Hoài sơn có tác dụng gì?

Hoài sơn có tác dụng gì?
Hoài sơn vừa là một thực phẩm vừa là một loại dược liệu được sử dụng rộng rãi trong nền y học cổ truyền. Vậy hoài sơn có tác dụng gì đối với sức khỏe?

1. Hoài sơn là gì?

Hoài sơn (Chinese Yam) có tên khoa học là Dioscorea opposita hay Dioscorea batatas, Dioscorea polystachya. Ngoài ra, nó còn được gọi là sơn dược, củ mài, khoai mài,… Một loại dược liệu được sử dụng khá phổ biến trong các bài thuốc Đông y, có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Theo y học truyền thống Trung Quốc, hoài sơn còn được gọi là củ khoai mỡ được kết hợp với các loại thảo mộc khác để điều trị bệnh tiểu đường, hỗ trợ sức khỏe sinh sản, hỗ trợ hệ tiêu hoá, phục hồi năng lượng quan trọng, làm tăng tính âm nên có tác dụng kích thích lá lách, phổi và thận…

Hoài sơn có tác dụng gì? - Ảnh 1.

Hoài sơn - loại dược liệu được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền (Nguồn: Internet)

Trong những năm gần đây, các nghiên cứu khoa học cũng cho thấy hoài sơn có chứa hợp chất diosgenin (là một phytoestrogen – một steroid thực vật giống như estrogen) và dol (một loại protein kích thích sản sinh estrogen) đang được nghiên cứu như một biện pháp thay thế tự nhiên, an toàn hơn liệu pháp thay thế hormone ở phụ nữ mãn kinh. Ngoài ra, nó còn chứa polysaccharid giúp làm giảm lượng đường trong máu,…

2. Tác dụng của hoài sơn

2.1. Tác dụng với hệ tiêu hóa

Theo các nghiên cứu trên động vật và tế bào, các chất chiết xuất từ hoài sơn có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi trong hệ tiêu hóa. Ăn hoài sơn làm tăng vi khuẩn lactobacillus có lợi, ngăn chặn vi khuẩn E.coli gây loét và giảm viêm ruột ở chuột.

Còn trong Đông Y, hoài sơn được sử dụng để chủ trì viêm ruột cấp tính, những người ăn uống kém, chảy máu tiêu hóa…

Hoài sơn có tác dụng gì? - Ảnh 2.

Ăn hoài sơn mang lại nhiều tác dụng tốt cho hệ tiêu hóa. (Ảnh: Internet)

2.2. Cải thiện khả năng nhận thức và trí nhớ

Trong một nghiên cứu trên 28 người trưởng thành khỏe mạnh, chiết xuất của hoài sơn có chứa diosgenin đã cho thấy có tác dụng cải thiện các dấu hiệu của chức năng nhận thức và trí nhớ mà không tạo ra các tác dụng phụ. Đồng thời, hợp chất này cũng sửa chữa chức năng não trên mô hình chuột bị bệnh Alzheimer.

2.3. Tác dụng tích cực đối với sức khỏe sinh sản phụ nữ

Hoài sơn mang đến nhiều lợi ích cho phụ nữ mãn kinh. Sau khi mãn kinh và quá trình rụng trứng chấm dứt, lượng progesterone và estrogen giảm xuống. Mặc dù cả hormone tổng hợp và hormone sinh dục đều là những lựa chọn điều trị nhằm mục đích bù đắp cho sự sụt giảm hormone sinh dục. Tuy nhiên, cả hai đều không phải là phương pháp lý tưởng.

Trong hoài sơn có chứa nhiều hợp chất diosgenin có thể tạo ra estrogen thực vật tự nhiên kích thích nội tiết tố sinh dục nữ. Hơn nữa, vitamin B6 có trong hoài sơn là một chất bổ sung quan trọng, nó giống như một loại thuốc bổ giúp cân bằng nội tiết tố nữ và chữa lành các cơ quan trong cơ thể một cách toàn diện.

Hoài sơn có tác dụng gì? - Ảnh 3.

Hoài sơn mang đến nhiều lợi ích cho phụ nữ mãn kinh. (Ảnh: Internet)

Ngoài những tác dụng trên thì hoài sơn còn có những công dụng khác chữa một số bệnh như: Loãng xương, các vấn đề trong thời kỳ tiền mãn kinh…

Đọc thêm:

Công thức và tác dụng của nước ép dứa cần tây

Tác dụng của tỏi ngâm giấm và những lưu ý cần biết về sức khỏe 

2.4. Tác dụng chống oxy hóa

Hoài sơn có chứa một số chất chống oxy hóa như allantoin,  flavonoid, phenol… và vitamin C giúp loại bỏ các gốc tự do có thể làm hỏng DNA gây nên ung thư, tim mạch…, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương.

Mặt khác, hoài sơn còn chứa một lượng đáng kể như kali, magie, kẽm, canxi, mangan, phốt pho và đồng nên việc dùng nó giống như chất bổ sung hoàn toàn có lợi.

2.5. Tác dụng giảm lượng đường trong máu

Trong hoài sơn có polysacchaid giúp làm giảm lượng đường trong máu. Đồng thời, nhờ các hợp chất diosgenin làm tăng độ nhạy insulin (bằng cách liên kết với PPAR gamma). Vì vậy, hoài sơn hoạt động giống như một thực phẩm chức năng tốt cho bệnh tiểu đường hoặc tiền tiểu đường. Tuy nhiên, đây mới chỉ được nghiên cứu trên động vật, còn chưa có nghiên cứu cụ thể trên người.

2.6. Tác dụng hỗ trợ miễn dịch

Các nghiên cứu dược tiến hành trên chuột cho thấy: Hợp chất diosgenin và chất nhầy lấy từ hoài sơn có tác dụng làm tăng hoạt động của hệ thống miễn dịch và cải thiện khả năng chống lại bệnh nhiễm trùng mà chúng gặp phải ở một số loại động vật trước đó.

Hơn nữa, chất nhầy từ hoài sơn làm tăng chỉ số về chức năng miễn dịch ở động vật bao gồm:

- Sản xuất tế bào T và B (hai loại bạch cầu)

- Sản xuất TNF-alpha và IL-6 từ đại thực bào (một loại tế bào bạch cầu khác)

- Lá lách và sản xuất các tế bào cơ quan miễn dịch khác.

Ngoài ra, nó cũng làm tăng các cytokine gây viêm (TNF-alpha và IL-6).

2.7. Tác dụng với sức khỏe làn da

Trong nền y học cổ truyền Trung Quốc, Hàn Quốc hay Việt Nam, từ nhiều thế kỷ trước đến nay hoài sơn được sử dụng để làm mềm da và kiểm soát các vấn đề về da như nhọt hay các vết loét trên da. 

Các hợp chất có trong hoài sơn giúp làm chậm sự xuất hiện của những dấu hiệu lão hóa trên da nhờ giàu vitamin C, các chất dinh dưỡng khác có đặc tính chống oxy hóa khiến làn da tươi trẻ hơn. Những chất dinh dưỡng này cũng thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, làm dịu phát ban và vết bỏng, giúp làm giảm quầng thâm mắt, trẻ hóa làn da nhờ sản sinh collagen.

3. Một số lưu ý khi sử dụng hoài sơn

Bên cạnh những ưu điểm mà hoài sơn mang lại cho sức khỏe của con người thì nó cũng tồn tại một số nhược điểm nên khi sử dụng cũng cần phải chú ý:

- Hoài sơn được coi là an toàn khi ăn, nhưng nó có thể không phù hợp với tất cả mọi người.

- Trong hoài sơn có chứa diosgenin có thể kích hoạt các thụ thể estrogen và tăng sản xuất estrogen nên những người muốn giảm tác động của estrogen trong cơ thể của họ cần tránh không sử dụng.

- Các trường hợp u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng… nên cẩn trọng khi sử dụng hoài sơn. Vì liều dùng của thuốc tùy vào mục đích sử dụng và các bệnh lý khác nhau. Bạn có thể uống thuốc sắc hoặc chế biến thành những món ăn như nấu cháo, luộc…

- Cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, nếu bạn đang dùng các loại thuốc khác.

- Không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của thầy thuốc.

Nguồn tham khảo:

 1. 6 Chinese Yam (Nagaimo) Benefits + Nutrition & Side Effects 

2. An underutilized orphan tuber crop—Chinese yam : a review


https://suckhoehangngay.vn/hoai-son-co-tac-dung-gi-20220523163422824.htm
Tác giả: Phạm Trang