Hoá trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư lưỡi phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào người bệnh cũng sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp này. Cùng tìm hiểu về những trường hợp áp dụng hóa trị trong điều trị ung thư lưỡi ngay sau đây.
Hoá trị điều trị ung thư lưỡi được sử dụng trước các phương pháp điều trị chính được gọi là hóa trị tân bổ trợ. Thông thường, hóa trị sẽ được tiến hành trước khi bệnh nhân phẫu thuật hoặc xạ trị. Hóa trị tân bổ trợ có các tác dụng sau đây:
- Thu nhỏ kích thước của khối u trước khi tiến hành phẫu thuật và xạ trị. Do đó, hóa trị sẽ giúp người bệnh tránh được tình trạng cắt bỏ rộng trong phẫu thuật. Đồng thời, diện tích của vùng xạ trị cũng được thu nhỏ hơn so với không hóa trị.
- Nâng cao hiệu quả điều trị của các phương pháp điều trị ung thư lưỡi khác.
- Tăng khả năng thích nghi và dung nạp thuốc trong cơ thể người bệnh.
- Hạn chế tỷ lệ kháng thuốc và ngăn ngừa tình trạng di căn xuất hiện sớm.
- Làm giảm các triệu chứng của bệnh, đặc biệt là các cơn đau tại vùng lưỡi bị tổn thương.
Hoá trị điều trị ung thư lưỡi có thể được sử dụng sau khi người bệnh phẫu thuật hoặc xạ trị. Phương pháp này được gọi là hóa trị bổ trợ và chúng được sử dụng nhằm mục đích như sau:
- Tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật hoặc xạ trị.
- Ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ bệnh ung thư lưỡi tái phát trong tương lai.
Hoá trị kết hợp với phương pháp xạ trị trong điều trị ung thư lưỡi gọi là hóa xạ trị đồng thời. Phương pháp này có thể làm cho xạ trị hiệu quả hơn. Nhưng đồng thời, nó cũng gây ra nhiều tác dụng phụ hơn cho người bệnh.
Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh hóa trị trong các trường hợp như ung thư giai đoạn cuối hoặc ung thư đã di căn. Đối với trường hợp bệnh ung thư lưỡi đến giai đoạn cuối, hóa trị không còn nhiều tác dụng trong điều trị. Hóa trị chỉ giúp người bệnh giảm thiểu các cơn đau và hạn chế khối u di căn rộng hơn.
Tế bào ung thư tách ra từ một khối u có thể di chuyển đến các bộ phận khác trên cơ thể. Từ vị trí khối u ở lưỡi, chúng sẽ di chuyển thông qua hệ thống máu hoặc hệ bạch huyết. Khi đến được vị trí mới, các tế bào ung thư này sẽ phát triển thành một khối u mới. Hiện tượng này được gọi là ung thư thứ phát hoặc ung thư di căn.
Trong trường hợp này, hóa trị cũng sẽ được sử dụng nhằm kìm hãm sự phát triển của các khối u mới. Đồng thời, hóa trị sẽ giúp ngăn cản các khối u tiếp tục lan rộng đến các vùng khác trên cơ thể.
Các trường hợp không nên sử dụng hóa trị trong điều trị ung thư lưỡi
Không phải bất cứ trường hợp nào người mắc ung thư lưỡi cũng nên điều trị bằng hóa trị. Một số trường hợp không nên sử dụng hóa trị trong căn bệnh này có thể kể đến:
- Tình trạng sức khỏe yếu, sức khỏe không đủ đáp ứng trong suốt thời gian hóa trị.
- Dị ứng với các thành phần sử dụng trong thuốc hóa trị điều trị ung thư lưỡi.
- Có vấn đề liên quan đến chức năng của các cơ quan như tim, gan và phổi.
- Bệnh nhân lớn tuổi và có vấn đề về sức khoẻ.
Hoá trị là phương pháp điều trị ung thư lưỡi được chỉ định trong một số trường hợp nhất định. Để biết mình có nên hóa trị hay không, người bệnh cần đến thăm khám tại các bệnh viện chuyên khoa. Tại đây, thông qua các bước kiểm tra chuyên môn, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về phương pháp điều trị phù hợp.