Trong các phương pháp điều trị cận thị hiện nay, phẫu thuật cận thị là phương pháp được đánh giá rất cao do hiệu quả nhanh chóng và thời gian duy trì hiệu quả kéo dài.
Một trong các vấn đề được quan tâm hàng đầu về phẫu thuật cận thị là liệu rằng khi đã phẫu thuật thì tình trạng của bệnh nhân có thể được khắc phục hoàn toàn không?
Đối với vấn đề này, các kết quả hiện nay cho thấy ở hầu hết các bệnh nhân sau khi phẫu thuật cận thị đều sẽ có thể lấy lại được thị lực tốt giống như trước thời điểm bị cận thị. Điều này có nghĩa là tình trạng cận thị của bệnh nhân có thể được khắc phục một cách hoàn toàn.
Tuy nhiên, cũng có hi hữu các trường hợp mà sau phẫu thuật bệnh nhân rất ít cải thiện thị lực, không cải thiện hoặc chỉ cải thiện trong một khoảng thời gian ngắn và sau đó có thể giảm đến thấp hơn cả khi người bệnh chưa tiến hành phẫu thuật. Nhưng tỷ lệ này là rất nhỏ.
Do đó, phẫu thuật cận thị có thể giúp bệnh nhân khắc phục hoàn toàn tình trạng cận thị của bản thân.
Sau phẫu thuật cận thị, hầu hết các bệnh nhân đều giữ được mức thị lực tốt trong khoảng thời gian dài. Nếu giữ gìn đôi mắt tốt thì người bệnh có thể có một đôi mắt khỏe sau đó và sẽ không bị cận lại.
Vì thế bạn nên nắm được Cách chăm sóc mắt đúng cách tránh tái cận.
Nhưng nếu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật cận thị khi mà mức độ cận còn chưa ổn định (tăng độ lớn hơn 0,75 diop/năm), người mắc bệnh cận thị hay những yếu tố nguy cơ khác thì có khả năng sẽ gây nên cận thị tái phát trở lại.
Nếu có tình trạng tái phát cận thị trở lại, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân mà bác sĩ có thể đề xuất việc đeo kính cận hoặc tiếp tục thực hiện một cuộc mổ khác để khắc phục tình trạng này.
Hiện nay có khá nhiều phương pháp đang được ứng dụng trên thực tế để phẫu thuật cận thị cho bệnh nhân. Những phương pháp được sử dụng nhiều nhất bao gồm Relex Smile, Femto Lasik, Lasik,...
Mỗi phương pháp phẫu thuật thực hiện có đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Do đó, vấn đề lựa chọn phương pháp phẫu thuật cận thị cần được dựa trên mức độ cận của bệnh nhân, khả năng chi trả tài chính, kỹ thuật mà cơ sở y tế có thể thực hiện tốt,...
Để nắm rõ hơn, bạn nên hiểu về Các phương pháp phẫu thuật, ưu nhược điểm và biến chứng có thể xảy ra khi phẫu thuật cận thị.
Không phải bất kỳ ai cũng có thể được phẫu thuật cận thị. Bệnh nhân được khuyên chỉ nên thực hiện phẫu thuật cận thị khi đã đủ ít nhất 18 tuổi, cận thị tiến triển ổn định dưới sự theo dõi thường xuyên, không mắc các bệnh về mắt và toàn thân.
Còn đối với các đối tượng như phụ nữ mang thai, có các tổn thương tại mắt (viêm giác mạc, viêm mống mắt, bong tróc võng mạc,...), suy giảm miễn dịch hoặc có các bệnh lý tự miễn,... là những đối tượng được khuyên không nên thực hiện phẫu thuật cận thị.
Trước khi chính thức thực hiện phẫu thuật cận thị, bệnh nhân sẽ được tiến hành gây tê bằng các loại thuốc tê chuyên dụng dưới dạng tra tại mắt. Dưới tác dụng của thuốc tê, bệnh nhân sẽ không cảm thấy đau đớn trong quá trình phẫu thuật. Sau phẫu thuật, đau tại khu vực mổ cũng rất ít khi xảy ra mà thường thì người bệnh sẽ chỉ cảm thấy hơi cộm tại mắt và vấn đề này sẽ nhanh chóng mất đi vào vài ngày sau đó.
Một cuộc phẫu thuật cận thị không kéo dài quá lâu, thời gian trung bình diễn ra cho cuộc mổ chỉ kéo dài khoảng 10 phút. Do đó bệnh nhân không cần quá mức lo lắng về vấn đề thời gian phẫu thuật kéo dài.
Nhìn chung, phẫu thuật cận thị ngày càng trở nên hiệu quả hơn và an toàn hơn. Dưới sự trợ giúp của các phương tiện hiện đại thì độ chính xác trong phẫu thuật được đảm bảo rất cao và ngày càng ít khi xảy ra các biến chứng nguy hiểm.
Nhưng trong một số trường hợp, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số các vấn đề như khô mắt, cảm giác chói sáng, nhìn đôi, ít cải thiện thị lực, giảm thị lực,... là những biến chứng của phẫu thuật cận thị.
Do đó, người bệnh cần tự theo dõi tốt tình trạng của bản thân sau khi phẫu thuật để phát hiện sớm, thông báo ngay với bác sĩ điều trị để có hướng xử trí kịp thời các biến chứng nếu có xảy ra.
Chăm sóc sau phẫu thuật cận thị là vô cùng quan trọng đối với việc đảm bảo kết quả phẫu thuật và quá trình phục hồi bình thường của bệnh nhân.
Người bệnh sau phẫu thuật cần đeo các loại kính bảo hộ, không để xà phòng hoặc các chất tẩy rửa dính vào mắt, sử dụng các loại nước mắt nhân tạo để tránh khô mắt, tránh vận động mạnh, chế độ ăn đảm bảo với các loại dưỡng chất tốt cho mắt,... sẽ giúp phòng tránh đáng kể các nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật cận thị và giúp bệnh nhân bình phục nhanh hơn.
Trên đây là giải đáp cơ bản cho một số các thắc mắc thường gặp nhất về phẫu thuật cận thị. Nếu bản thân còn nhiều băn khoăn, hãy thăm khám để được bác sĩ đánh giá, chẩn đoán và đưa ra những lời khuyên chính xác, phù hợp nhất đối với tình trạng của bản thân.