Virus HIV có khả năng phá huỷ hệ miễn dịch sau khi xâm nhập vào cơ thể người, gây ra các bệnh nhiễm trùng, ung thư,.. dẫn tới tử vong. Vậy bệnh HIV/AIDS nguy hiểm như thế nào đối với sức khoẻ của người bệnh?
HIV/AIDS nguy hiểm như thế nào? (Ảnh: Internet)
- Virus HIV phá huỷ hệ miễn dịch ở người:
Virus HIV được gây bệnh bằng cách tiêu diệt tế bào CD4+ (còn gọi là limpho bào T4) - một loại bạch cầu tham gia quá trình bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của virus và vi trùng, đáp ứng miễn dịch chống lại nhiễm trùng và ung thư. Khi số lượng tế bào CD4+ giảm, người đó dễ mắc một số bệnh mà cơ thể người khoẻ mạnh bình thường có đủ sức chống lại.
Ở giai đoạn đầu của quá trình nhiễm HIV, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng nhẹ như ho, sổ mũi, nhức đầu, đau nhức xương khớp,... do lúc này số lượng tế bào CD4+ chưa giảm nhiều. Khi số lượng tế bào CD4+ bắt đầu giảm mạnh ở các giai đoạn tiếp theo, bệnh nhân thường gặp phải các triệu chứng nặng hơn như sưng bạch huyết, herpes, lở loét,....
Suy giảm số lượng tế bào CT4+ có thể dẫn tới các bệnh nhiễm trùng nặng (Ảnh: Internet)
Ở giai đoạn cuối cùng của bệnh (AIDS), người bệnh dễ dàng mắc phải các loại bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, viêm phổi, ung thư,... với nguy cơ tử vong rất cao. Đó là bởi vì ở thời điểm này, trong máu bệnh nhân chỉ còn khoảng 200 tế bào CĐ4+/mm3.
- Hệ hô hấp và tuần hoàn yếu đi:
Virus HIV gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp và hệ tuần hoàn của người bệnh, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm và các bệnh về phổi.
HIV/AIDS có thể khiến hệ tuần hoàn và hô hấp yếu đi (Ảnh: Internet)
Ngoài ra, tim của bệnh nhân nhiễm HIV cũng phải chịu nhiều áp lực do tăng huyết áp động mạch phổi (PAH).
- Hệ thống tiêu hoá hoạt động kém hiệu quả:
Virus HIV khiến người bệnh chán ăn, mệt mỏi, thiếu dinh dưỡng. Ngoài ra, bệnh nhân HIV còn rất dễ mắc phải các bệnh rối loạn tiêu hoá như tiêu chảy, tả,... do nhiễm khuẩn đường ruột.
Bên cạnh đó, rất nhiều trường hợp người nhiễm HIV bị bệnh nấm Candida, xuất hiện các đốm trắng trên lưỡi. Bệnh có thể gây ra viêm thực quản dẫn đến khó ăn, mệt mỏi.
- Ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh trung ương:
Giảm trí nhớ, kém tập trung, đi lại, ăn uống khó khăn, giảm thị lực, ảo giác... là những triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân HIV. Đó là do sự tấn công của virus HIV trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương. Nó có khả năng tác động đến dây thần kinh ngoại biên làm giảm khả năng vận động và thậm chí có thể làm hỏng các dây thần kinh trong não và trên cơ thể.
- Viêm da, lở loét:
Bệnh nhân HIV dễ mắc phải các bệnh herpes, zona,.. (Ảnh: Internet)
Khi hệ miễn dịch bị suy yếu do sự tấn công của virus HIV, người bệnh rất dễ mắc phải các bệnh herpes xung quanh miệng hoặc bộ phận sinh dục, gây lở loét. Ngoài ra, bệnh nhân HIV cũng có nguy cơ mắc các bệnh zona gây các nốt mụn nước ngứa ngáy và đau đớn. Trên da cũng có thể xuất hiện các cục sần đỏ hoặc các cục u gây ngứa.
- HIV/AIDS thường trực nguy cơ lây nhiễm: Virus HIV là loại virus có khả năng lây lan dễ dàng và nhanh chóng, trực tiếp từ người sang người. Mọi hành vi quan hệ tình dục, tiêm chích, dùng chung dao cạo,... không đảm bảo an toàn đều thường trực nguy cơ lây nhiễm HIV.
- HIV/AIDS gây ảnh hưởng về kinh tế: Người nhiễm HIV có thể bị suy giảm hoặc mất hoàn toàn khả năng lao động, đồng thời chi phí điều trị HIV/AIDS cũng rất tốn kém. Điều này hạn chế sự phát triển kinh tế của cá nhân, gia đình và xã hội
HIV/AIDS ảnh hưởng như thế nào đối với cộng đồng? (Ảnh: Internet)
- HIV/AIDS ảnh hưởng tới tâm lí xã hội: Trên thực tế, đã có rất nhiều giai đoạn HIV/AIDS trở thành nỗi ám ảnh của người dân do sự tăng lên nhanh chóng của số ca mắc mới, song song với các tệ nạn xã hội đang nổi lên lúc bấy giờ. Điều này gây ra sự sợ hãi trong xã hội, dẫn đến kỳ thị, xa lánh đối với những người nhiễm HIV và gia đình của họ.
- HIV/AIDS làm suy thoái giống nòi: Hiện nay, vẫn chưa có biện pháp nào để chữa khỏi hoàn toàn HIV/AIDS. Người nhiễm HIV không chỉ đối mặt với nguy cơ tử vong cao, mà còn có khả năng lây truyền trực tiếp sang vợ/chồng, con cái. HIV làm giảm tuổi thọ, tăng tỉ lệ tử vong của sản phụ và trẻ sơ sinh,...
Theo Zing