Nhân viên văn phòng có thời gian dùng thiết bị màn hình kéo dài có thể phải đối mặt với hội chứng thị giác màn hình (CVS).
Càng ngày, tỷ lệ người trẻ tuổi gặp phải những vấn đề về mắt càng tăng cao, nhất là những người làm công việc trong văn phòng và phải tiếp xúc với màn hình máy tính ít nhất là 8 tiếng mỗi ngày. Cường độ tiếp xúc này càng nhiều và tăng cao do vào thời điểm cuối năm dân văn phòng phải dồn dập công việc. Ngoài việc phải đối mặt với những tổn thương trong cột sống như đau lưng, đau vai, mỏi cổ thì nhân viên văn phòng còn có tỷ lệ gặp các tình trạng mỏi mắt, khô mắt sau khi về nhà. Tỷ lệ này lên đến hơn 70% (báo cáo tại viện nghiên cứu Sức khỏe và An toàn Lao động quốc gia Malaysia).
Những vấn đề về thị giác như dùng màn hình máy tính quá lâu được gọi là hội chứng thị giác màn hình (CVS).
Theo Hiệp hội Thị lực Hoa Kỳ (American Optometric Association), hội chứng thị giác màn hình (Computer Vision Syndrome – CVS) là một tập hợp các vấn đề về mắt và thị lực liên quan đến những hoạt động gây căng thẳng cho tầm nhìn gần, có mối liên hệ với quá trình sử dụng máy tính.
Hội chứng này bao gồm các triệu chứng thị giác suy yếu do tương tác, sử dụng màn hình máy tính, màn hình điện thoại quá lâu. Các triệu chứng chính được ghi nhận từ các nhân viên văn phòng thường là mỏi mắt, kích ứng, có cảm giác nóng rát, đỏ mắt, mờ mắt và nhìn thấy song ảnh (nhìn đôi).
Đôi khi hội chứng này sẽ biến mất vào cuối ngày làm việc, tuy nhiên nhiều người sẽ bị kéo dài liên tục, sau nhiều giờ làm. Hội chứng thị giác màn hình sẽ trở nên trầm trọng nếu như không biết cách khắc phục và có những phương pháp hạn chế.
Những tác nhân có thể dẫn đến các triệu chứng của hội chứng thị giác màn hình bao gồm: ánh sáng của thiết bị (ánh sáng quá kém hoặc quá chói); thời gian nhìn màn hình quá lâu, nhìn chằm chằm, khoảng cách màn hình không hợp lý, đang mắc các vấn đề về mắt....
Mức độ nặng hay nhẹ phụ thuộc vào thời gian nhìn màn hình máy tính, hoặc những người bị viễn thị, loạn thị, mắt điều tiết kém...đều góp phần khiến hội chứng này trầm trọng hơn.
Đôi khi chúng ta không thể rời bỏ màn hình máy tính do đặc thù công việc. Tuy nhiên, ngay cả khi vẫn sử dụng màn hình, bạn vẫn có thể khắc phục được hội chứng thị giác màn hình và những triệu chứng về mắt do sử dụng thiết bị điện tử lâu.
- Kiểm soát ánh sáng
- Giữ khoảng cách và tư thế ngồi: Theo khuyến cáo, bạn nên để mắt cách màn hình khoảng 40–75cm và tạo thành một góc khoảng 20º với giữa màn hình. Tư thế ngồi cũng cần thay đổi sao cho lưng luôn giữ thẳng, bàn chân nằm trên sàn và vuông góc với cẳng chân.
- Giải quyết các vấn đề về thị lực.
Các yếu tố môi trường, cụ thể ở đây là yếu tố ánh sáng có ảnh hưởng trực tiếp đến hội chứng suy giảm thị lực. Đèn điện, cửa sổ, ảnh sáng mặt trời quá yếu hoặc quá chói đều ảnh hưởng đến sự điều tiết của mắt.
Nếu ánh sáng bên ngoài quá chói, bạn cần khép nhẹ cửa hoặc sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như rèm cửa, bộ lọc ánh sáng hoặc thiết kế lại vị trí ngồi khiến mắt không bị mỏi.
Các đối tượng trong độ tuổi khác nhau cũng sẽ có nhu cầu về độ sáng khác nhau. Các nhân viên trên 50 tuổi có xu hướng cần gấp đôi mức độ sáng so với thanh niên để thực hiện cùng một công việc.
Ngoài ra, cũng cần cân bằng giữa ánh sáng màn hình và ánh sáng xung quanh. Nếu xung quanh ánh sáng nhiều thì màn hình cũng cần có độ sáng cao, hoặc ngược lại. Điều này giúp mắt của bạn điều tiết tương ứng hơn.
Vừa làm vừa cân bằng thời gian nghỉ ngơi, đây là cách giúp mắt có thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
Khi làm việc với máy tính không ngừng nghỉ trong hơn 4 giờ đồng hồ rất dễ gây ra mỏi mắt, khô mắt. Do đó, thường xuyên nghỉ ngơi trong thời gian ngắn có thể khôi phục và làm thư giãn các hệ thống hỗ trợ ở mắt, ngăn ngừa mờ mắt, mỏi mắt. Một vài nghiên cứu cho thấy, khi tập trung quá lâu vào màn hình máy tính, chúng ta có xu hướng ít chợp mắt hơn bình thường. Điều này góp phần khiến mắt khô hơn, cay mắt hoặc chảy nước mắt.
Bạn cũng có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt để giúp mắt bôi trơn, giữ ẩm, giảm kích ứng mắt. Những người bị loạn thị, cận thị phải đeo kính nên sử dụng các loại kính tốt, cản tia UV và hạn chế bức xạ do ánh sáng màn hình tác động lên mắt.
Ngoài ra, để giảm kích ứng cho mắt và ngăn ngừa hội chứng thị giác màn hình ở dân văn phòng, bạn có thể tập các bài tập nhìn xa hoặc massage cho mắt khoảng 1 tiếng, 1 lần. Việc đứng lên đi lại thường xuyên cũng giúp hạn chế các vấn đề về xương khớp và thị giác. Ngoài ra, cần điều chỉnh thời gian sử dụng thiết bị sau khi về nhà. Tốt nhất sau khi về nhà, bạn chỉ nên dùng thêm khoảng 30 phút đến 1 tiếng, hạn chế sử dụng điện thoại và laptop vào ban đêm cũng là cách giúp hạn chế các vấn đề thị giác.