Niệu đạo là một ống dài của hệ tiết niệu nối từ bàng quang ra lỗ tiểu để đưa nước tiểu ra. Ở nam giới nó còn giữ vai trò dẫn tinh trùng ra ngoài khi xuất tinh.
Hẹp niệu đạo là tình trạng sẹo xơ hình thành cản trở hoạt động bài tiết nước tiểu, bệnh xảy ra chủ yếu ở nam giới nhưng rất hiếm gặp ở phụ nữ. Hiện tượng sẹo xơ có thể xảy ra bất kể nơi nào từ cổ bàng quang cho tới đầu dương vật.
Ảnh: Internet
Người bị hẹp niệu đạo thường xuất hiện cơn đau bụng dưới, niệu đạo tiết dịch bất thường. Gặp phải các vấn đề tiểu tiện bất lợi như tiểu khó, tiểu chậm, lượng nước tiểu giảm và tia nước tiểu yếu thậm chí có máu trong nước tiểu.
Nam giới sau phẫu thuật tuyến tiền liệt, lấy sỏi, đặt ống thông hoặc làm thủ thuật trong đường tiểu hoặc thiếu niên sau phẫu thuật tạo hình các dị tật bẩm sinh của dương vật như hẹp bao quy đầu, nội soi bàng quang có thể gặp phải tình trạng hẹp niệu đạo.
Ngoài ra những tổn thương do nhiễm trùng niệu đạo hay bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, những chấn thương vùng xương chậu cũng có thể là nguyên nhân bệnh lý.
Để chẩn đoán bệnh lý người mắc phải tiến hành khám lâm sàng, chụp hình niệu đạo bằng phim X-quang, siêu âm, hoặc có thể kết hợp soi niệu đạo. Thông qua các xét nghiệm bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp phù hợp cho tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.
- Nong niệu đạo: là phương pháp sử dụng que nong có kích thước tăng dần hoặc một loại bóng đặc biệt trên ống thông để làm rộng niệu đạo. Thủ thuật có thể gây đau, chảy máu và thậm chí là nhiễm trùng nhưng không mang lại hiệu quả cao.
- Xẻ niệu đạo: Phương pháp sử dụng ống soi được thiết kế đặc biệt có gắn lưỡi dao hoặc sợi laser để đưa vào niệu đạo để cắt đoạn bị hẹp. Sau đó, ống thông sẽ đặt vào niệu đạo cho đến khi vết thương lành. Tùy thuộc tình trạng bệnh lý thời gian rút ống thông sẽ thay đổi.
Ảnh: Internet
- Đặt stent niệu đạo: Phương pháp này sử dụng một ống soi đặc biệt đặt stent kim loại vào niệu đạo. Phương pháp này có ưu điểm là "xâm lấn tối thiểu" tuy nhiên không áp dụng cho phần lớn trường hợp.
- Tạo hình niệu đạo: Tùy thuộc vào vị trí, chiều dài và mức độ hẹp của niệu đạo bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phẫu thuật phù hợp. Phẫu thuật cắt nối hai đầu phù hợp với những bệnh nhân hẹp niệu đoạn nhẹ, đoạn nhẹ ngắn. Nếu đoạn hẹp dài và không thể cắt nối thì có thể phẫu thuật dùng mô thay thế.