tay, không chọn hồng dập, hồng mất cuống.

Quả hồng tươi có phần cuống phồng lên, không bị lõm vào là những quả hồng cho vị ngon. Cuống hồng cũng cần có màu xanh tươi thay vì ngả vàng bởi cuống hồng ngả vàng cho thấy hồng đã hái từ lâu, không còn tươi nữa.

- Bước 2: Sơ chế và làm sạch

+ Đầu tiên bạ cần làm sạch vỏ hồng đảm bảo không sót lại phần vỏ nào bởi vỏ hồng còn sót lại khi ăn sẽ có vị chát. Khi gọt nên cầm quả nhẹ nhàng, tránh cho hồng bị dập. Để lại phần cuống hồng để bảo quản lâu hơn và đẹp mắt hơn

Hồng sấy dẻo bao nhiêu calo? Ăn hồng sấy dẻo có béo không? - Ảnh 6.

Thành phẩm hồng sấy dẻo thu được cầm chắc tay, bên trong mềm dẻo (Ảnh: Internet)

+ Sau khi gọt sạch vỏ hồng thì bạn chuẩn bị một nồi nước sôi, bỏ vào đó 2 - 3 chén rượu trắng để khử trùng hồng sạch hơn và giúp hồng không bị vi khuẩn hay bọ tấn công khi phơi/sấy/bảo quản. Nhúng hồng vào nước sôi pha rượu từ 2 - 3 phút rồi để ngửa cuống hồng lên cho ráo.

- Bước 3: Sấy hồng

Với hồng sấy dẻo, bạn cần chuẩn bị máy sấy và sấy trong nhiệt độ 60 - 70 độ C trong khoảng 6 - 10 tiếng sẽ có thành phẩm là miếng hồng dẻo dai. Nếu muốn khô hơn bạn có thể sấy trong thời gian lâu hơn

Với hồng treo gió/phơi nắng, bạn có thể xiên hồng vào dây rồi đem treo ở nơi thoáng khí khoảng 7 - 10 ngày.

- Bước 4: Massage cho hồng và thu thành phẩm

Sau khi sấy khô hồng được 2 - 3 giờ hoặc phơi khô được 7 - 10 ngày thì cứ cách 2 ngày bạn cần massage nhẹ nhàng cho quả hồng một lần để hồng tiết ra thêm chất ngọt đều hơn.

Thành phẩm hồng sấy dẻo thu được sau 10 - 15 ngày là quả hồng khô lại, dẻo bên trong, không còn massage được nữa. Hồng có thể xuất hiện thêm lớp phấn trắng bao quanh quả hồng sấy. Bạn có thể bảo quản hồng sấy dẻo trong tủ lạnh để giữ được lâu hơn.

Nguồn dịch tham khảo:

1. 吃柿饼好处多多,那一天最多吃几个,吃多了会怎样,你吃对了吗?

2. Will Dried Fruit Cause Weight Gain?


Tác giả: Allen