Bệnh rôm sẩy ở trẻ em là triệu chứng ngoài da rất phổ biến, xuất hiện chủ yếu ở lưng, vùng da đầu, vai, ngực, cổ và các vị trí có nếp gấp của da như khuỷu tay, đầu gối. Bệnh chủ yếu xuất hiện ở trẻ em trong mùa nắng nóng.
Trên da chúng ta có hai tuyến mồ hôi là tuyến ngoại tiết và tuyến đầu tiết. Hầu hết diện tích bề mặt da chúng ta là tuyến ngoại tiết. Tuyến đầu tiết chủ yếu phát triển ở những vùng nhiều nang lông. Khi trời nóng hay thân nhiệt tăng, tuyến ngoại tiết sẽ có tác dụng điều tiết mồ hôi làm mát cơ thể.
Bệnh rôm sẩy ở trẻ em do hiện tượng bít tắc lỗ chân lông gây ra (Ảnh: Internet)
Rôm sẩy xuất hiện khi các ống ngoại tiết bị tắc nghẽn và mồ hôi không thể thoát ra bên ngoài. Do không thể thoát ra như vậy, mồ hôi sẽ ứ đọng dưới nang lông và gây ra tình trạng mụn đỏ li ti hay còn gọi là rôm sẩy.
Dù khoa học chưa giải thích được rõ ràng về nguyên nhân các ống ngoại tiết bị tắc nhưng có thể phán đoán dựa trên các nguyên nhân sau: Do trẻ em có hệ bài tiết chưa hoàn chỉnh, do loại quần áo mặc không phù hợp để thoát mồ hôi, thậm chí có nguyên nhân cho rằng do trẻ được nằm quá lâu ở một chỗ.
Bệnh rôm sẩy ở trẻ em không phải căn bệnh nguy hiểm và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu bệnh kéo dài khoảng trên 3 ngày thì nên đưa bé đến gặp bác sĩ để tránh các tổn thương do rôm sẩy trở nên nặng hơn như sưng đỏ, xuất hiện mủ, sốt, phù hay ớn lạnh.
Chỉ cần các biện pháp khám lâm sàng cũng có thể phát hiện rôm sẩy, không cần thiết đến các xét nghiệm phức tạp.
Bệnh rôm sẩy ở trẻ em không nguy hiểm và có thể tự khỏi, nhưng trong một số trường hợp có thể để lại những biến chứng do bố mẹ quá chủ quan không điều trị dứt điểm như sau:
- Nhiễm trùng: Các vết đỏ li ti có thể nhiễm trùng tạo thành các vết tấy có mủ
- Sốc do nóng: Bệnh rôm sẩy ở trẻ em chủ yếu xuất hiện trong thời tiết nóng nên có nguy cơ khiến trẻ sốt, tăng huyết áp, thậm chí là đột quy, tim đập nhanh.
Cách điều trị rôm sẩy hiệu quả nhất là giảm sự tiết mồ hôi gây bít tắc lỗ chân lông ở trẻ. Hãy để trẻ ở nơi có nhiệt độ mát, bật điều hòa, mặc các loại quần áo dễ chịu, thấm mồ hôi tốt, hạn chế vận động trong mùa hè nắng nóng.
Không gian ngủ của bé cần thoáng mát và sạch sẽ (Ảnh: Internet)
Rôm sẩy nhẹ không cần thiết điều trị thuốc nhưng nếu rôm sẩy kéo dài thì cần sử dụng một số loại thuốc bôi làm dịu cảm giác ngứa, ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông. Một số loại thuốc thường được dùng như dung dịch Calamine làm dịu ngứa. Các loại thuốc bôi có chứa steroids dùng trong các trường hợp nặng. Cha mẹ cũng có thể dùng vitamin C uống để giúp làm dịu các sang thương rôm sảy.
Để ngăn ngừa rôm sẩy ở trẻ, hãy luôn cho trẻ cảm giác thoải mái khi mặc quần áo. Mặc đồ thấm mồ hôi tốt trong mùa hè, mặc ấm vào mùa đông nhưng không mặc quá nhiều quần áo khiến trẻ nóng và đổ mồ hôi. Không tắm bằng nước lạnh và sử dụng các loại xà phòng có tính khô.
Không lạm dụng phấn rôm và kem bôi cho trẻ (Ảnh: Internet)
Cần tránh không cho trẻ em tiếp xúc với nắng trong khoảng thời gian 10 giờ sáng dến 4 giờ chiều để không bị nhiễm các tia có hại ảnh hưởng xấu đến da. Bên cạnh đó, mẹ cần giữ cho da bé khô thoảng, không nên bôi các loại kem dưỡng hay phấn rôm quá nhiều khiến bít tắc lỗ chân lông.