Hiện tượng bị choáng khi đứng dậy là bệnh gì?

Tham vấn chuyên môn: - Khoa Nhi - Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E
Hiện tượng bị choáng khi đứng dậy là bệnh gì?
Hiện tượng choáng khi đứng dậy ít nhất ai cũng gặp một vài lần trong đời, thế nhưng hãy cẩn thận. Cơn hạ huyết áp tư thế đứng xảy ra khi vội vã bật dậy có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của chứng mất trí hoặc những cục máu đông gây đột quỵ.

Kết quả trên đến từ nghiên cứu mới công bố của Đại học Johns Hopkins (Maryland - Mỹ). Hơn 11.700 tình nguyện viên với độ tuổi trung bình là 54, không có tiền sử đột quỵ đã được theo dõi trong suốt 25 năm. Cứ mỗi 5 năm trong cuộc nghiên cứu, họ được đánh giá lại tình trạng trí nhớ và những cơn đột quỵ mới xảy ra, cũng như việc có hay không tần suất xảy ra của những cơn choáng váng khi thay đổi tư thế, choáng khi đứng dậy nhanh.

Để đánh giá những cơn choáng khi đứng dậy, gọi theo thuật ngữ y học là chứng "hạ huyết áp tư thế đứng" hay "hạ huyết áp tư thế", xảy ra khi thay đổi tư thế đột ngột, tình nguyện viên được yêu cầu nằm 20 phút, sau đó nhanh chóng đứng dậy. Huyết áp được đo 1 lần lúc nghỉ ngơi và 5 lần trong khi đứng. Khoảng 5% tình nguyện viên được xác định là có bị hạ huyết áp tư thế đứng.

Sau 25 năm, nhóm người bị hạ huyết áp tư thế đứng có 12,5% phát triển các bệnh mất trí nhớ và 15% bị đột quỵ. Trong khi đó, nhóm không có tình trạng hạ huyết áp tư thế thì chỉ có 9% bị mất trí và 7% bị đột quỵ.

Nói cách khác, những người bị choáng khi đứng dậy nhanh có thể cho thấy bạn có nguy cơ mất trí nhớ cao hơn khoảng 1,39 lần và nguy cơ đột quỵ tăng 2,14 lần.

Hạ huyết áp tư thế đứng có các triệu chứng như chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn, mờ mắt, ngất xỉu… Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm lão hóa, thiếu máu, mất nước, tác dụng phụ của một số thuốc, bệnh tim… Nhiều nguyên nhân trong số đó làm tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông, có thể dẫn đến đột quỵ.

Ngoài ra, hạ huyết áp tư thế đứng ở người trung niên – cao niên còn gây ra không ít trường hợp ngất xỉu và té ngã, gây chấn thương. Đó là lý do bác sĩ hay khuyên bạn hạn chế bật dậy đột ngột lúc đang ngồi hoặc nằm, khi bạn bắt đầu vào tuổi trung niên. Do vậy, để hạn chế hiện tượng choáng khi đứng dậy, bạn nên đứng lên từ từ, hoặc ngồi trên giường một lúc sau khi ngủ dậy. 

Theo tiến sĩ Andreea Rawlings, một trong các tác giả, nghiên cứu này cho thấy những người có tình trạng hạ huyết áp tư thế tuổi trung niên nên được đưa vào nhóm nguy cơ cao của chứng mất trí và đột quỵ.

Họ cần được khuyến cáo, can thiệp sớm để dự phòng tai biến xảy ra trong tương lai. Có rất nhiều yếu tố có thể thay đổi: nếu như do thiếu nước, họ nên bổ sung nước thường xuyên hơn; nếu do bệnh, họ cần điều trị tích cực hơn; nếu do thuốc, có thể thay đổi thuốc…


Tác giả: NLD