Hiện nay đã có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng chưa?

Hiện nay đã có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng chưa?
Bệnh tay chân miệng là căn bệnh truyền nhiễm hết sức nguy hiểm, đặc trưng bởi sự xuất hiện các phỏng nước ở niêm mạc miệng và da lòng bàn tay, bàn chân. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà các nhóm thuốc được sử dụng trong điều trị vẫn chủ yếu là các thuốc điều trị triệu chứng do bệnh gây nên.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, chủ yếu là hai chủng Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71. Bệnh có thể khởi phát ở tất cả mọi lứa tuổi khác nhau, tuy nhiên hay bị mắc bệnh nhất là lứa tuổi đang đi nhà trẻ từ 3-5 tuổi.

Khi bị nhiễm virus, thời gian ủ bệnh tay chân miệng thường kéo dài từ 3-7 ngày rồi mới có các biểu hiện đầu tiên của bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ có một số các biểu hiện của các biểu hiện giống như bị cảm cúm (hắt xì, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi,...) trước khi có các biểu hiện đặc trưng cho bệnh là sự xuất hiện các phỏng nước tổn thương ở niêm mạc miệng và lòng bàn tay, lòng bàn chân, sốt.

>> Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng chỉ chính xác những dấu hiệu bệnh tay chân miệng theo giai đoạn

Nếu bệnh nặng, người bệnh có thể sẽ có nhiều biểu hiện triệu chứng như sốt cao kéo dài, co giật, nôn, mất điều hòa động tác,... Đây là các dấu hiệu nặng của bệnh mà cha mẹ cần chú ý để có thể đưa trẻ đến bệnh viện ngay nếu trẻ đang được chỉ định điều trị ngoại trú.

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không? Đã có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng chưa? - Ảnh 1.

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus gây nên, thường biểu hiện bằng các phỏng nước ở miệng và lòng bàn tay, bàn chân (Ảnh: Internet)

1. Đã có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng chưa?

Do bệnh tay chân miệng có nhiều biến chứng nguy hiểm, vì thế vấn đề điều trị sớm và đúng cách là rất quan trọng, trong đó phương pháp sử dụng thuốc vẫn là phương pháp điều trị chính cho bệnh.

Tuy nhiên, cho đến hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào có thể được sử dụng để điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng, các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tay chân miệng trên thực tế chỉ là các thuốc điều trị triệu chứng (thuốc hạ sốt, bù nước và điện giải, thuốc chống co giật,...).

Các thuốc kháng sinh và thuốc diệt virus không được sử dụng như là một phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Bởi thuốc kháng sinh là thuốc chỉ có tác dụng trên các bệnh có nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn (trong khi đó bệnh tay chân miệng là do virus gây nên), còn đối với thuốc kháng virus thì cho đến hiện nay vẫn chưa có khuyến cáo nào cho thấy việc nó đem lại lợi ích rõ ràng trong điều trị bệnh tay chân miệng vì thế nên thuốc kháng virus không phải là thuốc xuất hiện trong phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng hiện nay.

Mặc dù chưa có các thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh, nhưng nếu được điều trị đúng cách thì hầu hết các trường hợp bệnh sẽ bắt đầu thoái triển sau khoảng 3-5 ngày kể từ khi khởi phát bệnh và thường sẽ khỏi hẳn sau 1-2 tuần.

Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không? Đã có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng chưa? - Ảnh 2.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh tay chân miệng, các thuốc được sử dụng là các thuốc điều trị triệu chứng do bệnh gây nên (Ảnh: Internet)

2. Một số nhóm thuốc điều trị triệu chứng bệnh tay chân miệng

Để điều trị bệnh tay chân miệng, bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng nhiều nhóm thuốc khác nhau tùy thuộc vào mức độ biểu hiện các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Những nhóm thuốc chủ yếu thường dùng trong điều trị bệnh tay chân miệng bao gồm:

- Thuốc hạ sốt: Thuốc hạ sốt thường dùng cho bệnh nhân tay chân miệng là Paracetamol liều 10mg/kg/lần sử dụng. Nếu đáp ứng kém với Paracetamol thì có thể chuyển sang sử dụng Ibuprofen để hạ sốt. Tuy nhiên, thuốc hạ sốt chỉ nên sử dụng khi trẻ sốt trên 38,5 độ C, khi trẻ sốt nhẹ dưới 38,5 độ C thì chỉ nên sử dụng các phương pháp hạ sốt vật lý như cởi bỏ bớt quần áo, lau mát,...

Tuy nhiên, việc sử dụng paracetamol cũng cần chú ý để không xảy ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Bạn có thể tìm hiểu thêm TẠI ĐÂY.

- Các thuốc bù nước, điện giải: Khi trẻ có biểu hiện mất nước và điện giải (thường xuất hiện do sốt cao hoặc nôn mửa, ăn uống kém do đau) thì dung dịch Oresol thường được dùng để bù nước và điện giải cho trẻ. Nếu tình trạng mất nước nặng xảy ra thì bác sĩ có thể chỉ định bù nước và điện giải thông qua đường tĩnh mạch bằng các loại dịch truyền như NaCl 0,9%, Ringerlactat,...

- Thuốc chống co giật: Phenolbarbital là thuốc chống co giật được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân tay chân miệng. Liều sử dụng thuốc điều thay đổi tùy theo mức độ biểu hiện của bệnh và chỉ được khuyến cáo sử dụng đối với các bệnh nhân mắc bệnh từ mức độ 2 trở lên.

- Thuốc cắt cơn co giật: Trong trường hợp trẻ có biểu hiện co giật, để cắt cơn co giật cho trẻ phòng ngừa các nguy hiểm do co giật gây nên thì loại thuốc thường được sử dụng là Midazolam hoặc Diazepam.

- Thuốc hỗ trợ miễn dịch: Thuốc Immunoglobulin có thể được sử dụng cho bệnh nhân tay chân miệng khi điều trị nhằm hỗ trợ hệ miễn dịch của người bệnh chống lại các tác nhân gây bệnh, giảm nhẹ sự biểu hiện của bệnh và rút ngắn thời gian điều trị.

Bên cạnh đó, một số nhóm thuốc khác nhau cũng có thể được sử dụng trong điều trị bệnh tay chân miệng tùy thuộc vào sự biểu hiện của bệnh nhân như thuốc trợ tim mạch (Dobutamin, Milrinone) khi có suy tim mạch hoặc sốc, thuốc lợi tiểu khi có phù phổi cấp, thuốc kháng sinh khi có bội nhiễm xảy ra,...

Qua đó có thể thấy rằng, mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh nhưng nếu tuân thủ tốt các chỉ định điều trị thì bệnh tay chân miệng hoàn toàn vẫn có thể điều trị tốt. Vì thế, khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị bệnh tay chân miệng thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.


Tác giả: QN