Hóa trị ung thư vòm họng và những tác dụng phụ thường gặp

Tham vấn chuyên môn: - Bác sĩ Chuyên khoa I Bệnh viện Quân Y 108
Hóa trị ung thư vòm họng và những tác dụng phụ thường gặp
Khi bệnh đến giai đoạn phải tiến hành hóa trị đồng nghĩa với việc ung thư đã đến giai đoạn di căn hoặc điều trị xạ trị thất bại. Hóa trị ung thư vòm họng không phải là phương pháp điều trị xa lạ, nhưng hóa trị ung thư vòm họng đem lại những tác dụng phụ nào? Có ảnh hưởng gì tới sức khỏe bệnh nhân?

Khi bệnh đến giai đoạn phải tiến hành hóa trị đồng nghĩa với việc ung thư đã đến giai đoạn di căn hoặc điều trị xạ trị thất bại. Hóa trị ung thư vòm họng không phải là phương pháp điều trị xa lạ, nhưng hóa trị ung thư vòm họng đem lại những tác dụng phụ nào? Có ảnh hưởng gì tới sức khỏe bệnh nhân?

1. Tìm hiểu về ung thư vòm họng

Ung thư vòm họng là loại bệnh ung thư xảy ra ở vòm họng (phần trên của họng phía sau mũi). Bệnh này là một dạng hiếm của ung thư đầu cổ và thường xuyên xảy ra hơn ở Đông Nam Á.

Sẽ khá khó khăn cho bác sĩ để phát hiện ung thư vòm họng ở giai đoạn sớm vì rất khó để khám vùng mũi họng và triệu chứng của ung thư vòm họng giống một số bệnh khác. Ung thư có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể thông qua mô, hệ thống bạch huyết và máu. Di căn phổ biến nhất là xương, phổi và gan.

Bệnh gồm có 4 giai đoạn, giai đoạn càng ít thì khả năng ung thư di căn đến các cơ quan khác càng thấp, bao gồm:

Giai đoạn 1: ung thư vòm họng giai đoạn đầu

Giai đoạn 2: ung thư vòm họng giai đoạn trung gian

Các giai đoạn 3 và 4: ung thư vòm họng giai đoạn tiến triển và cuối.

2. Điều trị ung thư vòm họng bằng hóa trị

Trước đây hóa chất chỉ được sử dụng khi ung thư vòm họng có di căn xa hoặc khi điều trị tia xạ thất bại, xu hướng mới hiện nay là điều trị tia xạ kết hợp với hóa chất ngay từ đầu để làm tăng hiệu quả điều trị triệt để khối u.

Hóa trị ung thư vòm họng có dạng thuốc uống và dạng thuốc truyền tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ quyết định dùng các thuốc nào và trong bao lâu. Ở vào những trường hợp cần thiết, có thể kết hợp cả hóa trị và xạ trị cùng lúc.

3. Những tác dụng phụ của hóa trị ung thư vòm họng

3.1. Tác dụng phụ trên hệ tiêu hóa

- Buồn nôn, nôn, chán ăn

Đây là biểu hiện tác dụng phụ phổ biến của phương pháp hóa trị ung thư nói chung thường gặp nhất ở bệnh nhân. Đối với người bệnh ung thư vòm họng, biểu hiện này xảy ra ở hầu hết các trường hợp và có mức độ tăng dần trong suốt quá trình áp dụng điều trị. Người bệnh sẽ liên tục có cảm giác buồn nôn, nôn, chán ăn hoặc không thể ăn uống được.

- Viêm loét niêm mạc miệng

Hóa chất khi được truyền trực tiếp vào cơ thể và miệng ngay sau tuần điều trị đầu tiên có thể gây ra chứng viêm loét miệng. Biểu hiện cũng tăng dần theo quá trình điều trị từ những vết viêm loét nhẹ đến tổn thương nặng toàn miệng gây ảnh hưởng đến khả năng ăn uống.

- Ỉa chảy

Thường xảy ra ở bệnh nhân có hóa trị bằng 5-FU gây tổn thương cấp tính cho niêm mạc ruột dẫn đến mất lớp biểu mô ruột, số lượng dịch bài tiết thường không nhiều nhưng có thể rất nhiều lần trong ngày gây suy kiệt, mất nước.

3.2. Các tác dụng phụ trên hệ thống tạo huyết

- Suy tủy xương

Lượng hóa chất được truyền vào cơ thể một mặt có tác dụng tiêu diệt tế bào gây ung thư nhưng cũng đồng thời làm giảm số lượng các tế bào máu ngoại vi nhất là bạch cầu hạt và tiểu cầu gây biến chứng chảy máu, nhiễm trùng do giảm khả năng đề kháng. Người bệnh sẽ gặp phải tình trạng bị thiếu máu.

- Rối loạn huyết học

Hóa trị ung thư vòm họng gây giảm thành phần magie, natri, kali trong máu, thay đổi tăng hoặc giảm canxi huyết, giảm các yếu tố đông máu….

3.3. Các tác dụng phụ trên các cơ quan khác

- Rụng tóc

Đây cũng là biểu hiện gặp phải rất phổ biến ở bệnh nhân sau khi áp dụng phương pháp hóa trị ung thư, thường là sau 3-4 đợt hóa trị liệu và sau điều trị khoảng 4 – 5 tháng thì tóc sẽ mọc lại tự nhiên. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có thể không gặp phải tác dụng phụ này. Ngoài ra, tất cả các cơ quan khác trong cơ thể cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do hóa chất trong quá trình điều trị gây suy yếu.

Đối với tất cả các tác dụng phụ do hóa trị ung thư vòm họng nêu trên hầu hết đều xảy ra ở người bệnh và sẽ có biện pháp khắc phục nhất định. Tùy vào từng trường hợp và tác dụng phụ nhất định, các bác sĩ sẽ có biện pháp khắc phục phù hợp. Bên cạnh đó còn rất cần sự hợp tác từ phía người bệnh về tinh thần, thực hiện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi và bồi bổ sức khỏe hợp lý sẽ giảm nhẹ gánh nặng do tác dụng phụ của hóa chất. 


Tác giả: Tuệ Nghi