Hoa mắt, chóng mặt vào buổi sáng khi thức dậy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách đối phó

Hoa mắt, chóng mặt vào buổi sáng khi thức dậy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách đối phó
Cơ thể sử dụng đường trong máu được gọi là glucose để làm nguồn năng lượng cho tế bào và các cơ quan trong cơ thể. Lượng đường máu thấp được gọi là hạ đường huyết, xảy ra khi cơ thể không có đủ glucose để làm năng lượng.

Đường huyết thấp thường được định nghĩa là lượng glucose dưới 70 minigam trên decilit (mg/dL). Một khi đường huyết xuống dưới 54 mg/dL cảnh báo trường hợp nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

1. Triệu chứng hạ đường huyết vào buổi sáng

Nếu thức dậy với những triệu chứng sau đây, có thể bạn đang bị hạ đường huyết vào buổi sáng:

- Nhịp tim nhanh: Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi lượng đường trong máu xuống thấp vì cơ thể đang phải cố gắng bù đắp lượng glucose thiếu hụt bằng cách bơm máu nhanh hơn.

- Run rẩy, đặc biệt là ở tay.

- Đổ mồ hôi do cơ thể đang cố gắng làm mát.

- Lo lắng, bồn chồn.

- Dễ cáu kính.

- Thay đổi chức năng nhận thức, chẳng hạn như lú lẫn.

- Chóng mặt do não không nhận đủ glucose để hoạt động.

Hoa mắt, chóng mặt vào buổi sáng khi thức dậy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách đối phó - Ảnh 2.

Hạ đường huyết dẫn tới những cơn hoa mắt, chóng mặt (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

+ Chóng mặt và buồn nôn khi tắm do đâu? Nên làm gì khi gặp tình trạng này?

Tiểu đường ăn gì thay cơm để kiểm soát đường huyết hiệu quả?

- Khả năng phối hợp vận động kém, việc thực hiện các hoạt động hàng ngày sau khi thức dậy trở nên khó khăn hơn.

- Đau nhức đầu do đường máu thấp ảnh hưởng tới mạch máu và chức năng não bộ.

- Khô miệng, giảm tiết nước bọt.

- Buồn nôn.

- Đói cồn cào.

Nếu đường huyết giảm xuống dưới 54 mg/dL, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra bao gồm: Co giật, ngất xỉu hoặc thậm chí là hôn mê.

2. Nguyên nhân gây ra tình trạng hạ đường huyết vào buổi sáng

Hạ đường huyết buổi sáng có thể có nhiều nguyên nhân gây ra. Điều quan trọng là xác định chính xác nguyên nhân gây hạ đường huyết là gì để có biện pháp kiểm soát bệnh và triệu chứng một cách hiệu quả. Theo Healthline, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây hạ đường huyết vào buổi sáng mà bạn có thể tham khảo:

- Bệnh tiểu đường

Nếu bạn bị tiểu đường, đường huyết có thể bị thấp hơn vào buổi sáng do quá nhiều loại insulin dài hạn. Insulin dài hạn là loại insulin được sử dụng để duy trì mức đường huyết ổn định trong suốt một khoảng thời gian dài, thường là cả ngày hoặc đêm. Loại insulin này có thời gian tác động kéo dài hơn so với insulin phản ứng chậm.

Hoa mắt, chóng mặt vào buổi sáng khi thức dậy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách đối phó - Ảnh 3.

Nếu bạn bị tiểu đường, đường huyết có thể bị thấp hơn vào buổi sáng do quá nhiều loại insulin dài hạn (Ảnh: Internet)

Insulin giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách cho phép glucose đi vào các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Quá nhiều insulin dù ở dạng nào cũng có thể dẫn tới hạ đường huyết. Ngoài ra, một số loại thuốc (không phải insulin) trong điều trị bệnh tiểu đường type 2 cũng có thể gây hạ đường huyết như thuốc thuộc nhóm sulfonylurea.

Đường huyết khi đói của bệnh tiểu đường thường là từ 70 - 130 mg/dL, được đo vào buổi sáng trước khi ăn sáng.

- Các nguyên nhân khác không liên quan tới tiểu đường

Ngoài tiểu đường có thể gây hạ đường huyết vào buổi sáng thì cũng có những nguyên nhân khác có thể gây ra tình trạng này, chẳng hạn:

+ Nhịn ăn trong thời gian dài

Nhịn ăn qua đêm trong thời gian dài, đặc biệt là người bị tiểu đường có thể gây hạ đường huyết vào buổi sáng. Tuy nhiên thì nhịn ăn qua đêm không phải là một nguyên nhân phổ biến gây hạ đường huyết vào buổi sáng do cơ thể có cơ chế ngăn không cho lượng đường trong máu giảm xuống mức nguy hiểm, chẳng hạn như gan sẽ giải phóng một số lượng đường dự trữ qua đêm.

Hoa mắt, chóng mặt vào buổi sáng khi thức dậy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách đối phó - Ảnh 4.

Nhịn ăn qua đêm trong thời gian dài, đặc biệt là người bị tiểu đường có thể gây hạ đường huyết vào buổi sáng (Ảnh: Internet)

+ Hoạt động thể chất cường độ cao trước khi ngủ

Vận động thể chất cường độ cao ngay trước khi đi ngủ không phải là một gợi ý tốt cho sức khỏe do cơ thể sẽ sử dụng glucose để tạo ra năng lượng trong quá trình tập luyện. Điều này có thể dẫn tới hạ đường huyết vào sáng hôm sau.

+ Mất cân bằng nội tiết tố

Một số tình trạng mất cân bằng nội tiết tố như suy giảm chức năng tuyến thượng thận hoặc nồng độ hormone tăng trưởng thấp có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống thấp.

+ Chế độ ăn ít carbohydrate

Nhiều người cho rằng việc cắt giảm carbohydrate là một biện pháp tốt để giảm cân, tuy nhiên, chế độ ăn kiêng ít hoặc loại bỏ hoàn toàn carbohydrate có thể khiến cơ thể bị giảm khả năng hấp thụ glucose dẫn tới hạ đường huyết.

Hoa mắt, chóng mặt vào buổi sáng khi thức dậy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách đối phó - Ảnh 5.

Chế độ ăn kiêng ít hoặc loại bỏ hoàn toàn carbohydrate có thể khiến cơ thể bị giảm khả năng hấp thụ glucose dẫn tới hạ đường huyết (Ảnh: Internet)

+ Uống quá nhiều rượu

Uống quá nhiều rượu bia và các chất kích thích vào đêm hôm trước khiến gan gặp khó khăn trong việc giải phóng glucose vào máu và gây hạ đường huyết vào buổi sáng hôm sau.

+ Bệnh lý

Một số bệnh lý nghiêm trọng về gan, tuyến tụy, bệnh thận mãn tính, tiêu chảy hoặc nôn mửa, rối loạn hormone hoặc enzyme hiếm gặp khiến cơ thể khó hấp thụ hoặc phân hủy glucose.

+ Đang mang thai

Phụ nữ mang thai thường bị hạ đường huyết vào buổi sáng hơn do cơ thể sử dụng nhiều calo hơn để nuôi dưỡng thai nhi phát triển.

Trong một số trường hợp hiếm gặp thì hạ đường huyết có thể do khối u ung thư phát triển và giải phóng các yếu tố giống insulin hay sử dụng lượng lớn glucose dẫn tới hạ đường huyết.

3. Đối phó

Điều trị hạ đường huyết cần dựa vào nguyên nhân gây ra. Chẳng hạn, nếu như cơn đói là thủ phạm, việc ăn một bữa ăn giàu glucose bao gồm trái cây hay bánh ngọt, thực phẩm giàu carbohydrate tác dụng nhanh (khoảng 15 gam) có thể giúp nhanh chóng tăng lại lượng đường trong máu. 15 gam carbohydrate tương đương với khoảng: 3 viên đường glucose, 1/2 cốc nước ép trái cây không thêm đường hay 1 thìa mật ong.

Đảm bảo rằng không quá nhiều một lúc hơn mức khuyến nghị để giải quyết tình trạng hạ đường huyết bởi điều này có thể gây ra tác dụng ngược lại, khiến lượng đường trong máu tăng lên quá cao. Về lâu dài sẽ khiến bệnh tiểu đường nghiêm trọng hơn.

Hoa mắt, chóng mặt vào buổi sáng khi thức dậy: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách đối phó - Ảnh 6.

Điều trị hạ đường huyết cần dựa vào nguyên nhân gây ra (Ảnh: Internet)

Hãy đợi khoảng 15 phút sau bữa ăn nhẹ đầu tiên và nếu không cảm thấy khỏe hơn, hãy bổ sung tiếp khoảng 15 gam carbohydrate nữa. Việc kết hợp carbohydrate với protein và các nguồn chất béo lành mạnh từ hạt, ngũ cốc hoặc phô mai sẽ giúp no lâu hơn và ngăn ngừa việc lượng đường trong máu giảm mạnh một lần nữa. Lưu ý, các món giàu tinh bột như khoai tây, cơm, bánh mì, mì sợi dễ khiến đường huyết tăng vọt sau bữa ăn nên cần cân đối định lượng.

Người bị tiểu đường thường có lượng đường trong máu thấp vào buổi sáng có thể cần thay đổi liều dùng thuốc điều trị hoặc thay đổi chế độ ăn uống. Tuy nhiên, trước khi làm những điều này, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp, không tự ý thay đổi thuốc có thể ảnh hưởng tới sự tiến triển của bệnh.

Nếu hạ đường huyết là do bệnh lý tạm thời như virus dạ dày dẫn tới tiêu chảy hoặc nôn mửa thì uống nhiều nước hoặc các loại đồ uống điện giải sẽ giúp ngăn ngừa mất nước.

Nhìn chung, hạ đường huyết vào buổi sáng có thể gây ra nguy hiểm hoặc đe dọa tính mạng nếu thường xuyên xảy ra. Tốt nhất hãy thăm khám bác sĩ nếu tình trạng không được cải thiện ngay cả khi đã thay đổi lối sống và sử dụng thuốc tại nhà. Ghi lại các triệu chứng và điều gì khiến triệu chứng hạ đường huyết vào buổi sáng giảm nhẹ hoặc nghiêm trọng hơn sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác.

Việc phòng ngừa hạ đường huyết buổi sáng cần dựa vào giải quyết bệnh lý tiềm ẩn (nếu có) và duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ và cân bằng với carbohydrate, protein và chất béo lành mạnh trong ngày. Đồng thời cần hạn chế uống quá nhiều rượu và tập thể dục cường độ cao trước khi đi ngủ.

Nguồn dịch tham khảo:

1. Why Do I Have Low Blood Sugar in the Morning?

2. What to know about low blood sugar in the morning

3. World Diabetes Day: 8 signs of low blood sugar in the morning


Tác giả: Allen