Ho sau khi chạy có nguy hiểm không?

Ho sau khi chạy có nguy hiểm không?
Chạy bộ là một trong những bài tập cải thiện sức khỏe tim mạch tuyệt vời. Nhiều người bị ho sau khi chạy bộ, kể cả những người khỏe mạnh, điều này có nguy hiểm không?

Dưới đây là những thông tin liên quan tới nguyên nhân khiến bạn bị ho sau khi chạy, đặc biệt là cơn ho tăng lên khi chạy trong thời tiết lạnh cùng những lời khuyên và biện pháp khắc phục cho những cơn ho này.

1. Nguyên nhân gây ho sau khi chạy bộ

Ho sau khi chạy bộ tương đối phổ biển ở mọi người. Bạn có thể tham khảo những nguyên nhân khiến bạn bị ho sau khi chạy dưới đây, điều quan trọng là chú ý tới các triệu chứng liên quan và liên hệ với cường độ tập luyện của bản thân.

1.1. Co thắt phế quản do tập thể dục

Nếu cơn ho của bạn là mãn tính và không phải do bệnh tật hay các tình trạng bệnh lý khác gây ra thì có thể bạn đang đối mặt với tình trạng co thắt đường thở tạm thời. Cơ chế xảy ra do sự phản ứng quá mức từ phổi dẫn tới nhịp tim tăng lên sau khi chạy bộ hay các vận động thể lực khác.

Hay nói cách khác, đường thở của bạn tạm thời bị co lại và khiến bạn bị ho và gọi là tình trạng co thắt phế quản do tập thể dục. Ho sau khi chạy thường đạt đỉnh từ 10 - 15 phút sau khi bắt đầu tập và giảm dần trong vòng 60 phút - đây cũng là điểm khác biệt so với phản ứng kéo dài thường thấy ở bệnh nhân bị hen suyễn.

Các triệu chứng ho thường gặp ở người bị co thắt phế quản do tập thể dục có thể bao gồm khó thở và tức ngực.

Ho sau khi chạy có nguy hiểm không? - Ảnh 2.

Có nhiều nguyên nhân gây ho sau khi chạy bộ (Ảnh: Internet)

Đọc thêm:

Có nên chạy bộ lúc 5h sáng không?

Cách chạy bộ để đạt chiều cao lý tưởng

1.2. Dị ứng theo mùa

Dị ứng theo mùa là một nguyên nhân khác có thể gây ho sau khi chạy. Nếu bạn chạy ngoài trời khi lượng phấn hoa cao hay khói bụi bạn có thể bị hắt xì, thở khò khè và ho. Các triệu chứng này sẽ tăng lên nếu bạn có các vấn đề sẵn có như bệnh hen suyễn và dị ứng khiến bạn cảm thấy khó thở hơn.

1.3. Chảy nước mũi sau

Cảm lạnh thông thường, dị ứng, nhiễm trùng xoang hoặc tiếp xúc với các chất kích thích trong không khí đều có thể là tác nhân gây chảy nước mũi sau.

Chảy nước mũi sau gây ra dòng chất nhầy chảy ra đều đặn từ phía sau xoang xuống cổ họng khiến niêm mạc họng bị kích thích và bạn bị ho. Cơn ho sẽ trầm trọng hơn nếu bạn chạy bộ ngoài trời và khiến chảy nước mũi sau quá nhiều.

1.4. Trào ngược axit

Trào ngược axit thanh quản cũng có thể là lý do khiến nhiều người bị ho sau khi chạy bộ hoặc ho sau khi tập thể dục. Điều này được giải thích là do axit trong dạ dày trào lên cổ họng và gây kích ứng dẫn tới ho.

Khác với cơn ho do co thắt phế quản sau khi tập thể dục thì cơn ho do trào ngược axit là cơn ho mãn tính (kéo dài).

Ho sau khi chạy có nguy hiểm không? - Ảnh 3.

Trào ngược axit thanh quản cũng có thể là lý do khiến nhiều người bị ho sau khi chạy bộ (Ảnh: Internet)

1.5. Chạy trong thời tiết lạnh

Khi bạn chạy bộ trong thời tiết lạnh và khô, các triệu chứng co thắt phế quản do tập thể dục hoặc tình trạng ho mãn tính có thể được kích hoạt do chạy bộ khiến bạn hít thở nhanh hơn và khi hít không khí khô vào đường thở bạn sẽ bị ho.

Theo Healthline, một nghiên cứu năm 2018 đã chỉ ra rằng thời tiết khô lạnh có thể góp phần gây viêm mãn tính. Điều này sẽ tăng lên nếu bạn có tiền sử hoặc đang mắc các bệnh hô hấp so với người khỏe mạnh không mắc bệnh.

1.6. Rối loạn chức năng dây thanh âm

Khi dây thanh âm của bạn không được đóng mở đúng cách bạn có thể bị rối loạn chức năng dây thanh âm. Tình trạng này có thể gây ra các triệu chứng như: ho, thở khò khè, khó thở khi nghỉ, ho hoặc khó thở khi chạy bộ hoặc các hoạt động thể chất khác.

2. Cách ngăn chặn cơn ho sau khi chạy

Mặc dù ho sau khi chạy có thể gây khó chịu nhưng đây không phải là lý do bạn nên dừng việc tập thể dục lại. Tập thể dục rất quan trọng đối với sức khỏe, đặc biệt đối với những người mắc bệnh hen suyễn. Thay vào đó, hãy nói chuyện với bác sĩ để nhận được lời khuyên về việc thay đổi lối sống hoặc cách thức tập luyện nhằm giảm bớt các triệu chứng khó chịu khi chạy bộ nói riêng và tập thể dục nói chung.

2.1. Thay đối lối sống

Những thay đổi đơn giản trong thói quen tập luyện có thể giúp bạn giảm nhẹ hoặc ngừng ho sau khi chạy, chẳng hạn:

- Chạy bộ bằng máy trong nhà vào mùa lạnh hoặc mùa dị ứng 

- Hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng nhằm giảm việc hít không khí khô lạnh và kích ứng niêm mạc họng

Ho sau khi chạy có nguy hiểm không? - Ảnh 4.

Cân nhắc tới việc tập chạy trong nhà khi thời tiết lạnh hoặc nhiều phấn hoa (Ảnh: Internet)

- Đeo khăn quàng cổ hoặc khăn che mặt bản rộng khi chạy ngoài trời để không khí được làm ấm trước khi bạn hít vào đường thở và đi tới phổi

- Khởi động và tiếp tục vận động nhẹ nhàng từ 10 - 15 phút trước khi bắt đầu và kết thúc buổi chạy bộ

- Nghỉ ngơi khi bạn bị ốm nếu bạn bị ho do bệnh về đường hô hấp, bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi, nếu đủ khỏe bạn có thể tập giãn cơ nhẹ nhàng trong khi chờ cơ thể hồi phục trước khi quay trở lại tập luyện.

2.2. Thuốc

Nếu bạn thường xuyên ho sau khi tập thể dục, tốt nhất bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được thăm khám và chỉ định thuốc nếu cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn bị hen suyễn. Ho sau khi chạy bộ có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh hen suyễn đang không được kiểm soát tốt và kế hoạch quản lý bệnh của bạn cần phải được điều chỉnh lại.

Khi cơn ho của bạn là do chảy nước mũi sau, bạn có thể cân nhắc sử dụng thuốc thông mũi không kê đơn, thuốc kháng histamine để làm loãng chất nhầy.

Nếu các tình trạng bệnh lý là nguyên nhân khiến bạn bị ho sau khi chạy bộ, thuốc kê đơn có thể được sử dụng để điều trị triệt để bệnh hoặc dự phòng tái phát. Tuyệt đối không tự ý mua và uống thuốc hay sử dụng đơn thuốc cũ khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

3. Khi nào ho sau khi chạy cần thăm khám bác sĩ?

Co thắt phế quản sau tập thể dục có thể gây ho trong vòng một giờ. Các nguyên nhân gây ho phổ biến như nhiễm virus có thể dẫn tới cơn ho kéo dài tới 3 tuần. Đối với cơn ho kéo dài trên một hoặc hai tuần, bạn nên thăm khám bác sĩ bởi đây có thể là một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn hoặc mãn tính khác.

Thuốc theo đơn như thuốc hít có thể được chỉ định kèm theo thay đổi lối sống để giảm tình trạng ho sau khi chạy.

Với bất kì triệu chứng nào kèm theo cơn ho sau khi chạy bộ như sốt cao, tim đập nhanh, khó thở, sưng mặt hoặc bất kì  một triệu chứng khiến bạn cực kì khó chịu nào khác, bạn đều cần phải thăm khám bác sĩ ngay lập tức.

Nguồn dịch:

1. Is Coughing After Running Normal?

2. What Causes Coughing After Running?


Tác giả: Allen