Có nhiều nguyên nhân gây ra ho khan ban đêm như cảm lạnh thông thường, hen suyễn, trào ngược axit, dị ứng,... Vào ban đêm, cơn ho khan có thể tăng lên do việc nằm tạo ra trọng lực, đường thở tiếp xúc với không khí khô hoặc tăng độ nhạy cảm,...
Ho là một phản xạ tự nhiên giúp bảo vệ đường thở và phổi của cơ thể bạn khỏi các chất kích thích có hại như chất nhầy, vi trùng, bụi và khói. Có một số lý do có thể khiến cơn ho khan của bạn có thể trầm trọng hơn vào ban đêm.
Đối với nhiều cơn ho vào ban đêm, trọng lực là tác nhân then chốt. Khi bạn nằm thẳng để ngủ vào ban đêm, chất nhầy và các chất lỏng khác có thể đọng lại trong cổ họng.
Chất nhầy có thể chảy ra từ mũi và xoang (nếu bạn bị dị ứng hoặc cảm lạnh ) hoặc axit dạ dày có thể di chuyển lên thực quản (ống rỗng dẫn thức ăn đến dạ dày) và tích tụ trong cổ họng nếu bạn bị trào ngược axit. Cuối cùng, chất nhầy và các chất lỏng khác tích tụ lại tạo ra cảm giác ngứa ngáy ở cổ họng và có thể kích hoạt phản xạ ho.
Các yếu tố môi trường cũng có thể góp phần khiến cơn ho trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm. Ví dụ, hít thở không khí khô có thể khiến cơn ho trở nên trầm trọng hơn do làm nặng thêm tình trạng mũi, họng và đường thở do mất độ ẩm.
Đọc thêm:
- 7 cách dùng lá hẹ tươi giảm triệu chứng ho, viêm họng
- Có thể bị viêm phổi mà không ho, sốt hay không?
Ngoài ra, việc tiếp xúc với các chất gây dị ứng, cụ thể là mạt bụi trên giường hoặc lông thú cưng (nếu bạn ngủ cùng thú cưng), có thể gây kích ứng đường thở, gây ho khan ban đêm.
Bên cạnh đó, theo VeryWell Health, sự thay đổi nội tiết tố và chức năng phổi cũng như tăng độ nhạy cảm của đường thở cũng có thể là nguyên nhân khiến cơn ho trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm. Những thay đổi về đêm này đã được báo cáo ở những người mắc bệnh hen suyễn.
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn gây ho khan ban đêm, trong đó phổ biến nhất bao gồm:
- Viêm phế quản do virus
Viêm phế quản phát triển khi phế quản đột nhiên bị kích thích và viêm nhiễm, gây ho dai dẳng. Cơn ho có thể là ho có đờm hoặc ho khan.
Hầu hết các trường hợp viêm phế quản đều cấp tính (xuất hiện đột ngột và biến mất trong vòng một đến ba tuần) là do cảm lạnh thông thường hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus khác gây ra.
- Hen suyễn
Hen suyễn là một tình trạng phổi mãn tính liên quan đến viêm và hẹp đường hô hấp. Đây là nguyên nhân nổi bật gây ho mãn tính ở người lớn và là nguyên nhân phổ biến nhất ở trẻ em.
Các triệu chứng hen suyễn bao gồm ho từng cơn, thở khò khè, khó thở và tức ngực. Một số người mắc hen suyễn chỉ bị ho khan và được gọi là hen suyễn thể ho.
- Trào ngược axit dạ dày - thực quản
Bệnh trào ngược axit dạ dày - thực quản xảy ra khi các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Triệu chứng chính là ợ chua, cảm giác nóng rát phía sau xương ức. Ho khan cũng có thể xảy ra nếu axit dạ dày bị hít chuyển vào phổi.
- Chảy nước mũi sau
Chảy nước mũi sau được mô tả là tình trạng chất nhầy dư thừa từ mũi và xoang chảy xuống phía sau cổ họng, gây ra cảm giác ngứa ngáy có thể gây ho. Chảy nước mũi sau có nhiều nguyên nhân, bao gồm dị ứng và cảm lạnh.
Dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn nhầm lẫn một chất vô hại với một chất lạ có hại và phản ứng bất thường. Các triệu chứng bao gồm sổ mũi, hắt hơi và ho khan do viêm đường hô hấp.
- Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể gây ho khan ban đêm, mặc dù ít phổ biến hơn nhưng bạn cũng cần lưu ý, bao gồm: Suy tim, thuyên tắc phổi, bệnh ho gà, bệnh lao, ung thư phổi hay tác dụng phụ của một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE - một loại thuốc cao huyết áp).
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ho khan ban đêm là gì mà bạn sẽ có các biện pháp giảm ho phù hợp.
- Thuốc ho không kê đơn, viên ngậm chứa bạc hà
Tinh dầu bạc hà có tác dụng giúp niêm mạc trong xoang co lại tạm thời và ngừng/giảm sản xuất chất nhầy. Việc ít chất nhầy xâm nhập vào phế quản hơn sẽ giảm kích thích phản xạ ho. Ngoài ra thành phần bạc hà còn có tác dụg làm tê cổ họng, giúp họng dễ chịu hơn do sưng viêm.
- Máy bù ẩm
Máy bù ẩm giúp bổ sung độ ẩm cho không khí mà người bị ho hít thở, từ đó họng của bạn ít bị khô hơn, giảm kích thích và giảm ho khan ban đêm. Đặc biệt nếu bạn bị nghẹt mũi thì việc ngủ há miệng sẽ dễ dàng khiến họng bị mất độ ẩm và khiến cơn ho tăng lên.
- Nghỉ ngơi
Nếu cơn ho ban đêm khiến bạn khó ngủ ngon, hãy cân nhắc tới việc thay đổi tư thế ngủ để giảm trọng lực kéo chất nhầy trong mũi xuống cổ họng và kích thích phản xạ ho. Tốt nhất, hãy lựa chọn một chiếc gối cao, khi nằm tạo một gốc 45 độ với mặt phẳng để cổ họng có thời gian phục hồi.
- Tránh các chất kích thích
Các chất kích thích từ môi trường như khói thuốc, mạt bụi, lông thú cưng hay phấn hoa có thể lưu thông quanh nhà cả ngày lẫn đêm. Hãy giữ cho phòng ngủ thông thoáng, sử dụng máy lọc không khí và đóng cửa sổ nếu đang là mùa phấn hoa.
- Mật ong
Mật ong là thành phần luôn được ưa thích của người bị ho nhờ tác dụng giảm ho và chống viêm tự nhiên. Theo Healthline, một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mật ong thậm chí còn có hiệu quả giảm ho vào ban đêm ở trẻ em hơn thuốc ho không kê đơn.
Bạn có thể thêm một thìa cà phê mật ong nguyên chất vào nước ấm để làm dịu họng trước khi đi ngủ.
- Súc miệng bằng nước muối ấm
Súc miệng bằng nước muối ấm là một cách hiệu quả để giảm viêm họng nhờ tác dụng của muối trong tiêu diệt vi khuẩn ở cổ họng, tạo ra một rào cản ngăn vi khuẩn quay trở lại cổ họng của bạn.
Súc miệng bằng nước muối ấm trong ít nhất 30 giây, lâu nhất có thể. Ngoài ra nước muối ấm có thể được sử dụng để rửa mũi.
- Uống nhiều nước
Uống đủ nước quan trọng với hầu hết bệnh tật, trong đó có ho khan ban đêm. Uống đủ nước giúp cơ thể nói chung và niêm mạc họng nói riêng đủ ẩm và không kích hoạt cơn ho. Nếu nước lọc quá khó uống, bạn có thể cân nhắc uống nước chanh ấm.
- Thuốc thông mũi
Thuốc thông mũi không kê đơn có thể hữu ích trong việc giảm nghẹt mũi ở người bị cảm lạnh thông thường hay cúm bằng cách làm co mạch máu để mô bị sưng ít bị kích thích hơn, từ đó giúp người bệnh dễ thở hơn.
Ngoài ra, thuốc giảm ho và thuốc long đờm có thể đem lại hiệu quả trong việc ngăn chặn phản xạ ho cũng như làm loãng chất nhầy trong đường thở. Nói chuyện thêm với bác sĩ trước khi sử dụng bất kì loại thuốc nào để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Hãy khám bác sĩ nếu cơn ho của bạn kéo dài trên 2 tháng hoặc trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian, ngay cả khi bạn đã áp dụng các biện pháp giảm ho khan ban đêm tại nhà. Các triệu chứng cần gặp bác sĩ sớm kèm theo ho khan ban đêm bao gồm:
- Thở hụt hơi
- Sốt
- Đau ngực
- Ho ra máu
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Nguồn dịch:
1. How to Stop a Dry Cough at Night
2. What’s Causing My ‘Unproductive’ Dry Cough at Night and How Can I Treat It?