Hội chứng đau khu vực là gì? Tổng quan về hội chứng đau khu vực

Hội chứng đau khu vực là gì? Tổng quan về hội chứng đau khu vực
Hội chứng đau khu vực là một tình trạng khá hiếm gặp trên lâm sàng, biểu hiện bằng tình trạng đau mãn tính sau một tổn thương đã xảy ra trước đó. Nếu không được quan tâm đúng mức và điều trị kịp thời bệnh có thể gây nên nhiều biến chứng khác nhau.

1. Hội chứng đau khu vực là gì?

Hội chứng đau khu vực (hay còn gọi là CRPS) là tên gọi dùng để chỉ tình trạng đau mãn tính, thường xuất hiện ở những bệnh nhân có tiền sử chấn thương trước đó (chân, tay,...), nhưng đôi khi có thể xuất hiện sau khi mắc một bệnh lý (bệnh tim).

Điểm đặc biệt của hội chứng đa khu vực là đau xuất hiện sau khi bệnh lý hoặc chấn thương đã lành, và mức độ biểu hiện đau ở bệnh nhân thường không phù hợp với mức độ tổn thương mà bệnh nhân gặp phải trước đó. Đây là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể khiến người bệnh bị tàn tật vĩnh viễn.

hoi-chung-dau-cuc-bo-phuc-hop-1024x683

Hội chứng đau khu vực

2. Nguyên nhân gây hội chứng đau khu vực

Mặc dù, người ta đã công nhận hội chứng đau khu vực là một tình trạng bệnh lý, nhưng nguyên nhân chính xác gây nên hội chứng đa khu vực là gì thì vẫn là một dấu hỏi lớn. Có khá nhiều giả thiết được đưa ra nhằm giải đáp cho vấn đề này, một số giả thiết về nguyên nhân gây hội chứng đau khu vực được tán thành đông đảo bao gồm:

- Chấn thương: Chấn thương được cho là một trong các nguyên nhân gây nên hội chứng đa khu vực. Người bệnh thường cảm thấy đau sau khi một chấn thương xảy ra, thường ở vị trí tay, chân như bong gân, gãy xương, chấn thương mô mềm, bó bột, phẫu thuật,....

8fcgay-xuong-quay

Hội chứng đau khu vực thường xuất hiện sau chấn thương

Tuy nhiên, không phải bất kỳ bệnh nhân nào sau chấn thương cũng mắc hội chứng đau khu vực. Vì sao có sự khác biệt này giữa các bệnh nhân vẫn là điều chưa biết rõ.

- Mạch máu: Vì một nguyên nhân nào đó khiến sự bất thường trong hoạt động của các mạch máu (co mạch, giãn mạch) có thể khiến máu cung cấp cho các cơ không đủ, nên nhu cầu oxi không được đáp ứng. Điều này khiến quá trình chuyển hóa năng lượng diễn ra theo con đường yếm khi tạo nên các sản phẩm trung gian gây đau cho bệnh nhân.

- Miễn dịch: Yếu tố miễn dịch được cho là có vai trò nhất định trong sự khởi phát hội chứng đau khu vực. Người ta thấy rằng, ở bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực thì nồng độ các cytokin trong cơ thể cao hơn nhiều so với người bình thường, hay gặp hơn ở những người mắc các bệnh lý tự miễn (hệ miễn dịch hoạt động quá mức tấn công các thành phần của cơ thể) như bệnh hen suyễn,...

- Thần kinh: Khi hệ thần kinh bị tổn thương (thường hay gặp là tổn thương hệ thần kinh ngoại biên gồm dây thần kinh và hạch thần kinh) cũng có thể là nguyên nhân gây khởi phát hội chứng đau khu vực.

* Ai có nguy cơ dễ mắc hội chứng đau khu vực?

Theo các thống kê dịch tễ học, người ta nhận thấy rằng hội chứng đau khu vực thường hay xảy ra hơn ở phụ nữ hơn là nam giới. Và bệnh thường mắc ở người trong độ tuổi trưởng thành hơn là trẻ em, rất hiếm gặp ở những trẻ em nhỏ hơn 10 tuổi.

3. Phân loại

Trên thực tế, người ta thường phân chia hội chứng đau khu vực thành hai loại chính là:

Loại 1- Hội chứng đau khu vực không có tổn thương thần kinh: Bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực loại này thường khởi phát bệnh sau một chấn thương rất bình thường như bong gân, gãy mắt cá,... Đây là phân loại hội chứng đau khu vực xảy ra phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ đến hơn 90% các trường hợp bệnh nhân. Trước kia, nó được gọi với tên là rối loạn trương lực giao cảm.

Loại 2- Hội chứng đau khu vực có tổn thương thần kinh: Là phân loại hội chứng đau khu vực xảy ra ở những bệnh nhân trải qua các tổn thương nghiêm trọng trước đó chẳng hạn gãy xương, phẫu thuật hoặc một tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng,... Phân loại hội chứng đau khu vực này ít gặp hơn và trước kia được gọi là đau cơ.

* Phân độ giai đoạn của hội chứng đau khu vực

Thông thường, một bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực theo thể điển hình sẽ tiến triển qua ba giai đoạn bao gồm:

- Giai đoạn 1: Là giai đoạn mở đầu của bệnh, thời gian thường kéo dài từ 2-3 tháng với biểu hiện là tăng nhiệt độ tại vùng đau. Thường gọi là giai đoạn cấp tính.

- Giai đoạn 2: Là giai đoạn tiếp theo của bệnh kéo dài trong vài tháng tiếp theo kể từ sau giai đoạn 1, biểu hiện của giai đoạn này chủ yếu là sự rối loạn vận mạch tại vùng mắc hội chứng đau khu vực. Thường gọi là giai đoạn loạn dưỡng.

- Giai đoạn 3: Là giai đoạn cuối của bệnh, vùng bị hội chứng đau khu vực thường trở nên lạnh đi so với các vùng khác của cơ thể và có biểu hiện teo cơ do giảm vận động. Thường gọi là giai đoạn teo.

4. Triệu chứng biểu hiện của hội chứng đau khu vực như thế nào?

4.1. Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực thường có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng. Một số biểu hiện thường gặp của hội chứng này trên thực tế bao gồm:

- Đau: Đau là biểu hiện điển hình nhất trong các triệu chứng của hội chứng đau khu vực, xuất hiện ở mọi người bệnh. Tình trạng đau thường khởi phát sau khi bệnh nhân bị một tổn thương nào đó, mặc dù tổn thương đã được chữa khỏi. Đau không cân xứng với mức độ tổn thương mà bệnh nhân gặp phải, cường độ đau thường mạnh hơn rất nhiều so với tổn thương.

Đau thường tăng mạnh lên khi bệnh nhân cảm thấy căng thẳng hoặc khi có các động nhẹ như nhiệt độ, va chạm nhẹ cũng có thể khiến đau tăng lên. Đôi khi, đau có thể bùng phát thành các cơn đau cấp (tăng mạnh cường độ đau) kéo dài vài ngày cho đến vài tuần rồi lại trở về tình trạng đau mãn tính như bình thường.

hoi-chung-dau-khu-vuc-1

Người mắc hội chứng đau khu vực thường cảm thấy đau đớn kéo dài

- Biến đổi tính chất da: Khi bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực thì tính chất da tại khu vực cơ thể bị bệnh sẽ có những biến đổi nhất định về màu sắc da (thường đỏ hơn), độ ẩm da thường giảm dẫn đến khô da, sờ da có cảm giác nóng,... Ngoài ra, các thành phần trên da như lông và tóc cũng bị ảnh hưởng trở nên giòn và dễ bị gãy hơn.

- Dị cảm: Người bệnh có thể có các cảm giác bất thường không có thực tại vùng bị hội chứng đau khu vực như cảm giác kiến cắn, châm chích, không cảm nhận được vị trí mắc hội chứng đau khu vực, hoặc cảm nhận sai lệch về kích thước chi bệnh,....

- Cơ bắp: Tình trạng teo cơ, run cơ, giật cơ, co rút cơ,... là những vấn đề ở cơ có thể xảy ra trên bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực. Những biểu hiện này khiến khả năng vận động của bệnh nhân trở nên hạn chế.

- Xương khớp: Cứng khớp, giảm tầm vận động khớp, loãng xương,... cũng là những biểu hiện có thể thấy trên bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực.

Bên cạnh đó, ta còn có thể thấy một số các triệu chứng không đặc trưng khác như dấu hiệu nhiễm trùng, ổ loét,... tại vùng cơ thể mắc hội chứng đau khu vực của bệnh nhân.

4.2. Triệu chứng cận lâm sàng

Các cận lâm sàng, xét nghiệm được thực hiện trên bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực thường chỉ nhằm mục đích loại trừ các bệnh lý khác có biểu hiện tương tự như hội chứng đau khu vực. Các xét nghiệm thường được thực hiện:

- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu là cận lâm sàng thường quy cho bệnh nhân hội chứng đau khu vực. Nó có ý nghĩa giúp loại trừ có nhiễm trùng đang xảy ra hay không, có các bệnh lý khớp như viêm khớp dạng thấp, gout đang xảy ra hay không,...

- X-Quang, CT-Scan, MRI: Một số xét nghiệm hình ảnh học như X-Quang, CT-Scan, MRI có thể được dùng để đánh giá xem có tồn tại tổn thương tại xương (gãy xương, loãng xương, thoái hóa,...) đang xảy ra hay không hoặc có bất thường cấu trúc mô mềm quanh xương hay không.

- Thử nghiệm điện: Dùng một dòng điện để đánh giá khả năng dẫn truyền điện của dây thần kinh. Điều này sẽ giúp loại trừ việc đây thần kinh bị tổn thương (đứt dây thần kinh).

5. Phương pháp điều trị

Để điều trị hội chứng đau khu vực, bác sĩ có thể phối hợp nhiều phương pháp điều trị khác nhau kể cả sử dụng thuốc, không sử dụng thuốc, phẫu thuật,... để giúp bệnh nhân cải thiện bệnh tốt hơn.

5.1. Điều trị hội chứng đau khu vực không dùng thuốc

Hội chứng đau khu vực là gì? Tổng quan về hội chứng đau khu vực - Ảnh 4.

Chườm nóng, chườm lạnh có thể được sử dụng để giảm đau cho bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực

- Vật lý trị liệu: Các phương pháp vật lý trị liệu và phục hôi chức năng có thể được áp dụng trong điều trị hội chứng đa khu vực. Tùy thuộc vào vị trí đau của bệnh nhân mà sẽ có sự lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp như nhiệt trị liệu, thủy trị liệu, vận động trị liệu,... Các phương pháp này có tác dụng làm tăng lưu lượng máu đến khu vực bệnh, tăng nuôi dưỡng do đó làm giảm biểu hiện và giúp ngăn ngừa biến chứng.

- Tâm lý trị liệu: Tình trạng đau kéo dài do hội chứng đau khu vực có thể khiến người bệnh gặp một số vấn đề tâm lý như trầm cảm, lo lắng quá mức về tình trạng bản thân,... Do đó, các hỗ trợ về tâm lý cho người bệnh trong quá trình điều trị là thực sự cần thiết.

5.2. Điều trị hội chứng đau khu vực bằng thuốc

Hội chứng đau khu vực là gì? Tổng quan về hội chứng đau khu vực - Ảnh 5.

Sử dụng thuốc để điều trị hội chứng đau khu vực

Mặc dù điều trị bằng thuốc được cho là có hiệu quả đối với một số bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực, nhưng không phải bất kỳ bệnh nhân nào cũng có đáp ứng tốt với thuốc khi điều trị. Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị hội chứng đau khu vực trên thực tế như:

- Thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid: Các loại thuốc kháng viêm giảm đau không Steroid như ibuprofen, naproxen,... có thể được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân hội chứng đau khu vực khi cơn đau ở mức độ nhẹ hoặc trung bình.

- Corticoids: Nếu bệnh nhân biểu hiện bằng các triệu chứng rầm rộ, đau nhiều mà sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau không steroid không thể giúp kiểm soát bệnh thì người bệnh có thể được cho sử dụng Corticoid để điều trị. Tuy nhiên chỉ nên sử dụng liều thấp nhất cho hiệu quả trong thời gian ngắn nhất để điều trị bởi thuốc gây nên rất nhiều tác dụng phụ. Đại diện hay được sử dụng là prednisolon.

- Opioids: Các opiods như morphin, codein,...có thể được sử dụng cho bệnh nhân có cơn đau diễn ra quá dữ dội mà cả việc sử dụng Corticoids cũng không thể mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng Opioids trong điều trị hội chứng đau khu vực cần được giám sát chặt chẽ bởi thuốc có khả năng gây nghiện.

- Thuốc chống co giật: Để ngăn ngừa tình trạng co giật xảy ra, người bệnh có thể được cho sử dụng các thuốc chống co giật như gabapentin, pregabalin,... Việc sử dụng các thuốc chống co giật có thể khiến bệnh nhân gặp một số tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, tăng cân,...

- Thuốc chống trầm cảm: Tình trạng đau đớn, những biểu hiện khác nhau của bệnh có thể tác dụng làm bệnh nhân gặp các vấn đề tầm lý khác nhau. Do đó, bệnh nhân có thể được cho sử dụng các loại thuốc chống trầm cảm ba vòng amitriptyline và nortriptyline,... để ổn định tâm lý cho người bệnh.

- Thuốc tê: Người ta cũng có thể tiêm thuốc tê cho bệnh nhân vào chi bị đau hoặc vào khu vực tủy sống của bệnh nhân để làm mất cảm giác đau đớn cho người bệnh. Việc tiêm thuốc tê trực tiếp khiến thuốc đạt hiệu quả cao hơn và hạn chế tác dụng phụ tốt hơn so với việc sử dụng đường toàn thân.

5.3. Điều trị hội chứng đau khu vực bằng kích thích điện

Người ta có thể sử dụng một dòng điện với hiệu điện thế và cường độ phù hợp để tác dụng vào cơ quan thần kinh tại các vị trí nhất định trên cơ thể bệnh nhân như tủy sống, hạch thần kinh, dây thần kinh, màng não,.. để kích thích chúng và cố gắng đưa chúng trở về sự hoạt động bình thường. Ưu điểm của kích thích điện trong điều trị hội chứng đau khu vực là không đau và không xâm lấn.

5.4. Phẫu thuật

Hiện nay phẫu thuật vẫn là một phương pháp gây tranh cãi về tính hiệu quả khi áp dụng trên bệnh nhân hội chứng đau khu vực. Thông thường, nó chỉ được khuyến cáo nên áp dụng trên các bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực liên quan đến các hạch thần kinh giao cảm.

3dfbb109-01a2-4aed-90ad-4766e4aae924

Điều trị hội chứng đau khu vực bằng phẫu thuật

Cắt cụt chi cũng là một phương pháp có thể được áp dụng để điều trị hội chứng đau khu vực trong trường hợp có các nhiễm trùng nặng kéo dài dai dẳng, loét nhiều kháng trị, hoặc với mục đích giữ gìn tối đa các chức năng còn lại của chi.

6. Biến chứng của hội chứng đau khu vực là gì?

Hội chứng đau khu vực có thể gây nên khá nhiều biến chứng khác nhau nếu không được quan tâm đúng mức và điều trị kịp thời. Những biến chứng thường gặp do hội chứng đau khu vực bao gồm:

- Teo cơ: Hội chứng đau khu vực khiến bệnh nhân hạn chế vận động do đau liên tục, vì vậy làm giảm cường độ sử dụng các cơ. Thời gian kéo dài có thể gây nên hậu quả là teo cơ.

- Co rút cơ, cứng khớp: Co rút cơ, cứng khớp cũng là hậu quả của việc giảm vận động ở bệnh nhân hội chứng đau khu vực. Lâu dần, tình trạng co rút cơ và cứng khớp có thể không còn khả năng hồi phục được nữa gây tàn tật cho người bệnh.

- Trầm cảm: Các vấn đề về tâm lý rất hay xảy ra trên bệnh nhân hội chứng đau khu vực, những vấn đề này thường do tình trạng đau liên tục, sự lo lắng đối với bệnh tình của bản thân,.. Một tỷ lệ khá lớn người bệnh hội chứng đau khu vực được ghi nhận bị mắc trầm cảm, thậm chí có nhiều bệnh nhân đã cố gắng tìm cách tự vẫn để kết thúc cuộc sống.

- Đôi khi hội chứng đau khu vực cũng có thể gây biến chứng khiến bạn bị nhiễm trùng mãn tính và loét kháng trị.

- Ngoài ra, do liên quan đến yếu tố thần kinh giao cảm nên nó cũng ảnh hưởng đến một số cơ quan trong cơ thể được chi phối bởi hệ này khiến bệnh nhân bị tức ngực, tim đập nhanh, khó thở, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn bài tiết cortisol,...

7. Phòng tránh hội chứng đau khu vực như thế nào?

Một số biện pháp nhất định mặc dù không đặc hiệu nhưng nếu được vận dụng đúng cách có thể giảm bớt nguy cơ mắc hội chứng đau khu vực như:

- Sử dụng vitamin C: Sau khi gặp các chấn thương như gãy chân, gãy tay,... thì việc sử dụng bổ sung vitamin C sẽ giúp bệnh nhân hạn chế đáng kể nguy cơ mắc hội chứng đau khu vực so với những người bệnh không được sử dụng vitamin C.

- Tập vận động sớm: Sự vận động sớm ngay nhất có thể sau khi xảy ra đột quỵ được ghi nhận là có khả năng giúp bệnh nhân phòng chống được nguy cơ mắc hội chứng đau khu vực.

Hội chứng đau khu vực là gì? Tổng quan về hội chứng đau khu vực - Ảnh 7.

Tập vận động sớm sau chấn thương, phẫu thuật giúp phòng tránh hội chứng đau khu vực

8. Một số câu hỏi thường gặp về hội chứng đau khu vực

- Hội chứng đau khu vực cần được phân biệt với các bệnh lý nào?

Do không có tiêu chuẩn cụ thể để chẩn đoán hội chứng đau khu vực, vì vậy việc chẩn đoán bệnh cần được thực hiện thận trọng và phân biệt với các bệnh lý tương tự. Hội chứng đau khu vực cần được chẩn đoán phân biệt với một số bệnh lý khác như chấn thương gân, các bệnh lý dây thần kinh (viêm dây thần kinh, viêm đa dây thần kinh,...), thoái hóa cột sống, hội chứng lồng ngực,...

- Người bệnh hội chứng đau khu vực có cần nhập viêm không?

Thông thường việc nhập viện là không cần thiết ở bệnh nhân mắc hội chứng đau khu vực và bệnh nhân sẽ được điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau đớn của bệnh nhân diễn ra nghiêm trọng và bệnh tiến triển nhanh chóng thì người bệnh có thể được yêu cầu nhập viện để thực hiện các điều trị thích hợp.

- Hội chứng đau khu vực có di truyền không?

Người ta nhận thấy rằng, yếu tố di truyền có sự ảnh hưởng nhất định đến khả năng mắc hội chứng đau khu vực ở người bệnh. Những người có người thân mắc hội chứng đau khu vực có tỷ lệ mắc hội chứng này cao hơn hẳn so với người bình thường. Cơ chế ảnh hưởng của di truyền đến khởi phát hội chứng đau khu vực chưa được làm rõ.

Có thể thấy rằng, hội chứng đau khu vực là một tình trạng nguy hiểm cần được quan tâm đúng mức và điều trị kịp thời để tránh gây nên các hậu quả đáng tiếc. Vì vậy, nếu cảm thấy cơ thể có biểu hiện đau đớn bất thường sau khi một chấn thương trên cơ thể đã lành hoặc đau không tương xứng với tổn thương, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Tác giả: QN