Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở bệnh nhân tiểu đường

Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở bệnh nhân tiểu đường
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một sự rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong lúc ngủ

 Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một sự rối loạn đặc trưng bởi sự ngừng thở từng lúc về đêm trong lúc ngủ, có thể dẫn tới thiếu oxy máu và liên quan đến ngủ ngày quá nhiều. Đây là tình trạng nội khoa thường gặp, nhưng không được nhận biết. Do đó không được chẩn đoán ở nhiều bệnh nhân người lớn.

Theo ước tính, có 26% số người trưởng thành có nguy cơ cao bị hội chứng ngưng thở khi ngủ. Bình thường, đường hô hấp trên được nâng đỡ bởi các cấu trúc xương nhỏ và sụn bao quanh mũi và vùng hầu họng, giúp cho đường thở vẫn mở ra, không bị xẹp trong lúc ngủ, không khí vẫn lưu thông từ mũi và miệng vào trong phổi một cách dễ dàng. 

Tuy nhiên, đối với người bị hội chứng ngưng thở khi ngủ, những thành phần mô mềm như lưỡi và sụn của vùng hầu họng, bị tụt vào trong đường thở kèm kích thước của đường hô hấp trên bị giảm do sự phì đại quá mức của mô mềm bao xung quanh đường hô hấp dẫn đến xẹp đường hô hấp trên một phần hoặc hoàn toàn gây tắc nghẽn lưu lượng khí kết hợp với giảm tín hiệu thần kinh đến các cơ hô hấp trong lúc ngủ và do đó gây ra ngưng thở.

>>> Tìm hiểu thêm:  Hội chứng tăng áp lực nội sọ

1. Các loại chứng ngưng thở khi ngủ

Có 2 loại: ngưng thở trung ương và ngưng thở tắc nghẽn.

Ngưng thở trung ương: khi các tín hiệu thần kinh từ trung ương không dẫn truyền đến các cơ hô hấp, kết quả là không có gắng sức cử động của các cơ hô hấp và không có lưu lượng khí trao đổi ở phổi, mặc dù đường hô hấp vẫn mở ra đủ trong lúc ngủ, không bị xẹp hay tắc nghẽn.

Ngưng thở tắc nghẽn: gặp trong phần lớn các trường hợp. Đây là hậu quả của lưu lượng không khí qua mũi và miệng đến phổi giảm hoặc mất do hẹp hoặc xẹp đường hô hấp trên.

Ngoài ra còn có kiểu ngưng thở khi ngủ hỗn hợp.

2. Triệu chứng 

Ngáy và buồn ngủ vào ban ngày là những than phiền thường gặp nhất của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, những triệu chứng khác bao gồm: có mệt mỏi, thiếu tập trung vào ban ngày, đau thắt ngực về đêm và hay giật mình thức giấc về đêm kèm theo thở gấp, ngạt thở. Khám lâm sàng có thể phát hiện béo phì là dấu hiệu thường gặp nhất. 

Bên cạnh đó, tất cả bệnh nhân nên được khám tai mũi họng để phát hiện nguồn gốc của tắc nghẽn hô hấp trên: tắc nghẽn mũi, phì đại amidan, lưỡi và gà VA, vẹo vách ngăn, mà những tắc nghẽn này có thể điều chỉnh được bằng phẫu thuật.

Ảnh 3.

Ngáy là âm thanh được tạo ra bởi sự rung động của mô mềm của đường hô hấp trên trong lúc ngủ. Ngáy thường xảy ra trong lúc hít vào, nhưng cũng có thể xảy ra trong lúc thở ra. Thói quen ngủ ngáy là thường gặp, khoảng 44% ở nam và 28% ở nữ ở độ tuổi từ 30 - 60 trong dân số chung có ngủ ngáy.

Ngáy là dấu hiệu chỉ điểm của tình trạng tăng kháng lực của đường hô hấp trên. Nó có thể là một dấu hiệu của hội chứng ngưng thở khi khi ngủ và có thể liên quan với tình trạng hẹp đường hô hấp trên, bao gồm: béo phì, sung huyết ở mũi, bất thường của sọ mặt, phì đại amidan và suy giáp.

Mặc dù ngáy và ngủ ngày nhiều là triệu chứng điển hình của hội chứng ngưng thở khi ngủ. Tuy nhiên, ngáy chưa đủ để chẩn đoán, phải kèm với ngưng thở, tiếng khịt mũi, thở gấp, nghẹt thở và kèm theo buồn ngủ nhiều vào ban ngày như ngủ gật khi lái xe, khi xem ti vi, sách báo.

3. Đối tượng nào dễ bị hội chứng này?

Những yếu tố nguy cơ của hội chứng ngưng thở khi ngủ đã được xác định bao gồm:

- Béo phì: nhiều nhất.

- Bất thường cấu trúc sọ mặt và mô mềm đường hô hấp trên:

Vị trí, kích thước bất thường xương hàm trên, hàm dưới; phì đại amiđan, mô lympho, VA; khoang mũi hẹp.

Nghiên cứu cho thấy khi những yếu tố này càng tăng thì bệnh nhân càng dễ phát triển hội chứng ngưng thở khi ngủ.

Những yếu tố nguy cơ tiềm ẩn bao gồm có:

- Di truyền.

- Hút thuốc lá: tăng 3 lần hội chứng ngưng thở khi ngủ.

- Sung huyết mũi: tăng 2 lần.

Đái tháo đường đề kháng insulin tăng 3 lần.

- Các yếu tố khác: rượu, thuốc an thần, mãn kinh, nam giới tăng cao hơn nữ.

4. Ảnh hưởng của chứng ngưng thở khi ngủ 

Ngưng thở khi ngủ gây giảm oxy máu và tăng khí CO2 ở máu, tình trạng này sẽ hoạt hóa thần kinh giao cảm gây co mạch, tăng nhịp tim dẫn đến tăng huyết áp, suy tim sung huyết, loạn nhịp tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ và bệnh lý mạch máu não

Các nghiên cứu cho thấy ngoài những yếu tố nguy cơ tim mạch đã biết như: hút thuốc lá, đái tháo đường và rối loạn lipid máu thì hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng làm tăng nguy cơ tim mạch lên gấp 3 lần.

Các nghiên cứu cũng chứng rỏ rằng nguy cơ tử vong, tăng huyết áp gia tăng khi tổng số đợt ngưng thở khi ngủ trong 1 giờ càng gia tăng. Có nghĩa là số lần ngưng thở khi ngủ càng cao thì tỉ lệ bệnh tim mạch càng cao.

5. Điều trị 

Khi bệnh nhân đến gặp bác sĩ than phiền vì triệu chứng ngủ ngáy và buồn ngủ vào ban ngày quá mức, bác sĩ khám lâm sàng phát hiện có các triệu chứng nghi ngờ như: béo phì hoặc khám tai mũi họng nghi ngờ bất thường về cấu trúc sọ mặt và mô mềm của đường hô hấp trên, bệnh nhân sẽ được chỉ định đo đa ký giấc ngủ.

Đa ký giấc ngủ là phương pháp đo ít nhất 7 tín hiệu: điện não đồ, điện mắt, điện cơ, điện tâm đồ, lưu lượng khí ở mũi, cử động gắng sức hô hấp của các cơ ở thành ngực và bụng và độ bão hòa oxy. Do đó, bệnh nhân sẽ được gắn các điện cực theo dõi, đeo máy đo độ bão hòa oxy ở ngón tay, đeo dây đai ở ngực để theo dõi cử động hô hấp của ngực và bụng, đeo dây oxy ở mũi để đo lưu lương khí qua mũi. 

Phương pháp này sẽ thực hiện tại theo dõi giấc ngủ có camera quan sát, tín hiệu sẽ được truyền về phòng theo dõi của kỹ thuật viên. Phòng theo dõi giấc ngủ được thiết kế đầy đủ tiện nghi giống như ở nhà để tạo cho bệnh nhân có một giấc ngủ tự nhiên như thường ngày.

Nếu bệnh nhân vừa có có triệu chứng ngủ ngáy và buồn ngủ ban ngày nhiều kèm trên đa ký giấc ngủ có ghi nhận có tổng số đợt ngưng thở lớn hơn 5 lần trong 1 giờ khi ngủ và mỗi đợt ngưng thở kéo dài ít nhất là 10 giây, thì bệnh nhân được chẩn đoán có hội chứng ngưng thở khi ngủ.

- Tiêu chuẩn chẩn đoán độ nặng của hội chứng ngưng thở khi ngủ tùy thuộc vào tổng số đợt ngưng thở trong 1 giờ.

Mức độ nhẹ: 6 - 15 đợt/ 1 giờ.

Trung bình: 16 - 30 đợt/giờ.

Nặng: > 30 đợt/giờ.

- Điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ tùy thuộc vào mức độ nhẹ, trung bình hay nặng.

Mức độ nhẹ: chủ yếu thay đổi lối sống: giảm cân, dùng gối tránh ngáy, ngủ tư thế nghiêng, tránh sử dụng rượu, thuốc lá, thuốc an thần. Hoặc dùng dụng cụ nâng hàm: một dùng cụ gắn ở miệng có tác dụng đưa hàm dưới ra trước, tăng khoảng trống của vùng hầu và vùng sau đáy lưỡi, giảm tính xẹp của vùng hầu.

Mức độ trung bình: một số bệnh nhân được điều trị theo phương pháp phẫu thuật tạo hình vòm miệng hầu lưỡi gà nếu nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ là do bất thường về cấu trúc vùng tai mũi họng: khi đó bệnh nhân sẽ được cắt amidan, lưỡi gà và vòm khẩu cái sau.

Mức độ nặng: thở áp lực dương liên tục trong lúc ngủ với máy thở CPAP, gắn với mặt nạ mũi hoặc mặt nạ miệng, được chỉ định đối với các trường hợp hội chứng ngưng thở khi ngủ mức độ trung bình và nặng. Máy thở CPAP có tác dụng:

- Giúp mở và ngăn ngừa xẹp đường hô hấp trên.

- Giảm buồn ngủ vào ban ngày ở hầu hết tất cả bệnh nhân.

- Cải thiện tăng huyết áp, tiểu đêm.

Vì thế, chúng ta hãy nghĩ đến hội chứng ngưng thở khi ngủ trong các bệnh lý tim tim mạch và hãy nhớ đến các biến chứng tim mạch trong hội chứng ngưng thở khi ngủ, nhằm để:

- Xác định đối tượng mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ và điều trị sớm.

- Từ đó sẽ giảm được biến cố tim mạch và giảm được tỉ lệ tử vong.

Tác giả: HY