Hoa thủy tiên: Loại hoa mùa xuân có tác dụng thanh lọc không khí lại là vị thuốc phòng chữa bệnh

Hoa thủy tiên: Loại hoa mùa xuân có tác dụng thanh lọc không khí lại là vị thuốc phòng chữa bệnh
Nhắc tới thủy tiên, người ta thường nhớ tới loài hoa đẹp mắt, thường dùng làm cảnh trong nhà nhưng thân rễ thủy tiên lại có thể dùng làm thuốc tuy vậy vị thuốc này lại có tác dụng mạnh và độc nên cần hết sức cẩn thận khi sử dụng.

Hoa thủy tiên thuộc họ Amaryllidaceae, có tên khoa học là Narcissus tazetta L. Đây là loại hoa dùng để trưng bày mỗi dịp lễ Tết, đầu xuân với màu vàng, trắng đặc trưng. Hoa thủy tiên có ý nghĩa là niềm hy vọng, sự tái sinh, đánh dấu cho sự may mắn đầu năm mới lại vừa có tác dụng thanh lọc không khí nên rất được ưa chuộng.

Hoa thủy tiên có hình dáng bên ngoài rất giống hoa ly hoặc hoa loa kèn; củ như hành tây, lá giống lá tỏi nhưng mảnh hơn. Cây thủy tiên nhỏ, có thân rễ to, hình trứng tròn. Cây có chiều cao 20 cm -1,6 mét tùy theo loài. Lá cây thủy tiên có hình dẹp, dài từ 30 - 45 cm chóp không nhọn, hơi có phấn xanh. Hoa thủy tiên có mùi thơm, đường kính bông hoa đến 1 cm, bao hoa màu trắng, có ống dài khoảng 2 cm, mang các thùy hình trứng ngược cong ra bên ngoài. Tràng phụ màu vàng hình chuông.

Hoa thủy tiên: Loại hoa mùa xuân có tác dụng thanh lọc không khí lại là vị thuốc phòng chữa bệnh - Ảnh 1.

Hoa thủy tiên có tác dụng gì? Ảnh: ST

Đọc thêm:

+ Cây hoa hiên: Loại cây mọc hoang đem phơi khô là "quán quân bổ não" giúp thanh nhiệt giải độc, đẹp da, mờ tàn nhang

+ Thêm hoa hồi vào chế độ ăn có tác dụng gì?

1. Hoa thủy tiên có tác dụng gì?

Cây thủy tiên có thể dùng ở dạng chiết xuất, dầu hoặc dạng bột. Tuy nhiên sử dụng hoa thủy tiên để làm thuốc chữa bệnh như thế nào cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của thầy thuốc, không nên tự ý áp dụng các bài thuốc dân gian từ cây thủy tiên mà không có hướng dẫn từ bác sĩ. Đặc biệt, với người đang uống thuốc chữa bệnh theo đơn, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chủ trị trước khi có ý định thêm bất cứ một loại thảo dược nào vào chế độ ăn uống hàng ngày, tránh tương tác thuốc và tăng nặng thêm triệu chứng bệnh, ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi.

Trong thành phần hóa học của hoa thủy tiên có chứa 0,2-0,45% tinh dầu, trong đó chủ yếu là Eugenol, Benzaldehyde, Benzyl alcohol, Cinnamic alcohol. Ngoài ra, còn chứa Rutin, lsorhamnetin-3-rhamnoglucoside, Narcissin, Citronellol...

Theo một số tài liệu thì công dụng của cây thủy tiên có thể kể đến như:

- Thanh nhiệt, giải độc: Hoa thủy tiên vị đạm, tính mát, đi vào kinh can phổi nên có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, có thể dùng để chữa mụn nhọt, loét và các bệnh do nóng (nhiệt) gây ra; phụ nữ ngũ tâm phiền nhiệt (nóng lòng bàn tay, bàn chân và vùng giữa ngực).

Hoa thủy tiên: Loại hoa mùa xuân có tác dụng thanh lọc không khí lại là vị thuốc phòng chữa bệnh - Ảnh 3.

Hoa thủy tiên vị đạm, tính mát, đi vào kinh can phổi (Ảnh: ST)

- Tác dụng thanh lọc không khí: Hoa thủy tiên có tác dụng thanh lọc không khí rất mạnh nên bạn có thể để hoa thủy tiên trong nhà hoặc xung quanh nhà giúp hấp thụ các loại khí bẩn, ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí. Tuy nhiên không nên đặt hoa thủy tiên trong phòng ngủ.

- Kích hoạt lưu thông máu và điều hòa kinh nguyệt: Một tác dụng của hoa thủy tiên khác có thể kể đến là công dụng tốt trong việc thúc đẩy tuần hoàn máu và điều hòa kinh nguyệt, thích hợp với nữ giới có kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh, vô kinh,...

- Có thể hỗ trợ tiêu diệt tế bào ung thư: Một nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học thuộc khoa Khoa học trường Đại học Libre de Bruxelles (ULB) tại Bỉ, được công bố trên tạp chí Structure đã chỉ ra rằng, chiết xuất tự nhiên từ hoa thủy tiên có thể mang đặc tính tiêu diệt tế bào ung thư, cụ thể là hợp chất hemanthamine (HAE).

Các nhà khoa học cũng thử nghiệm trên chuột với hoạt chất narciclasine có trong củ thủy tiên vàng mắc bệnh ung thư trong thời gian bốn năm cũng cho thấy những con chuột được điều trị bằng việc tiêm narciclasine đã sống sót lâu hơn so với những con chuột không được điều trị.

- Hỗ trợ điều trị bệnh Alzheimer: Hợp chất galantamine trong chiết xuất từ hoa thủy tiên được cho là có lợi trong việc điều trị các triệu chứng của bệnh Alzheimer từ mức độ nhẹ tới trung bình.

- Tác dụng giảm đau: Các kết quả nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng, hai hợp chất của cây thủy tiên là galantamine và galanthine có đặc tính giúp giảm đau, có thể có tiềm năng trong việc giảm đau do đau cơ, đau khớp, bong gân.

Một số bài thuốc từ cây hoa thủy tiên:

Do độc tính cao nên việc dùng cây hoa để chữa bệnh cần có sự giám sát của thầy thuốc để sử dụng đúng liều lượng.

- Gây nôn: Người ta dùng thân rễ thủy tiên để gây nôn và làm thuốc long đờm. Nước sắc từ rễ cây thủy tiên là liều thuốc gây nôn rất hiệu quả.

- Trị sẹo, mờ tàn nhang: Rễ hoặc củ thủy tiên giã nát trộn với mật ong có thể dùng để trị sẹo phỏng, mờ tàn nhang.

- Bệnh hen suyễn, ho gà: Đôi khi thân rễ thủy tiên được dùng phối hợp với rễ cây cà độc dược để trị hen suyễn, ho gà.

Hoa thủy tiên: Loại hoa mùa xuân có tác dụng thanh lọc không khí lại là vị thuốc phòng chữa bệnh - Ảnh 4.

Cây hoa thủy tiên có độc không? Ảnh: ST

- Chữa ung thũng: Giã nát thân rễ thủy tiên đắp lên các nơi sưng đau. Mỗi ngày uống 1 - 3 gam thân rễ khô dưới dạng thuốc sắc hoặc thuốc hãm.

- Bài thuốc chữa kiết lỵ từ hoa thủy tiên: Chuẩn bị hoa thủy tiên 3 gam đem sắc kỹ lấy nước rồi pha thêm một chút đường trắng uống trong ngày.

- Bài thuốc chữa quai bị: Chuẩn bị hoa hoặc củ thủy tiên giã nát rồi sao nóng rồi đắp vào chỗ đau.

- Bài thuốc chữa tiểu tiện không thông: Chuẩn bị củ thủy tiên giã nát rồi đắp vào huyệt Dũng tuyền. Vị trí huyệt Dũng tuyền nằm ở điểm nối giữa 2/5 trước và 3/5 sau của đoạn nối đầu ngón chân thứ hai với điểm giữa bờ sau gót chân.

- Bài thuốc cho phụ nữ ngũ tâm phiền nhiệt: Chuẩn bị hoa thủy tiên, lá sen khô, xích thược, với lượng bằng nhau. Đem tất cả sấy khô, tán bột, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 6 gam với nước ấm.

- Bài thuốc chữa mụn nhọt, đinh độc: Chuẩn bị hoa hoặc củ thủy tiên tươi giã nát đắp lên tổn thương; hoặc dùng củ thủy tiên, dã tường vi, lá phù dung và rễ cây chuối tiêu, giã nát rồi đắp vào nơi bị mọc nhọt.

- Bài thuốc chữa côn trùng đốt: Dùng hoa hoặc lá thủy tiên tươi giã nát đắp vào chỗ bị cốt trùng đốt.

2. Cây hoa thủy tiên có độc không?

Khoảng 20 loại alkaloid độc hại khác nhau đã được xác định trong cây hoa thủy tiên, phổ biến nhất là lycorine gây ức chế Enzym cholinesterase - có thể kích thích niêm mạc dạ dày, gây ra các triệu chứng ngộ độc. Lycorine được tìm thấy trong tất cả các bộ phận của cây, với nồng độ cao nhất ở củ.

Triệu chứng ngộ độc cây hoa thủy tiên

Ngộ độc cây hoa thủy tiên có thể xảy ra theo nhiều cách. Con đường phổ biến nhất là thông qua việc ăn phải các bộ phận khác nhau của cây, bao gồm củ, lá và hoa. Bạn nên cẩn thận khi dùng lá, củ và hoa thủy tiên vì chúng rất độc và có thể gây tử vong.

- Triệu chứng ngộ độc khi ăn phải cây hoa thủy tiên

Ngộ độc cây hoa thủy tiên có thể dẫn đến một số triệu chứng khó chịu. Các phản ứng phổ biến nhất bao gồm buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, sưng miệng/cổ họng/lưỡi, tăng tiết nước bọt, chóng mặt và lú lẫn. Nếu vô tình ăn phải hoa thủy tiên với số lượng lớn có thể gây co giật, ức chế tuần hoàn, hô hấp và hôn mê.

Các triệu chứng thường bắt đầu trong vòng 60 phút và kéo dài khoảng 4 giờ hoặc có thể kéo dài tới 24 giờ khi nuốt phải một lượng lớn. Nuốt phải củ có thể gây cảm giác nóng rát hoặc kích ứng miệng và cổ họng. Nuốt phải nước cắm loại hoa này cũng có thể gây khó chịu ở bụng và nôn mửa.

Hoa thủy tiên: Loại hoa mùa xuân có tác dụng thanh lọc không khí lại là vị thuốc phòng chữa bệnh - Ảnh 5.

Ngộ độc cây hoa thủy tiên có thể xảy ra theo nhiều cách (Ảnh: ST)

- Triệu chứng ở da khi tiếp xúc với cây hoa thủy tiên

Tiếp xúc với nhựa cây hoa thủy tiên có thể bị kích ứng tại chỗ hoặc phản ứng dị ứng như ngứa, đỏ, phát ban,... và trong một số trường hợp, kích ứng toàn thân cũng có thể xảy ra. Ngoài hoa, củ của cây thủy tiên chứa canxi oxalat, do đó khi tiếp xúc với củ cũng sẽ có khả năng bị viêm da tiếp xúc kích ứng.

3. Liều lượng dùng hoa thủy tiên

Liều dùng của cây thủy tiên sẽ khác nhau tùy từng tình trạng bệnh, độ tuổi, thể trạng. Các tác dụng của cây hoa thủy tiên cho tới hiện tại vẫn chưa đủ căn cứ khoa học với các bằng chứng và quy mô nghiên cứu trên quần thể người quy mô lớn hơn. Do vậy không có khuyến nghị chính thức về liều dùng thủy tiên là bao nhiêu. Nhưng cần lưu ý, cả cây, lá, củ và hoa thủy tiên đều không an toàn đối với phụ nữ mang thai và cho con bú dù là dùng ngoài da hay dùng đường uống.

Nhìn chung, mặc dù có những tác dụng tiềm năng nhưng việc dùng cây hoa thủy tiên chữa bệnh cần có sự giám sát của bác sĩ, cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro khi sử dụng, tránh sử dụng không đúng cách, sai liều lượng gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Hoa thủy tiên: Loại hoa mùa xuân có tác dụng thanh lọc không khí lại là vị thuốc phòng chữa bệnh - Ảnh 6.

Nguồn dịch tham khảo:

1. 163.com

2. Narcissus Is Not Safe for Humans

3. Daffodil


Tác giả: Allen