Hôi nách: Không nguy hiểm nhưng phiền toái!

Hôi nách: Không nguy hiểm nhưng phiền toái!
Tuy hôi nách không gây ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng nó khiến bệnh nhân tự ti và ngại giao tiếp. Có nhiều cách để giảm thiểu và ngăn ngừa mùi hôi, nhưng rất khó để chữa trị triệt để. Mặt khác, hôi nách rất dễ tái phát, nên người bệnh cần tìm hiểu để sống chung với nó.

1. Bệnh hôi nách là gì?

Hôi nách là tình trạng cơ thể có mùi khó chịu xuất phát từ nách. Hôi nách còn được gọi là bệnh viêm cánh. Nó là một dạng mùi cơ thể, thường liên quan đến việc tiết mồ hôi. Đôi khi hôi nách cũng là hậu quả của các căn bệnh bài tiết khác.

Hôi nách là bệnh lành tính, thường không gây lo ngại, nhưng lại khiến người bệnh vô cùng tự ti bởi mùi hôi nách rất khó chịu và dễ phát hiện. Nó khiến người bệnh ngại giao tiếp, ngại tiếp xúc gần với người khác.

2. Dấu hiệu

- Nách có mùi khó chịu, đặc biệt là sau vận động hoặc ở môi trường nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi. Mùi hôi có thể dễ dàng được ngửi thấy bởi bản thân và những người xung quanh. Đây là dấu hiệu điển hình và dễ nhận biết nhất của bệnh hôi nách.

- Nách tiết mồ hôi nhiều hơn bình thường, ngay cả khi không ở trong môi trường nắng nóng, hoặc không vận động mạnh.

Hôi nách: Không nguy hiểm nhưng phiền toái! - Ảnh 2.

Nách tiết mồ hôi nhiều hơn mức bình thường (Ảnh: Internet)

- Phần nách áo xuất hiện các vết ố vàng do mồ hôi và bã nhờn ở nách tiết ra, bám dính vào áo, bị oxy hóa chuyển từ màu trắng đục sang màu vàng. Các vết ố vàng này rất khó để giặt sạch.

- Nách xuất hiện nhiều da chết hơn, có nhiều mảng trắng ở vị trí lỗ chân lông.

3. Nguyên nhân

3.1. Nguyên nhân gây bệnh hôi nách là gì?

Các tuyến mồ hôi bao phủ phần lớn cơ thể chúng ta với mục đích giúp cơ thể hạ nhiệt. Có 2 loại tuyến mồ hôi chính là tuyến eccrine và apocrine. Eccrine là những tuyến mồ hôi nhỏ, trải khắp cơ thể, tiết ra mồ hôi với thành phần 9 9% nước và 0,5% là muối và 0,5% các chất cặn bã khác.

Apocrine là những tuyến mồ hôi lớn hơn, thường phân bố ở những nơi có chứa nhiều nang lông như nách và háng. Apocrine tiết ra chất lỏng đặc có chứa sắt, protein và lipid. Chất lỏng này là thức ăn lý tưởng của các loại vi khuẩn. Khi bị vi khuẩn phân hủy, các chất này sẽ tạo ra mùi hôi rất khó chịu, mà chúng ta gọi là mùi hôi nách.

Các tuyến Apocrine chỉ hoạt động khi đến tuổi dậy thì, đó là lý do tại sao bệnh hôi nách thường gặp ở thanh thiếu niên.

3.2. Đối tượng nào có nguy cơ cao bị hôi nách?

- Người có thói quen vệ sinh thân thể kém, ít tắm giặt.

- Những người làm công việc nặng, hay hoạt động thể thao cũng có nguy cơ bị hôi nách cao hơn do tuyến mồ hôi bài tiết nhiều hơn.

- Ăn nhiều loại gia vị nặng, đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng khiến cho mồ hôi có mùi khó ngửi.

Hôi nách: Không nguy hiểm nhưng phiền toái! - Ảnh 3.

Ăn nhiều loại gia vị nặng, đồ ăn nhiều dầu mỡ cũng khiến cho mồ hôi có mùi khó ngửi (Ảnh: Internet)

- Hôi nách thường xảy ra ở những người bị mất cân bằng hormone như thanh thiếu niên bước vào tuổi dậy thì, phụ nữ mang thai và sau sinh,...

- Thường xuyên gặp căng thẳng, stress cũng khiến cho tuyến mồ hôi tăng sản xuất các axit béo không no, dễ bị phân hủy thành mùi khó chịu.

- Những người có bố mẹ bị hôi nách cũng có khả năng rất cao mắc căn bệnh này.

- Sử dụng một số loại thuốc điều trị bệnh như thuốc về thần kinh, thuốc điều trị trầm cảm, thuốc hạ sốt,... có thể kích thích tăng tiết mồ hôi và bã nhờn.

- Mắc bệnh hôi mùi cá (Trimethylaminuria) là một rối loạn di truyền khiến cơ thể sản xuất các chất có mùi cá chết. Những chất này bài tiết qua mồ hôi nên những chỗ kín như nách có mùi rất nặng.

- Bị rối loạn thần kinh giao cảm mãn tính khiến cơ thể tiết quá nhiều mồ hôi, dễ bị hôi nách.

- Người bị nấm da, đặc biệt là nhiễm nấm Candida có thể gây ra mùi hôi nách.

- Mắc một số bệnh lý về gan, thận, tuyến giáp hoặc hệ bài tiết có thể là nguyên nhân khiến có nhiều chất cặn bã bài tiết qua mồ hôi hơn, khiến mồ hôi có mùi nặng hơn.

4. Phương pháp điều trị

4.1. Điều trị bằng thuốc

- Thuốc không kê đơn: điều trị bệnh hôi nách thường dạng bôi và xịt, có chứa chất chống mồ hôi hoặc khử mùi. Đây là những loại thuốc không kê đơn, nên dùng hàng ngày để khắc phục mùi hôi nách.

Chất chống mồ hôi trong các chai lăn xịt khử mùi có tác dụng giảm tiết mồ hôi bằng cách tạm thời chặn lỗ chân lông. Chất khử mùi có tác dụng ức chế vi khuẩn, ngăn chặn chúng phân hủy protein và lipid có trong mồ hôi gây ra mùi khó chịu.

Các chai lăn/xịt ngăn hôi nách rất phổ biến, đa dạng và dễ dàng mua ở các siêu thị, cửa hàng thuốc cũng như mỹ phẩm. Nhưng đôi khi bạn cần thử nhiều loại khác nhau để tìm được loại phù hợp nhất.

- Thuốc kê đơn: Khi thuốc bôi xịt không mang lại nhiều hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định thuốc uống kê đơn. Những loại thuốc này thường tác động đến hệ thần kinh giao cảm để giảm tiết mồ hôi.

- Botox: Tiêm botox vào tuyến mồ hôi có thể ngăn tiết và giảm mùi mồ hôi. Tuy nhiên, đây là phương pháp tạm thời, hiệu quả chỉ kéo dài khoảng 6 tháng.

4.2. Phẫu thuật

- Cắt tuyến mồ hôi nách: Đây là phương pháp điều trị hôi nách dành cho những bệnh nhân bị tiết mồ hôi quá mức. Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê, rạch những điểm có tuyến mồ hôi rồi cắt bớt tuyến mồ hôi đi. Đây là phương pháp cho hiệu quả nhanh và triệt để. 

- Hút tuyến mồ hôi nách: Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi, rạch 2 đường nhỏ ở nách để đưa dụng cụ vào tiếp cận và hút bỏ tuyến mồ hôi. Phương pháp này cho hiệu quả nhanh nhưng dễ bị tái phát. Hiệu quả thường chỉ kéo dài vài tháng.

- Cắt hạch giao cảm lồng ngực: Là phương pháp cắt các dây thần kinh giữ chức năng kiểm soát hoạt động tiết mồ hôi dưới nách. Thường áp dụng cho bệnh nhân bị hôi nách nặng. Đây là phương pháp cần được cân nhắc kỹ, bởi nó có thể ảnh hưởng đến các dây thần kinh xung quanh. Mặt khác, sau khi cắt hạch giao cảm lồng ngực, mồ hôi nách giảm tiết nhưng sẽ xảy ra tình trạng tiết mồ hôi bù ở những bộ phận khác.

4.3. Trị hôi nách bằng tia laser

Bác sĩ sẽ chiếu tia laser vào vùng nách để làm đông vón protein, điều trị dứt điểm bệnh hôi nách. Tuy nhiên, đây là phương pháp có chi phí cao và cần thực hiện nhiều lần.

4.4. Phương pháp dân gian điều trị bệnh hôi nách là gì?

Hầu hết bệnh nhân có thể cải thiện bệnh hôi nách chỉ bằng cách vệ sinh sạch sẽ và áp dụng các phương pháp điều trị dân gian. Với những người bị hôi nách nhẹ, chỉ cần kiên trì, các phương pháp dân gian có thể giúp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh hôi nách.

- Xát chanh, gừng, phèn chua, cà chua hoặc rau diếp vào vùng nách. Để một lúc rồi rửa lại bằng xà phòng.

- Đun nước trà xanh hoặc trầu không để vệ sinh nách hàng ngày.

- Pha loãng rượu hoặc giấm táo, nước chanh để xịt vào nách sau khi tắm.

- Trộn nước cốt chanh với baking soda rồi bôi vào nách. Rửa lại sau 30 phút.

- Luộc chín trứng gà, bóc vỏ rồi lăn đều dưới nách khi trứng còn nóng.

5. Những phương pháp phòng tránh bệnh hôi nách là gì?

- Tắm rửa, vệ sinh cơ thể hàng ngày. Tắm hoặc lau khô người ngay sau khi vận động nặng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi.

- Quần áo nên chọn các loại vải thoáng khí, thoáng khí như cotton, lanh, chọn vải có khả năng thấm hút mồ hôi. Không nên chọn áo quá chật và bí. Lưu ý cần thay và giặt giũ quần áo thường xuyên. Thay quần áo ngay sau khi hoạt động mạnh, tiết nhiều mồ hôi.

- Tẩy, cạo lông nách làm giảm đáng kể mùi hôi nách. Điều này là do việc tẩy lông giúp nách khô thoáng hơn, dễ dàng vệ sinh hơn và vi khuẩn không có nơi trú ngụ.

- Làm việc điều độ, giải trí và nghỉ ngơi khoa học, tránh để cơ thể bị stress kéo dài.

- Sử dụng các loại lăn xịt nách để ngăn vi khuẩn phát triển.

- Kiểm soát tốt và điều trị triệt để các bệnh có liên quan đến tuyến mồ hôi.

6. Người bị hôi nách nên ăn uống như thế nào?

6.1. Nên ăn gì?

- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để làm sạch cơ thể và "pha loãng" mồ hôi, hạn chế mùi.

- Các loại rau củ quả có mùi dịu mát như dứa, trà xanh, cam, lê, táo, rau má,... có thể giúp mồ hôi có mùi dễ chịu hơn.

- Ăn nhiều rau củ quả tươi sẽ giúp kích thích hệ tiêu hóa làm việc hiệu quả, tăng cường thải độc, hạn chế cặn bã thải qua đường mồ hôi, giúp giảm mùi mồ hôi.

Hôi nách: Không nguy hiểm nhưng phiền toái! - Ảnh 4.

Ăn nhiều rau củ quả tươi giúp cơ thể tăng thải độc tố ra bên ngoài (Ảnh: Internet)

- Thực phẩm giàu canxi và magie có khả năng ức chế tuyến mồ hôi như quả bơ, chuối, đậu nành, hạt bí, hạt hướng dương,...

6.2. Kiêng ăn gì?

- Hạn chế ăn các gia vị có mùi nặng như hành, tỏi, mắm, hạt tiêu, mù tạt, cari,....

- Không ăn nhiều đồ ăn nhiều dầu mỡ và các thực phẩm giàu đạm như hải sản, thịt bò, thịt dê, thịt vịt,... bởi chúng có thể làm tăng tiết dầu nhờn, là thức ăn lý tưởng cho vi khuẩn.

- Kiêng hoàn toàn rượu bia, cà phê và các thực phẩm có chứa chất kích thích.

- Các loại rau cảu như cải bắp, cải thìa, cải cúc, cải bó xôi,... có chứa rất nhiều lưu huỳnh, có thể làm mùi hôi nách nặng nề hơn.

- Nếu bạn bị hôi nách do hội chứng hôi mùi cá (Trimethylaminuria) thì cần tránh các thực phẩm giàu chất choline, lưu huỳnh, nito, carnitine, và lecithin như trứng, gan, thịt, cá, hải sản, phomai, sữa bò, đậu phộng,...

7. Các câu hỏi thường gặp?

7.1. Bệnh hôi nách có chữa được không?

Hôi nách hoàn toàn có thể chữa được. Bị hôi nách nhẹ có thể áp dụng các phương pháp dân gian. Bị hôi nách nặng có thể áp dụng các phương pháp tiên tiến như cắt tuyền mồ hôi, chiếu tia laser,... Tuy nhiên, hôi nách rất dễ tái phát, nên người bệnh phải kiên trì và giữ vệ sinh cơ thể thật tốt.

7.2. Hôi nách có lây không?

Có rất nhiều người lầm tưởng hôi nách có khả năng truyền nhiễm. Tuy nhiên, hôi nách là căn bệnh không lây. Do đó việc tiếp xúc cơ thể hoặc mặc chung quần áo với người bị hôi nách không khiến bạn bị bệnh.

7.3. Bệnh hôi nách có di truyền không?

Hôi nách là căn bệnh có nguy cơ di truyền gần, truyền từ bố mẹ sang con cái. Theo nghiên cứu, nếu bố hoặc mẹ bị hôi nách thì con có 50% nguy cơ bị nhiễm bệnh. Nếu cả bố và mẹ đều bị hôi nách thì con có tới 80% nguy cơ.

7.4. Bệnh hôi nách có nguy hiểm không?

Hôi nách là bệnh lành tính, không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nó khiến người bệnh rụt rè, ngại giao tiếp xã hội nên cần có biện pháp kiểm soát và điều trị sớm.

Nguồn tham khảo: https://www.healthline.com/health/smelly-armpits#1


Tác giả: Mai Nhung