Cục máu đông làm cho động mạch bị tắc hoàn toàn khiến máu không thể lưu thông được (nguồn: Internet)
Oxy được máu vận chuyển đưa tới cơ tim qua hệ thống động mạch vành. Bệnh mạch vành xảy ra khi dòng máu đi tới động mạch sẽ giảm sút khiến hệ thống động mạch bao quanh tim không cung cấp đủ oxy cho cơ tim và xuất hiện triệu chứng đau thắt ngực.
Cơn đau thắt ngực này xuất hiện khi bệnh nhân hoạt động gắng sức và sẽ dịu đi nếu người bệnh nghỉ ngơi, đây gọi là "đau thắt ngực ổn định". Tuy nhiên, nếu các mảng xơ vữa trong động mạch bị vỡ thì cơn đau thắt ngực sẽ xuất hiện liên tục, lúc này nó được gọi là "đau thắt ngực không ổn định".
Việc các mảng xơ vữa trong mạch bị vỡ là rất nguy hiểm vì nó có thể làm tắc mạch đột ngột và tạo cục máu đông khiến cho động mạch bị tắc hoàn toàn. Các tế bào cơ tim bị thiếu oxy đột ngột sẽ gây nhồi máu cơ tim.
Các cơn đau thắt ngực là triệu chứng hay gặp nhất của bệnh mạch vành. Người bệnh thường đau giữa ngực, sau xương ức và vùng trước tim. Đau có thể lan lên cổ, ra hàm, ra cánh tay, thường gặp nhất là lan ra bên trái, đau ở vùng thượng vị. Có lúc người bệnh cảm giác bị bó chặt. đè nặng ở vùng ngực nhưng đôi khi cũng chỉ là cảm giác khó chịu trong ngực. Một số trường hợp đau còn lan đến sau lưng, vùng cột sống gây nhiều bất tiện cho người bệnh.
Khi bạn bị hẹp động mạch vành lên tới 75% thì sẽ xuất hiện những cơn đau ở ngực. Những cơn đâu này có thể tiến triển chậm và thầm lặng nhưng cũng có thể khiến bạn bị đau dữ dội bởi những cơn co thắt ở ngực, thậm chí là làm bạn bị nhồi máu cơ tim. Cảm giác đau từ ngực lan sang tay, sang lưng, quai hàm, khiến bạn nôn và vã mồ hội nhiều. Cơn đau thắt ngực thường được mô tả như sau:
- Vị trí : Đau ở xương ức và đau lan sang cổ, vai, tay, hàm, thượng vị, sau lưng. Trường hợp cơn đau xuất hiện nhiều nhất là từ ngực lan đến vai trái và mặt trong tay trái, có khi đau cuống tận các ngón tay.
- Hoàn cảnh xuất hiện: Các cơn đau ở ngực sẽ xuất hiện khi bạn bị chi phối bởi cảm xúc mạnh mẽ, hoặc khi bạn gắng sức. Thậm chí gặp thời tiết lạnh, sau khi ăn no hay hút nhiều thuốc lá cũng sẽ tạo cơ hội cho những cơn đau tấn công. Một số người sẽ bị đau thắt về đêm, khi họ thay đổi tư thế ngủ của mình.
- Mức độ đau và các triệu chứng kèm theo: Hầu hết bệnh nhân mô tả cơ đau thắt ngực là cảm giác ngực thắt lại, nghẹt, rát, bị đè nặng trước ngực và đôi khi cảm giác buốt giá. Một số trường hợp khó thở, mệt lả, đau đầu, buồn nôn, vã mồ hôi...
2.2. Hội chứng động mạch vành cấp
Nếu cơn đau thắt ngực xuất hiện khi bạn không quá sức, hay khi bạn đang nghỉ ngơi, thì khả năng cao bạn đã có triệu chứng bệnh mạch vành, cụ thể là Hội chứng động mạch vành cấp. Hội chứng này bao gồm một số dấu hiệu sau:
Cơn đau thắt ngực kéo dài hơn bình thường hoặc xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Cơn đau thắt ngực không ổn định, thường tự hết nhưng có nguy cơ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Nhồi máu cơ tim có thể khiến người bệnh tử vong đột ngột (nguồn: Internet)
Nhồi máu cơ tim xảy ra do một nhánh động mạch vành bị tắc hoàn toàn, gây hoại tử một vùng cơ tim. Nhồi máu cơ tim xuất hiện bằng cơn đau thắt ngực khi nghỉ ngơi, cơn đau kéo dài và dữ dội hơn. Kèm với đó là cảm giác lo lắng, khó thở, vã mồ hôi. Nhồi máu cơ tim gây hậu quả rất nghiêm trọng, nếu không được điều trị sớm bệnh nhân bị mất một phần cơ tim. Thậm chí bệnh nhân có thể tử vong ngay sau khi bị nhồi máu cơ tim.
Khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim nặng cũng như mắc các bệnh tim mạch khác làm cho cơ tim yếu dần đi thì sẽ xuất hiện bệnh suy tim. Đây là một biểu hiện muộn của bệnh mạch vành.
Nguyên nhân gây ra bệnh mạch vành là do sự lắng đọng các chất béo như Cholesterol trong thành mạch, tạo các mảng xơ vữa, gây hẹp mạch máu và thậm chí làm tắc đông mạch vành hoàn toàn. Điều đó làm cho lượng máu cung cấp cho cơ tim bị thiếu hụt làm xuất hiện các cơn đau thắt ở ngực.
Lười vận động dẫn tới nguy cơ mắc bệnh mạch vành (nguồn: Internet)
Những người có các yếu tố nguy cơ sau dễ bị bệnh mạch vành:
- Tuổi cao (nam trên 50 và nữ trên 55 tuổi)
- Giới tính (nam cao hơn nữ trên 2 lần)
- Yếu tố gia đình
- Chủng tộc
- Hút thuốc lá
- Béo phì
- Lười vận động
- Tăng huyết áp
- Rối loạn mỡ máu
- Bệnh Tiểu đường
- Stress
Để xác định bệnh nhân có bị bệnh mạch vành hay không, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm cơ bản sau để đưa ra kết quả chuẩn xác:
- Điện tâm đồ (ECG)
- Holter điện tâm đồ (ghi điện tim 24 giờ)
- Siêu âm tim
- Nghiệm pháp gắng sức
- Chụp mạch vành
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Chụp cộng hưởng từ MRI
Người mắc bệnh mạch vành nên nhờ bác sĩ tư vấn để có phương pháp điều trị phù hợp (nguồn: Internet)
Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc nếu bị hẹp động mạch vành dưới 75%, tắc nghẽn mạch ở vị trí không quan trọng, chưa có chỉ định can thiệp phẫu thuật hoặc bệnh nhân đã trải quan can thiệp y tế vào mạch vành. Tuy nhiên có một điểm yếu đó là phương pháp điều trị này giảm được triệu chứng nhưng không chấm dứt được nguyên nhân gây hẹp động mạch vành.
Bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật cầu nối động mạch vành (phẫu thuật chủ vành) nếu bị những tổn thương phức tạp không thể điều trị bằng thuốc.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể tiến hành các biện pháp can thiệp tim mạch như nong bóng hay đặt stent mạch vành. Đặc biệt phương pháp can thiệp động mạch vành qua da là phương pháp không phải phẫu thuật mà vẫn giải quyết được các triệu chứng và nguyên nhân gây hẹp động mạch vành.
Để tránh mắc bệnh mạch vành cũng như những bệnh lý tim mạch khác, bệnh nhân cần thực hiện những điều sau:
- Bỏ hút thuốc lá
- Ăn nhạt, không ăn mỡ và lục phủ ngũ tạng, hạn chế trứng, sữa, đồ ngọt
- Không uống nhiều rượu, bia
- Tập thể dục thường xuyên
- Giảm béo phì
- Tránh căng thẳng
Hãy giữ cho bản thân những thói quen lành mạnh và một sức khỏe tốt, tránh xa mọi bệnh lý về tim mạch, đặc biệt là bệnh mạch vành nhé.
Tổng hợp