Hoãn điều trị vô sinh do dịch COVID-19, bác sĩ chỉ ra hậu quả khôn lường

Hoãn điều trị vô sinh do dịch COVID-19, bác sĩ chỉ ra hậu quả khôn lường
Nhiều cặp vợ chồng hiện nay đang có nguy cơ giảm tỷ lệ thụ thai do trì hoãn điều trị vô sinh do dịch COVID-19.

Trì hoãn điều trị vô sinh do dịch COVID-19

Hơn 11 năm qua, chị Ngân (31 tuổi, tại TP HCM) mong muốn có được mụn con, chị cùng chồng đã đến Bệnh viện Tâm Anh để chữa hiếm muộn. Tuy nhiên, thời gian qua do dịch COVID-19, vợ chồng chị đành phải tạm hoãn việc điều trị. Mới đây, bác sĩ thông báo cho chị biết, nếu tiếp tục trì hoãn điều trị, chị rất có thể phải đối mặt với tình huống xấu nhất là phải xin trứng do chỉ số dự trữ buồng trứng quá thấp. Điều này khiến chị vô cùng lo lắng.

Đợt dịch thứ 4 phức tạp tại TP HCM và nhiều địa phương đã gây quá tải cho hệ thống y tế và làm ảnh hưởng đến các cấp cứu y tế khác. Bên cạnh đó, giãn cách xã hội khiến các cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh hiếm muộn gần như phải dừng chu kỳ hoặc trì hoãn điều trị.

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nếu trì hoãn thêm cho đến khi hết dịch bệnh, có thể cơ hội có con của bệnh nhân không còn nhiều vì dự trữ buồng trứng ngày càng suy giảm.

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, bác sĩ sẽ xác định những lần tái khám thật cần thiết, còn lại có thể hỗ trợ tư vấn online, kết hợp với hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC tại các địa phương để tiêm thuốc kích trứng hay phối hợp bác sĩ sản khoa, theo dõi các thông tin người bệnh.

Ngoài ra, bệnh viện đã tăng cường tối đa công tác phòng chống dịch bệnh. Bệnh nhân cũng sẽ được hỗ trợ tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi đến bệnh viện khám lần đầu để đảm bảo an toàn cho vợ chồng, hạn chế tối đa việc phải tiếp tục trì hoãn điều trị.

 - Ảnh 2.

Bác sĩ Giang Huỳnh Như. Ảnh: Phong Lan.

Đọc thêm:

40% nam giới bị vô sinh ở cặp vợ chồng hiếm muộn, 7 cách sau đây giúp cải thiện chất lượng tinh trùng tự nhiên

Lo ngại liệu vắc-xin COVID-19 có làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản?

Các cặp vợ chồng vô sinh nên chữa vô sinh sớm

Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, mặc dù hiện nay việc điều trị vô sinh hiếm muộn ca khó, nhất là các trường hợp dự trữ buồng trứng rất thấp, thậm chí dưới 0,1 thì vẫn có thể điều trị được. Tuy nhiên, không nên vì thế mà người bệnh trì hoãn lâu việc điều trị vì sẽ gây nhiều khó khăn cho cả bác sĩ và người bệnh.

Phác đồ kích thích buồng trứng nhẹ (Mild stimulation) với rất ít thuốc kích thích buồng trứng được thiết kế riêng cho từng người nhằm đảm bảo tiết kiệm tối đa dự trữ buồng trứng còn lại, cũng như tiết kiệm thời gian, chi phí cho người bệnh. Bên cạnh đó, công nghệ hiện đại trong nuôi phôi, sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu và các xét nghiệm sàng lọc chất lượng phôi cũng như xét nghiệm xác định chính xác thời gian chuyển phôi giúp cho tỷ lệ thành công ở các trường hợp này tăng cao.

Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như cho biết thêm, hàng năm, hơn 1,5 triệu chu kỳ IVF được thực hiện trên toàn cầu. Khoảng 400.000 trẻ được sinh ra nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản, chiếm khoảng 0,3% tổng tỷ suất trẻ sống sau sinh hàng năm.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ vô sinh cao nhất trên thế giới và ngày càng trẻ hóa. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng một triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, chiếm 7,7% số cặp trong độ tuổi sinh đẻ. Trong đó, các cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30 chiếm 50%. Tình trạng vô sinh thứ phát cũng đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

"Liệu có nên chờ đến hết dịch rồi mới khởi động việc khám và điều trị cho bệnh nhân hiếm muộn hay không, đó là trăn trở của các bác sĩ vô sinh hiếm muộn. Tuổi của cả nam và nữ đều ảnh hưởng đến cơ hội có thai nên cần linh hoạt điều trị bằng nhiều biện pháp, cách thức và thực hiện tốt sàng lọc, giãn cách và hạn chế tiếp xúc giữa bệnh nhân với bệnh nhân, và với nhân viên y tế", Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng chia sẻ.

Giữa dịch COVID-19, hơn 1.000 bệnh nhân hiếm muộn đã được khám từ xa và tư vấn với các chuyên gia điều trị vô sinh hiếm muộn của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng, việc lựa chọn phác đồ điều trị cũng như áp dụng các biện pháp bảo vệ tốt nhất cho bệnh nhân và nhân viên y tế trong quá trình điều trị đã được đưa ra. Trước đây, những bệnh nhân sử dụng thuốc kích thích buồng trứng cần phải tiêm thuốc mỗi ngày và cần đến bệnh viện thăm khám ít nhất 2 đến 3 lần trong quá trình kích thích buồng trứng. Trong tình hình dịch phức tạp, IVF Tâm Anh sử dụng những loại thuốc kích thích buồng trứng có tác dụng kéo dài (FSH tác dụng kéo dài) giúp bệnh nhân giảm được số lần tiêm thuốc và tần suất đến thăm khám. Việc trữ phôi hoặc trữ tinh trùng cũng là những biện pháp hiệu quả trong tình hình dịch bệnh vì bảo tồn được chất lượng phôi cũng như khả năng sinh sản.

Bệnh nhân điều trị vô sinh hiếm muộn cũng nên ưu tiên tiêm vaccine Covid-19. Sử dụng vaccine không ảnh hưởng đến chất lượng trứng, tinh trùng hay quá trình tạo phôi.

"Từ ngày 1/10, khi giãn cách xã hội được nới lỏng, các hoạt động hỗ trợ sinh sản cần quay trở lại. Những ngày đầu bình thường mới ở TP HCM, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đã đón số lượng khách hàng tăng cao. Người bệnh đã rất mong chờ ngày này và chúng tôi hết sức hỗ trợ họ trên hành trình tìm con", Thạc sĩ, bác sĩ Giang Huỳnh Như chia sẻ thêm.


Tác giả: LL